(GLO)- Từ ngày 22 đến 26-1-2018, Diễn đàn Du lịch ASEAN sẽ diễn ra tại Chiang Mai (Thái Lan). Đây là dịp để các quốc gia trong khu vực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá du lịch của đất nước mình. Trong khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Thái Lan nổi lên như là một cường quốc về phát triển du lịch.
Có thể thấy rõ điều đó thông qua một vài con số như sau: Dân số Thái Lan chỉ xấp xỉ 70 triệu người nhưng hàng năm nước này đón trên 30 triệu lượt du khách quốc tế (năm 2016 là 32,59 triệu lượt). Như vậy, trung bình cứ 2 người dân Thái phục vụ 1 khách du lịch.
Tại sao Thái Lan lại thành công trong phát triển du lịch? Điều đầu tiên phải khẳng định là cách làm du lịch của người Thái rất chuyên nghiệp. Chẳng hạn như ở thành phố “không có ban đêm” Pattaya, khách du lịch có thể vui chơi thâu đêm suốt sáng. Tại đây, người dân cũng rất thân thiện, mến khách và du khách không hề gặp hiện tượng hàng quán “chặt chém”.
Vấn đề quan trọng tiếp theo là chính sách của Thái Lan đối với ngành du lịch cũng như các chính sách về thuế, miễn thị thực… Các tour đón khách nước ngoài của Thái Lan đều tổ chức chương trình đến các điểm tham quan như nhau (Vườn Bướm, Trại Hổ, Trại Rắn, Cung điện vua Rama V, nhà tỷ phú, tòa nhà cao nhất Thái Lan...) và chính chủ nhân các điểm tham quan này sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các công ty du lịch bù vào khoản chênh lệch giữa giá tour và chi phí thực tế. Chẳng hạn như chuyến sang Thái Lan của người bạn tôi mới đây: anh đi (và về) từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bay vào TP. Hồ Chí Minh rồi tiếp tục bay sang thủ đô Bangkok, sau đó đi xuống thành phố biển Pattaya, ra đảo san hô, ở toàn khách sạn 3 sao trở lên, ăn tự chọn, tham quan các danh thắng và xem các sô diễn miễn phí… Tính ra tiền đóng cho công ty du lịch chỉ vừa đủ thanh toán khoảng một nửa chi phí tour nhưng nhờ chính sách thu hút khách du lịch của Thái Lan mà du khách Việt như anh mới có chuyến tham quan thú vị như lần này…
Tôi cũng đã có dịp sang Thái Lan vài lần. Mấy lần trước tham quan các tỉnh Đông Bắc và lần sau này đi Bangkok, Pattaya. Phải công nhận người Thái rất biết làm du lịch. Không kể các ưu điểm như đã nêu trên, có lẽ điều ghi nhận đầu tiên của tôi khi sang đất Thái đó là người dân nước này rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Phần đông trong số họ, từ người bán hàng trên phố đến anh tài xế xe tuk tuk, đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khá thành thạo, đồng thời biết “khiến” du khách quay lại lần sau. Mặc dù đất nước Thái Lan không có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ như Việt Nam song họ rất biết đầu tư, cải tạo và biết tổ chức các hình thức du lịch phù hợp, luôn làm mới các loại hình để thu hút khách quay trở lại, nhất là biết kết hợp giữa du lịch với thương mại để tăng doanh thu. Cũng chính nhờ sự kết hợp này mà giá tour giảm đi so với chi phí thực tế như phần đầu đã nêu. Bạn thắc mắc ư? Chỉ cần để ý mỗi khi đến một điểm tham quan nào, người ta đưa cho bạn tấm vé hoặc thẻ đeo trước ngực, nếu bạn mua gì thì chiết khấu đã được tính vào cho tour khi họ đã biết tour này của ai…
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam không hề thua kém bất cứ nước nào về tiềm năng du lịch, đặc biệt là danh thắng, truyền thống văn hóa, lịch sử đã được UNESCO tôn vinh. Mặc dù những năm qua, ngành du lịch của nước ta đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chậm phát triển so với các nước khác. Để du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng, còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm của Nhà nước và ngành du lịch, song khâu quyết định vẫn là ý thức của người dân đối với “ngành công nghiệp không khói” này. Không thể để cho du khách quốc tế chỉ đến Việt Nam một lần rồi thôi. Phải làm sao cho mỗi người dân Việt Nam, không kể là trong hay ngoài vùng (điểm, tour) du lịch nhận thức rằng, vấn đề giữ gìn, quảng bá văn hóa du lịch như là niềm tự hào của cả dân tộc để có những ứng xử đúng mực trong đời sống cộng đồng. Có như vậy thì du lịch mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp nguồn thu đáng kể vào ngân sách quốc gia như Thái Lan đã làm được trong những năm qua!
Thanh Phong