Tuyên án 5 bị cáo trộn tạp chất nhuộm than pin vào hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại phiên tòa chiều 28-12, nhiều bị cáo khai rằng không chủ đích làm hỗn hợp tạp chất nhuộm than pin để chế biến thực phẩm.
Ngày 28-12, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm" trong vụ trộn hỗn hợp nhuộm than pin vào hồ tiêu để kiếm lời, gây xôn xao dư luận thời gian qua.
 
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Cao Nguyên
Theo cáo trạng, để có thêm lợi nhuận trong việc mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Dung, tỉnh Bình Phước) đã nhờ Lê Thị Hồng Thơ (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông) mua tạp chất giống hạt tiêu để đấu trộn vào bán kiếm lời. 
Sau đó, bà Thơ đã đặt hàng Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) và Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông). Để có tạp chất giống với hạt tiêu, Loan và Bảo đã mua pin về đập lấy phần than rồi nhuộm với tạp chất. Riêng Trần Ngưỡng (SN 1976, ngụ tỉnh Đắk) là người chở hỗn hợp pin giao cho bà Dung.
Tháng 4-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang bà Loan và ông Bảo đang thực hiện hành vi nhuộm tạp chất với than pin và thu giữ 9 tấn hồ tiêu đã đấu trộn với hỗn hợp pin tại kho của bà Dung. 
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, trong mẫu hạt tiêu giám định có thành phần chính là hạt tiêu, hàm lượng 81,66%; ngoài ra còn tìm thấy các chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua) hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%. Các chất mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua được phát hiện theo kết luận giám định nên không nằm trong danh mục chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bảo và bị cáo Thơ đề nghị được xem xét lại hành vi của mình vì cho rằng không hề biết bà Dung mua tạp chất trên để làm gì. Bị cáo Bảo khai chỉ nghĩ tạp chất trên dùng để làm phân bón chứ không biết dùng để trộn vào tiêu.
Bị cáo Dung cũng khai mục đích trộn tạp chất vào tiêu chỉ nhằm để tăng trọng lượng, để xuất khẩu chứ không biết các đối tác sử dụng vào mục đích gì và không biết hỗn hợp trên được nhuộm than pin.
HĐXX nhận định trong vụ án này, bị cáo Dung đóng vai trò chính, các bị cáo còn lại có vai trò giúp sức. Trong đó, bị cáo Loan và bị cáo Bảo có vai trò giúp sức đắc lực, còn bị cáo Thơ và bị cáo Ngưỡng có vai trò thấp hơn.
HĐXX đã tuyên phạt 7 năm tù giam đối với các bị cáo Dung, Thơ, Ngưỡng; 8 năm tù đối với bị cáo Bảo và 7 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Loan.
 Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm