Học sinh ở Cần Thơ thưởng thức bữa ăn trưa miễn phí từ chính tay giáo viên nhà trường chuẩn bị. Ảnh: Phong Linh |
"Với chủ trương để không có thí sinh nào phải bỏ thi tốt nghiệp PTTH vì hoàn cảnh khó khăn, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục vận động xã hội hóa hỗ trợ cơm trưa miễn phí cho các em học sinh nhà xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã có 5 trường THPT trên địa bàn thành phố tổ chức bữa trưa miễn phí cho 650 học sinh.
Các điểm trường cũng có phương án bố trí chỗ nghỉ, nấu những suất cơm trưa miễn phí, các đội thanh niên tình nguyện được thành lập để hỗ trợ tại các điểm thi. Nhờ đó, các thí sinh tiết kiệm thời gian đi lại, yên tâm ôn tập, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho bài thi tiếp theo" - ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ nói với Lao Động.
Nghe vừa ấm áp, vừa thương, bởi đây không phải là lần đầu tiên, TP Cần Thơ và các địa phương khác của Đồng bằng sông Cửu Long có những nghĩa cử như thế này đối với học sinh thi tốt nghiệp PTTH, mà việc tốt đẹp này đã được bắt đầu và duy trì từ mấy chục năm trước.
Nhân nói chuyện ăn uống, lại nhớ chuyện sau một tháng ra mắt, MV “Nấu ăn cho em” của nghệ sĩ Đen Vâu đã có doanh thu từ YouTube (sau thuế và chi phí) là hơn 418 triệu đồng.
Và Đen Vâu đã gửi 418 triệu đồng doanh thu này đến “Nuôi Em” - là đơn vị thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, để nuôi cơm và xây trường cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa như đã hứa trước đó.
Tuy nhiên trên trang cá nhân, Đen Vâu khiêm tốn: “Xin cả nhà mình đừng tôn vinh việc làm này như một cái gì đó lớn lao. Chữ Tử tế nó vĩ đại lắm, mình chưa đủ sức để đeo lên đâu. Đây không phải là khiêm tốn, đây là sự thật, đời sống này, mỗi công việc đều có đóng góp quan trọng hỗ trợ nhau. Xã hội cho mình nhiều điều kiện để kiếm sống, mình cảm thấy đóng góp chưa là gì…”.
Tử tế là chữ mà sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thích dùng. Hai chữ "tử tế" đúng là rộng, lớn nhưng lại không xa vời. Bởi tử tế là một thái độ sống bao gồm trong đó cả những hành động, việc làm cụ thể xuất phát từ tình yêu thương con người.
Chỉ nhìn ở một góc xã hội thu nhỏ thôi, như trên chuyên mục “Người Việt tử tế” của báo Lao Động, sẽ thấy ngạc nhiên vô cùng bởi người tử tế, những hành động tử tế, những thái độ sống tử tế... ở đất nước mình hiển hiện ở khắp nơi, từ nhiều lĩnh vực, nhiều thành phần xã hội.
Tử tế, cũng không cần phải phân biệt to nhỏ, hơn thua kiểu người nào vĩ đại hơn người nào và sức nặng của nó cũng không thể đo đếm được bằng công sức, việc làm hay con số vật chất bỏ ra.
Nhưng sự tử tế thì cần phải được nói lên để mọi người cùng biết!