Tuyên truyền pháp luật về xây dựng ĐSVH ở cơ sở: Đa dạng, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa tổ chức là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 
Tham gia hội thi có 9 đội đại diện cho 9 huyện, thị xã, thành phố được chọn từ hội thi cấp cơ sở, mang đến các phần thi sôi động. Màn chào hỏi vô cùng ấn tượng thông qua các bài thơ, hò vè, hát múa. Phần thi tiểu phẩm cũng được đầu tư, dàn dựng công phu xung quanh chủ đề xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu là tiểu phẩm “Cuộc sống của con, mồ hôi của mẹ” của TP. Pleiku, “Bệnh thành tích” của thị xã An Khê, “Hối hận” của huyện Chư Sê, “Xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Đak Đoa… Qua phần thi tiểu phẩm, các đội đã khái quát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, bổ trợ kiến thức pháp luật cơ bản về thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, tạo sự chuyển biến, đồng thuận từ nhận thức đến hành động.
Phần thi của đội TP. Pleiku. Ảnh: Đ.Y
Phần thi của đội TP. Pleiku. Ảnh: Đ.Y
Kết quả, đội thi TP. Pleiku đạt giải nhất với tiểu phẩm “Cuộc sống của con, mồ hôi của mẹ”. Tiểu phẩm nói về một người phụ nữ nghèo, chồng mất sớm, phải bán nước vỉa hè để nuôi con. Nhưng con gái bà lại không chấp nhận hoàn cảnh mà nói dối mọi người, với người yêu rằng mình là con của một doanh nhân giàu có. Khi người yêu phát hiện sự thật, anh đã khuyên cô vượt lên hoàn cảnh, chịu khó lao động để dần có được cuộc sống ổn định. Bà Đặng Thị Thúy Hằng-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku-chia sẻ: “Tiểu phẩm phản ánh thực trạng hiện nay là còn không ít gia đình trên địa bàn thành phố đang lấn chiếm vỉa hè để buôn bán; còn một bộ phận thanh niên lêu lổng ăn chơi, sống đua đòi. Vì vậy, chúng tôi muốn gửi đến hội thi thông điệp rằng mỗi người dân hãy cùng nhau tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đạt giải nhì tại hội thi, tiểu phẩm “Bệnh thành tích” của thị xã An Khê đề cập đến bệnh thành tích trong xét tặng danh hiệu văn hóa ở một tổ dân phố. Dù tổ dân phố này vẫn còn có những gia đình thường xảy ra đánh chửi nhau, ngoại tình, con cái sa vào tệ nạn xã hội, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường... nhưng vẫn đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, 100% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhưng cũng chính tổ trưởng tổ dân phố là người nhận ra rằng đó chỉ là thành tích ảo. Tổ trưởng sau đó họp dân, bàn bạc, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn, không xả rác bừa bãi, sống đúng hương ước, quy ước, quy định của Nhà nước để giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa. Ông Phan Đình Quý-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết, tiểu phẩm được dàn dựng với mục tiêu khái quát các vấn đề đang tồn tại ở địa phương. Vì vậy, thông điệp mà cả đội muốn gửi gắm qua tiểu phẩm là xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để có một xã hội tốt đẹp, cuộc sống gia đình hòa thuận, lành mạnh, không tệ nạn xã hội.
Ở phần thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các đội tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm xung quanh những quy định pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ông Nguyễn Xuân Thường-Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao huyện Chư Prông-cho hay: “Hội thi đã giúp cán bộ làm phong trào văn hóa ở cơ sở nắm vững kiến thức pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu hơn về việc xây dựng nếp sống văn minh, sống với nhau bằng tình yêu thương và chia sẻ, chấp hành đúng hiến pháp, pháp luật”.
Nhận xét về hội thi, ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban giám khảo-đánh giá: “Qua hội thi, các đội đều nhận thức cơ bản về chủ trương, quy định của Nhà nước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hội thi cũng là đợt cao điểm bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ văn hóa cơ sở để củng cố thêm kiến thức pháp luật, vận dụng vào thực tế cuộc sống. Chúng tôi hy vọng, sau hội thi, mỗi cán bộ, tuyên truyền viên cơ sở sẽ làm tốt hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.