Ước mơ có nắng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tu Mơ Rông là huyện miền núi rất ít có nắng, lượng mưa lớn nhất tỉnh Kon Tum (6 tháng mùa mưa).

Đây cũng là nơi thường xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất tỉnh. Bởi vậy, hành trình đi tìm con chữ của học sinh nơi đây cũng chông chênh khó tả. Ước mơ giản đơn của các em chỉ là ngày tới trường có nắng.

Sĩ số 25, vắng 18

Một ngày giữa tháng 9, tức là chỉ ít hôm sau ngày khai giảng, trời mưa tầm tã từ rạng sáng. Lớp 4A3 (Trường tiểu học xã Đăk Hà) vắng hoe. Sĩ số lớp có 25 em thì 18 em không đi học, chỉ còn 7 học sinh (HS) ngồi rải rác trong căn phòng trống trải.

 

Lớp học có 25 em nhưng có 18 em HS nghỉ học
Lớp học có 25 em nhưng có 18 em HS nghỉ học


Dù có đến 2/3 HS quên đến lớp nhưng buổi học vẫn phải diễn ra. Thầy A Dung, giáo viên chủ nhiệm từ lâu đã quen với việc HS nghỉ học. Thế nhưng, việc gần 20 HS vắng mặt khi vừa bước vào năm học mới trở thành con số báo động. Suốt cả buổi học, thầy Dung chẳng thể nào vui nổi.

Thầy Dung bảo rằng các em nghỉ học hôm nay đều sinh sống ở làng Ngọc Leang cách trường 8 - 10 km. Đa số gia cảnh đều khó khăn, không có xe đạp nên các em phải đi bộ đến trường. Trong khi đó các bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Có những phụ huynh đi làm từ lúc gà gáy đến tối mịt mới về nhà. Cũng có gia đình ở lại luôn trên chòi rẫy cả tháng trời. Việc học tập của con em thì phó mặc cho thầy cô. Bởi con đường đến trường xa xôi nên vào những ngày mưa gió, các em thường ngại đi học.

Ở cái nơi cứ mưa là sạt lở này việc HS đến trường vào ngày mưa cũng là một mối lo ngại cho cha mẹ. Để con em ở nhà có lẽ cũng là biện pháp tốt nhất để giữ an toàn.

Theo cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Hà, HS của trường nghỉ học nhiều nhất rơi vào 2 làng Kon Pia và Ngọc Leang. Từ thôn Kon Pia ra đến trường phải đi quãng đường dài khoảng 7 km. Quãng đường đã xa lại vắt qua 4 quả đồi cao khiến nhiều em ngại đến lớp. Đường từ thôn Ngọc Leang đến trường có phần bằng phẳng nhưng lại xa, nên số lượng HS ở làng này nghỉ học cũng nhiều hơn hẳn.

Cô Vân kể rằng ngay từ những ngày cuối tháng 8, để đảm bảo sĩ số, giáo viên nhà trường đã phải tìm về các bản làng xa xôi để vận động phụ huynh đưa HS ra lớp. Nhưng việc vận động cứ như bắt cóc bỏ đĩa. Sĩ số HS cũng phập phồng theo giọt mưa rừng.

 

 Thầy Dung vận động HS ra lớp. Ảnh: Đức Nhật
Thầy Dung vận động HS ra lớp. Ảnh: Đức Nhật


Lười đi học vì không có áo mưa

Trời sẩm tối, bước chân thầy Dung như chông chênh trên con đường đất trơn tuột. 18 HS hôm nay vắng học đồng nghĩa với việc cuộc vận động của thầy Dung kéo dài ra theo bóng tối.

“Ban ngày dân làng đi làm hết chỉ có lũ trẻ ở nhà. Muốn HS ra lớp thì cần phải gặp phụ huynh. Thời gian tốt nhất để vận động là khi đàn bò đã về chuồng, khói bếp đã bốc lên trên những nóc nhà sàn”, thầy Dung vừa đi vừa kể.

Dù đã qua lại trên con đường này không ít lần nhưng thầy Dung vẫn phải bước dò dẫm mãi mới không bị ngã. Dừng lại trước căn nhà vách gỗ lụp xụp, nằm lưng chừng con dốc vào làng Ngọc Leang, thầy Dung giới thiệu đây là nhà Y Lái, HS hay nghỉ học nhất lớp.

Trong căn nhà trống hoác chẳng có gì đáng giá, chị Nhâm (mẹ Y Lái) đang tắm cho đứa con út mới lên 2 tuổi. Chị Nhâm mới 33 tuổi nhưng đã có 7 đứa con. Chồng mất cách đây 2 năm vì bệnh gan, chị Nhâm trở thành trụ cột, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi đàn con.

Thấy thầy giáo, chị Nhâm mặc lại quần áo cho con rồi ra tiếp chuyện. Hết nhìn chiếc giường ọp ẹp bày đủ thứ quần áo cũ rách lại nhìn nhóm người lạ, chị Nhâm lúng túng chẳng biết mời khách ngồi hay đứng. Thầy Dung bỗng lên tiếng để xóa đi cái không gian ngượng ngùng: “Y Lái đi đâu rồi, sao hôm nay không đi học?”.

 

Chồng mất cách đây 2 năm, chị Nhâm trở thành trụ cột nuôi 7 đứa con
Chồng mất cách đây 2 năm, chị Nhâm trở thành trụ cột nuôi 7 đứa con.


