'Trong quá trình phỏng vấn bạn nên trả lời dứt khoát những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra. Bởi họ sẽ không có thời gian nghe bạn ậm ừ, hay lấp lửng từng ý trong câu trả lời...', anh Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty cung cấp thiết bị điện tử Nhà Phố, chia sẻ.
Ứng viên (bên trái) hãy tự tin trả lời dứt khoát những câu hỏi của nhà tuyển dụng đặt ra trong quá trình phỏng vấn xin việc |
Theo một số nhà tuyển dụng, có một thực trạng hiện nay mà đa phần sinh viên mới ra trường hay gặp phải là kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc chưa ổn.
Từng tuyển dụng nhân sự để vào làm việc cho công ty của mình, anh Võ Văn Trường, Giám đốc Công ty dịch vụ Hoa Mai, Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Trong quá trình phỏng vấn ứng viên, dù các câu hỏi phỏng vấn mình đặt ra cho các bạn không có gì là khó, thế nhưng mình thấy tâm lý chung của một số ứng viên không tự tin khiến phần trả lời không được trôi chảy nên dẫn đến thất bại”.
Vậy để có buổi trả phỏng vấn thành công trước nhà tuyển dụng, ứng viên cần chuẩn bị trước những gì? Anh Trường, nói: “Người tuyển dụng rất chú ý cách phản biện của ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Bởi, phản biện của cá nhân thể hiện rất rõ tư duy, điều mà các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ở ứng viên. Vì vậy, bạn hãy chú ý chuẩn bị trước tất cả những gì bạn có trong một tư thế sẵn sàng nhất trước khi có buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Đó là những kiến thức mà bạn học được ở trường hay những trải nghiệm thực tế tích lũy được trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, anh Trường cũng lưu ý: “Kiến thức nền tảng không thôi chưa đủ, bạn phải có một tư duy phản biện thật logic, phân tích tình huống, cũng như giải quyết được các vấn đề của nhà tuyển dụng đưa ra. Vì vậy, ngay từ thời sinh viên, bạn hãy tự thân vận động phân tích từng tình huống trong đời sống, học tập, công việc”.
Ứng viên (bên phải) trong một buổi phỏng vấn việc làm trước nhà tuyển dụng |
Còn chị Nguyễn Thị Thiện, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: “Nhà tuyển dụng sẽ chẳng có hứng thú khi phỏng vấn một người mà trên nét mặt của họ hằn 2 chữ lo âu. Chính vì vậy, sự tự tin đóng một phần quan trọng vào trong quá trình phỏng vấn của ứng viên. Hãy cố gắng tự tin, thể hiện ra sự vui tươi lạc quan để nhà tuyển dụng có thể thấy được bạn luôn tràn đầy sức sống, nhiệt huyết. Hơn ai hết, sự tự tin cũng góp phần làm cho bầu không khí trở nên dễ chịu, cũng biết đâu được nhờ tinh thần tích cực đó của bạn, nhà tuyển dụng cũng sẽ có ấn tượng và 'chấm' bạn trong nhiều người ứng tuyển cùng một lúc”.
Theo anh Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty cung cấp thiết bị điện tử Nhà Phố, Q.Tân Bình (TP.HCM), trước khi bạn đi phỏng vấn công ty nào thì nhớ bỏ thời gian nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về công ty ấy. “Thực tế khá nhiều người chủ quan về vấn đề tìm hiểu công ty trước khi đi phỏng vấn. Không ai thích một người đến ứng tuyển mà không có một chút kiến thức nào về công ty. Chính vì vậy, nắm rõ những thông tin cơ bản nhất là cách ghi điểm trong một cuộc phỏng vấn”, anh Vũ nói.
Anh Vũ cũng khuyên: “Trong quá trình phỏng vấn bạn phải trả lời dứt khoát và không được vòng vo trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng đặt ra. Bởi họ sẽ không có thời gian nghe bạn ậm ừ, hay lấp lửng từng ý trong câu trả lời. Cho nên, bạn cần chuẩn bị tâm lý trước các câu hỏi phỏng vấn, trau chuốt khả năng diễn đạt, nói năng lưu loát để gây ấn tượng cho họ”.
Lê Thanh (thanhnien)