Tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo: Tự trọng và khát vọng vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù cuộc sống chưa hết khó khăn, nhưng với lòng tự trọng cao và muốn có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Mới 30 tuổi nhưng chị Rô H’Moat (buôn Ơi H’Briu, xã Chư Mố) đã có tới 4 đứa con. Năm 2008, chị sinh cậu con trai đầu lòng. Tiếp đến năm 2010 và 2015, chị sinh thêm 2 đứa con trai nữa. Năm 2019, chị sinh được bé gái kháu khỉnh. “Biết đông con sẽ khổ, nhưng tập tục vậy rồi, không làm khác được. Khi sinh được con gái rồi, mình triệt sản luôn. Thấy con cái lấm lem, vợ chồng mình day dứt lắm”-chị H’Moat tâm sự.
Gia đình chị H’Moat thuộc diện hộ nghèo từ năm 2013. Năm 2018, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 13 triệu đồng. Đến nay, bò mẹ đã đẻ được 1 con. Niềm vui nhân đôi khi gia đình chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ vay 15 triệu đồng để sửa sang nhà cửa. Vừa có nhà mới, vừa có con bò làm sinh kế, vợ chồng chị phấn khởi, cố gắng làm lụng gia tăng thu nhập. Thấy cuộc sống tương đối ổn định, cuối năm 2019, vợ chồng chị đồng lòng xin thoát nghèo.
Chị Rô H’Moat (buôn Ơi H’Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyên Hương
Chị Rô H’Moat (buôn Ơi H’Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyên Hương
Anh Thin-chồng chị H’Moat-chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ, cuộc sống gia đình mình đỡ vất vả hơn nhiều. Biết là con cái còn nhỏ, khó khăn vẫn còn nhưng vợ chồng mình đã quyết rồi. Mình còn trẻ, có thể cố gắng nhiều hơn, không thể cứ nhận trợ cấp mãi được. Nhà mình không có ruộng rẫy, vợ mình tranh thủ vừa chăm con vừa chăn bò. Hy vọng đàn bò phát triển thêm, có thể bán bớt để mua ruộng rẫy. Còn mình đi phụ hồ cũng được 200.000 đồng/ngày, góp phần trang trải cuộc sống”.
Cũng từng 7 năm liền thuộc diện hộ nghèo, anh Kpă Hin (buôn Ama H’Lăk) không giấu được niềm vui khi đã thoát nghèo. Hiện nay, gia đình anh đang dựng căn nhà mới gần 100 m2 trị giá khoảng trên 300 triệu đồng. Anh Hin cho biết: Cuối năm 2019, khi xã tiến hành rà soát, gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, vợ chồng anh tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường phần hỗ trợ cho hộ khác khó khăn hơn.
“Trước đây, gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ tiền điện, phân bón, được ưu tiên vay vốn ngân hàng, con cái học hành được miễn giảm các khoản đóng góp nên đỡ vất vả nhiều. Giờ đây, các cháu đã lớn, lập gia đình, ra ở riêng, chỉ còn mình bé út, năm nay học lớp 4 ở cùng ba mẹ. Gánh nặng giảm bớt, vợ chồng mình xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ cho các gia đình còn khó khăn hơn. Mình phải siêng làm thì mới có ăn, chứ cứ ỷ lại vào trợ cấp của nhà nước thì đói mãi thôi”-anh Hin khảng khái nói.
Toàn xã Chư Mố hiện có 92 hộ nghèo, giảm 297 hộ so với năm 2015. Theo ông Ksor Chương-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã, nhờ làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, cấp cây-con giống, dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu đãi vay vốn… nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể.
“Điều đặc biệt là nhiều hộ nghèo tại địa phương vẫn chưa hết khó khăn nhưng đã khảng khái, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để có động lực vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời dành sự hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình khó khăn khác. Đây là hành động đẹp, cho thấy sự thay đổi về nhận thức, ý chí tự vươn lên của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nhà”-ông Chương tâm đắc.
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.