Nghe tiếng thầy giáo, Y Lái vội vàng chạy từ phía sau nhà ra chào rồi vội núp phía sau lưng mẹ. Đối diện với câu hỏi của thầy giáo, chị Nhâm bảo rằng nhà nghèo quá không có phương tiện đi lại nên các con phải đi bộ tới trường. Nhà lại cách xa trường nên những hôm mưa gió lũ trẻ không muốn đi học.

“Không có tiền mua áo mưa, mình lấy túi ni lông trong bao phân bón làm áo mưa cho con. Mấy bữa nay cái túi ni lông ấy rách, không có áo mưa mặc nên Lái ở nhà. Mình nói con đến lớp nhiều rồi nhưng đi học ướt người, nó thích ở nhà trông em hơn”, chị Nhâm phân trần.

Cám cảnh cho gia đình nghèo, thầy Dung nhẹ nhàng khuyên nhủ gia đình cố gắng quan tâm đến con em. Sắp tới nhà trường sẽ vận động các mạnh thường quân giúp đỡ áo mưa để các em tới trường đầy đủ hơn. Dặn dò gia đình xong, thầy Dung cũng vội vã bước ra khỏi nhà chị Nhâm để tìm gia đình khác có con nghỉ học.

Cách đó vài bước chân là nhà Y Mai (lớp 4A3). Mấy hôm nay mưa, Mai cũng lười đi học. Chị Y Hoan (35 tuổi, mẹ Y Mai) ngồi nghỉ ngơi trước hiên nhà sau ngày lao động mệt mỏi. Cưới chồng năm 2005 đến nay chị có 9 người con. Nhà đông con nên cuộc sống gia đình chị cứ thiếu trước hụt sau. 2 đứa con đầu của chị cũng đã nghỉ học khi chưa vượt qua lớp 9.

Gia cảnh khó khăn, cái áo mưa cho lũ trẻ đi học cũng chẳng được lành lặn. Những ngày mưa gió, ngại đến lớp nên Mai xin mẹ ở nhà chăm các em. Lo ngại ngày mưa, núi lở nên chị Hoan cũng đồng ý cho con ở nhà.

“Trời mưa ướt át, bọn trẻ không muốn đi học đâu. Ở đây hay bị sạt lở, con đi học mình cũng lo lắng lắm. Hôm nay mưa từ sáng, con xin nghỉ ở nhà nên mình cũng đồng ý”, chị Hoan nói.

Đứng bên cạnh mẹ, Y Mai bảo rằng quãng đường từ nhà đến trường khoảng 8 km, mẹ lại bận làm nương rẫy nên em phải tự đi bộ đến trường. Những hôm trời mưa, đường đến lớp là một thử thách lớn đối với em và các bạn.

“5 rưỡi sáng hằng ngày chúng em thức dậy chuẩn bị sách vở, quần áo rồi ra lớp. Những hôm trời lạnh, áo không đủ ấm chúng em chỉ biết chạy thật nhanh để người ấm lên. Có hôm mưa to, chúng em đi tới lớp thì ướt hết. Mỗi lần như thế chúng em lại mong trời có nắng”, Y Mai kể.

Câu chuyện của Y Mai đứt mạch ở đấy khi cơn mưa ầm ào kéo đến. Nhìn cô HS nhỏ bé, thầy Dung thở dài rồi nhìn ra khoảng trời mưa đổ.

“Cứ thế này rồi không biết tương lai các em sẽ tới đâu. Học hành là con đường ngắn nhất để thoát khỏi nghèo đói”, thầy Dung nói.

Như hiểu ra gì đó, chị Hoan vừa cho đứa con út bú vừa hứa với thầy giáo sẽ bắt con đi học chuyên cần hơn. Cứ thế cuộc vận động của thầy Dung kéo dài ra trên chỏm đồi làng Ngọc Leang trong cơn mưa và cho đến tận đêm khuya.

Xây nhà bán trú

Những lớp học vắng hoe khiến thầy cô giáo ở Trường tiểu học Đăk Hà lo lắng lắm. Việc đi học bữa được bữa mất chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các em. Thầy cô phải tìm mọi cách kéo học trò ra lớp. Từ tuyên truyền vận động đến tặng áo mưa, bánh kẹo hay kêu gọi quyên góp ủng hộ các em HS có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ mình đội ngũ giáo viên mà cả hệ thống chính quyền H.Tu Mơ Rông cũng đã vào cuộc để giải quyết vấn đề HS nghỉ học. Sắp tới, huyện sẽ xuất kinh phí giúp nhà trường xây dựng thêm một dãy nhà bán trú để HS tại làng Kon Pia, Ngọc Leang ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu.

Tuy nhiên, những em này không thuộc đối tượng được hưởng chế độ bán trú. Do đó, việc ăn uống của các em trong thời gian ở lại trường là một vấn đề lớn.

“Muốn HS đến lớp đầy đủ thì cần phải giữ các em ở lại trường. Thế nhưng, các em không nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn bán trú. Trong khi đó gia cảnh các em lại rất khó khăn, không thể thu tiền ăn của gia đình các em được. Bởi vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tìm cách kêu gọi quyên góp, xã hội hóa để nấu cơm nuôi các em”, cô Vân nói.

Theo Đức Nhật (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.