Trồng "lung tung" trong vườn cà phê mà thu tiền tỷ, ai xem cũng mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với mục đích sử dụng đất tối đa, thu được nhiều sản phẩm mà vẫn duy trì được độ phì nhiêu của đất, anh Nguyễn Bá Tòng ở thôn 4, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã mạnh dạn trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê. Cách làm này không những giúp gia đình anh giảm áp lực khi giá cả các nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều xuống thấp mà còn giúp tăng nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/năm từ vườn cây.
Thành công từ phương châm "lấy ngắn nuôi dài"
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, với niềm yêu thích và đam mê đặc biệt trong việc trồng cây ăn trái, anh Nguyễn Bá Tòng đã dành nhiều thời gian đi học hỏi các mô hình trồng trọt trong và ngoài tỉnh.
Năm 2000, trong một lần đến Đắk Nông, nhận thấy đất đai nơi đây màu mỡ, phù hợp với việc trồng trọt, anh quyết định tích góp mua một 1ha đất để bước đầu lập nghiệp bằng nghề nông. Ban đầu, anh đầu tư trồng cà phê và các cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn…
 
Anh Tòng đầu tư, lắp đặt hệ thống loa phát âm thanh để đuổi sóc trên các cây sầu riêng
Sau nhiều năm nỗ lực làm ăn, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh đã tích lũy, có 9 ha đất trồng cà phê, cao su, hồ tiêu và điều. Trong đó, anh trồng xen 300 cây sầu riêng giống Thái Lan và 200 cây bưởi da xanh vào 3 ha cà phê, chia thành 2 khu để thuận tiện trong việc chăm bón.
Nhờ trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách, nên vườn cây phát triển tốt, chất lượng quả ngon, năng suất khá cao, tăng dần qua các năm.
Năm thứ 6, hai loại cây ăn trái sầu riêng và bưởi đã giúp tăng nguồn thu của gia đình hơn 300 triệu đồng. Thành công từ mô hình xen canh sầu riêng và bưởi trong vườn cà phê, gia đình anh tiếp tục cải tạo, chuyển đổi những cây cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng cam sành và cam cara.
Anh Tòng chia sẻ: Ban đầu, tôi phải đi nhiều nơi để tìm và chọn giống chất lượng, đạt chuẩn. Trong quá trình chăm sóc vườn cây, tôi hạn chế các loại phân bón hóa học để tránh thoái hóa đất, chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học và thủ công để phòng trừ sâu bệnh, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sống và chất lượng của quả…
Với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm và mong muốn tạo ra các sản phẩm trái cây chất lượng, sạch, những sản phẩm sầu riêng, bưởi, cam, sapôche… từ vườn cây của gia đình anh Tòng được người tiêu dùng địa phương ưa thích.
Tiếng lành đồn xa, thị trường ngày càng mở rộng nhưng sản phẩm không đủ cung cấp. Gia đình anh quyết định mở rộng diện tích cây ăn trái, đầu tư ao hồ vừa nuôi cá, vừa trữ nước nưới, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm…
 
Anh Tòng thu hái cam sành chín xuất bán.
Vụ mùa vừa qua, 300 cây sầu riêng Thái cho sản lượng gần 40 tấn, giá bán từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn có nguồn thu nhập thường xuyên từ thu hái cam, bưởi xuất bán mỗi ngày.
Phải đam mê và có tâm huyết
Để đạt được những kết quả như hiện nay, gia đình anh rất chú trọng việc chăm sóc vườn cây. Có nhiều giai đoạn, thời điểm khi mọi người nghỉ ngơi thì gia đình anh luôn có mặt ngoài vườn làm đủ việc, ngay cả vào ban đêm. Bởi vì, các loại cây ăn quả luôn cần bảo đảm về nước tưới, bón phân phù hợp, đúng thời điểm, đúng loại phân và phải cắt tỉa cành, chồi, quả không cần thiết để cây có sức nuôi những cành còn lại, cho quả chất lượng.
 
 Anh Tòng kiểm tra trái bưởi da xanh đã tới độ chín hay chưa trước khi chọn cắt
Việc bố trí trồng các khu cây ăn trái một cách hợp lý cũng là biện pháp hạn chế được sâu bệnh cho cây trồng, năng suất cao. Các loại cây ăn trái còn có tác dụng hạn chế cỏ dại, che bóng mát, chắn gió cho cây cà phê và các loại cây trồng thấp hơn.
Nói về vấn đề này, anh Tòng cho biết: Trồng xen cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cây ăn quả có múi trong vườn cà phê mang lại nhiều lợi ích trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, người sản xuất phải đam mê và có lương tâm, nhất là tránh việc chạy theo lợi nhuận, giá cả mà tạo ra các “trái cây bẩn”. Mình trồng ra cây ăn trái không phải chỉ cung cấp cho người xa lạ mà trong đó còn có vợ con, bạn bè, xóm làng mình thưởng thức...
Cũng chính vì vậy, gia đình anh rất kỹ trong việc cung cấp đầu ra. Ví như việc xuất bán sầu riêng, gia đình anh không cho thương lái bao vườn (cắt cả quả non, quả già một đợt) mà chia ra bán theo 3 giai đoạn mặc dù sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn. Đầu mùa, gia đình anh chọn cắt quả già, quả chín rụng bán lẻ cho thương lái, người tiêu dùng. Giữa mùa cho thương lái vào chọn cắt quả già. cuối mùa anh mới bán toàn bộ trái cho thương lái vì lúc này sầu riêng đã già hết….
Có thể nói, cách làm của gia đình anh Tòng là một trong những hướng đi bền vững, làm giàu chính đáng.
Dân Việt (Theo Nguyễn Nam/Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm