(GLO)- Từ hai bàn tay trắng, ông Cao Xuân Ba (Plei Pong, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã biến những tấc đất cằn cỗi năm nào trở thành "tấc vàng" nhờ sự cần cù, siêng năng và không ngừng sáng tạo, học hỏi.
Ông Cao Xuân Ba với vườn cây nhãn lồng. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hưng Yên-nơi đất chật người đông, năm 1996, vợ chồng ông Cao Xuân Ba dắt díu con cái theo đoàn kinh tế mới vào vùng đất Gia Lai với hy vọng đổi đời. Dựng vội căn nhà vách gỗ, vợ chồng ông bắt tay vào cày xới những thửa ruộng đầu tiên để tỉa bắp, tỉa đậu. Ông dẫn nước về ruộng, đưa cây lúa nước vào canh tác để đảm bảo lương thực cho những ngày giáp hạt. Nhưng không phải vụ mùa nào cũng bội thu. “Nhiều đợt vợ chồng tôi phải lo chạy ăn từng bữa, đành phải đi vay mượn hoặc mua chịu của các cửa hàng để qua khoảng thời gian đói kém”-ông Ba bồi hồi nhớ lại.
Hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, ông mạnh dạn khai hoang những vùng đất xa xôi hơn ở khu vực gần hồ Ayun Hạ được gần 20 ha. Một nửa diện tích ông vẫn trồng những cây nông nghiệp ngắn ngày, nửa còn lại, ông chuyển sang trồng cao su. Dù đã đi học hỏi kinh nghiệm từ Bắc chí Nam nhưng có lẽ mảnh đất Chư A Thai không hợp với loại cây “vàng trắng” này. 10 ha cao su của ông mắc bệnh tật, còi cọc, chậm phát triển khiến ông phải ngậm ngùi phá bỏ, chịu mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Tuy vậy, ông vẫn không nản chí mà tiếp tục quay sang trồng mía. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như đầu tư chăm sóc bài bản, những thửa mía của ông luôn đạt năng suất đáng mơ ước-hơn 100 tấn/ha. Với cây mía cao, to, gióng mía dài, vườn mía của ông trở thành vườn mía “chuẩn” cho những hộ trong vùng. Thu lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng/năm từ cây mía, nhưng ông vẫn duy trì trồng lúa nước và chăn nuôi hàng chục con trâu, bò. Sự hài hòa này đã giúp ông có thu nhập ổn định để chu cấp cho người con trai cả đang du học ở Mỹ với chi phí gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Người con trai còn lại của ông cũng đang theo học tại Học viện Biên phòng.
Có được cơ ngơi đáng mơ ước, nhưng người nông dân ấy vẫn chưa bao giờ hài lòng. Sinh ra ở mảnh đất của đặc sản nhãn lồng, ông yêu và hiểu loài cây này nên đã quyết định mang thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên vào Gia Lai. Hiện ông có 300 gốc nhãn lồng và 200 gốc nhãn Thái đã cho thu bói; mỗi gốc cho từ 50 kg đến 60 kg vào trái vụ với giá trung bình 35 ngàn đồng/kg. Ông Ba cho biết: “Cả nhãn lồng hay nhãn Thái đều rất phù hợp với đất Chư A Thai này. Tôi phải tỉa bớt hoa để cho cây ra trái đều và không kiệt sức. Mình điều khiển được cây cho ra trái vụ nên không lo vấn đề về giá. Nếu ổn định, sắp tới tôi sẽ nhân rộng diện tích nhãn bởi đây là loài cây mang về thu nhập cao”.
Lê Văn Ngọc