Trung tâm dạy nghề không ai học vẫn xin 350 triệu đồng nâng cấp và... cho thuê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn bộ phòng học đóng cửa vì không còn lớp nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Kon Plông vẫn xin huyện 350 triệu đồng để nâng cấp.
Năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được nâng cấp, mở rộng thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với số vốn đầu tư lên tới 28,7 tỷ đồng.
Với quy mô đào tạo hơn 500 học viên, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông.
 
Cảnh nhếch nhác trước Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở Kon Tum.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, trung tâm rất ít được sử dụng. Trong nhiều năm qua, đa số các lớp học nghề đều được chuyển đến nhà văn hóa xã, các thôn làng, nơi sinh sống của các học viên. Thỉnh thoảng mới có 1 - 2 lớp dạy nghề hoạt động tại trung tâm.
Năm 2019, không còn lớp dạy nghề nào được tổ chức tại đây nữa nên toàn bộ phòng học buộc phải đóng cửa. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mới đây lãnh đạo trung tâm vẫn lấy lý do thiếu phòng học để xin thêm vốn tách phòng, sửa chữa, nâng cấp chất lượng.
Ông Phạm Thanh Vận - Giám đốc Trung tâm - lý giải, 350 triệu đồng huyện rót xuống được dùng làm kinh phí sửa chữa, ngăn hai phòng hội trường để làm phòng học, chủ yếu lát nền và xây tường ngăn, quét vôi, đóng la phông. Các khu nhà lớn vốn là kho chứa vật tư, phòng trống được nâng cấp lên.
 
Nhiều phòng học vắng bóng học viên. 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở vật chất của trung tâm đã được Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông thuê lại để nấu tinh dầu và cao sâm dây. Bà Mai, 50 tuổi, đại diện hợp tác xã cho biết, bà thuê địa điểm này với giá 3 triệu đồng/tháng trong thời hạn 3 năm, sau khi hết thời hạn sẽ ký hợp đồng thuê tiếp.
“Nếu ai muốn thuê lại thì phải qua tôi, vì mọi công trình đang sửa chữa tại đây là do tôi làm. Trường có kinh phí sửa, nhưng tôi sửa theo ý của tôi, bằng kinh phí tự bỏ ra để xây dựng cho phù hợp với việc kinh doanh”, bà Mai nói.
Theo hợp đồng ký ngày 30/8/2019 giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plông với Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông, giá cho thuê là 40 triệu đồng/năm, thời hạn hợp đồng 3 năm, mỗi năm thanh toán tiền một lần. Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê không có số ký hiệu văn bản.
Điều này được bà Mai giải thích: "Nếu huyện hỏi thì các anh trong trung tâm nói là chỉ cho mượn thôi chứ không nói cho thuê để dễ dàng kinh doanh, làm ăn hơn".
Trong khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Plong xin huyện 350 triệu đồng để sửa chữa, bà Mai nói việc sửa chữa chỉ mất khoảng 20 triệu đồng và số tiền này do bà tự bỏ ra.
"Bắt đầu từ ngày 1/9 này tôi mới vô, sợ mấy người kia thuê mất nên tôi làm hợp đồng thuê trước, đưa tiền trước và họ cho một tháng để sửa chửa lại. Thực ra tiền sửa chữa chỉ có mấy chục triệu thôi, nên mình bỏ tiền túi ra để mình sửa theo ý mình, coi như mình cho họ 20 triệu đồng tiền kinh phí sửa chữa”, bà Mai tiết lộ.
Ông Hà Đức Vịnh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Kon Plông, cho biết, huyện chưa nắm được việc này, chưa biết trung tâm cho thuê với mục đích gì. "Trước những phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo lên cấp trên", ông Vịnh nói.
Hiền mai-Bình Định (VTC News)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.