(GLO)- Ở huyện biên giới Ia Grai, nhiều chi đoàn thanh niên đã tận dụng triệt để từng tấc đất để trồng cây gây quỹ. Điều này cho thấy sự năng động của thanh niên ở các làng trong việc tìm giải pháp tài chính để tổ chức các hoạt động đoàn.
Thanh niên làng O Rang chăm sóc vườn điều. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Vườn điều rộng 1 ha của thanh niên làng O Rang, xã Ia Pếch có lẽ là vườn cây thanh niên lâu năm nhất của huyện Ia Grai. Nhiều cây vươn cành nhánh sum sê rợp cả lối đi. Bí thư chi đoàn làng Rơ Mah Buch cho hay: “Vườn điều này trồng được khoảng 7-8 năm, thu hoạch khoảng 25-30 triệu đồng mỗi vụ. Tuy nhiên do cây điều trồng lâu năm đã cỗi, đến nay năng suất giảm hẳn chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng/năm”. Số tiền thu được tuy không lớn, nhưng giúp chi đoàn tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa như: các giải bóng đá thanh thiếu nhi, giao lưu văn nghệ, giúp đỡ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn… “Đa số thanh niên trong làng còn khó khăn nên nếu phải bỏ tiền túi nộp quỹ để tổ chức các hoạt động thì rất khó. Vì thế, chúng tôi coi vườn điều thanh niên là tài sản chung, vừa giúp thanh niên trong làng đoàn kết sau mỗi buổi đi làm chung, vừa có một khoản tiền để chi cho các hoạt động”-anh Buch nói.
Bí thư chi đoàn làng O Rang dẫn chúng tôi đi thăm vườn điều đúng vào ngày thanh niên trong làng tổ chức làm cỏ, dọn dẹp vườn cây. Các cô gái dọn cỏ và cây bụi mọc xung quanh gốc điều. Các chàng trai dùng rựa chặt phăm phăm những cành điều lớn sà xuống quá thấp. Mới hơn nửa buổi nhưng gần 50 đoàn viên thanh niên đã dọn sạch sẽ gần 700 gốc điều lâu năm. Anh Buch cho hay: “Thanh niên rất tích cực tham gia mỗi khi đến mùa thu hái hay chăm sóc định kỳ cho vườn cây. Số tiền thu được chúng tôi còn trích ra cho những thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người để họ đầu tư mua giống, phân bón phục vụ sản xuất. Đến nay, ba thanh niên được vay số tiền này và đã thoát nghèo là anh A Lunh, Din và Nông Văn Yên”.
Vườn cây thanh niên đã giúp chi đoàn làng O Rang giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, vì trồng đã lâu năm, cây điều giảm năng suất rõ rệt. Thủ lĩnh thanh niên của làng đang tính đến việc chuyển đổi cây trồng. Anh Buch nói: “Mình đang bàn với thanh niên sẽ phá điều để trồng cà phê. Vốn đầu tư ban đầu cho 1 ha cà phê mất khoảng 20-30 triệu đồng, nhưng nếu cà phê cho thu hoạch năng suất gấp nhiều lần vườn điều hiện tại. Dự định sang năm tới làng sẽ chuyển đổi sang cây cà phê để có thêm thu nhập cho quỹ chi đoàn”. Trưởng thôn Nay Dung là người vẫn thường xuyên tham gia hoạt động của các bạn trẻ. Có mặt trong buổi lao động cùng với thanh niên làng O Rang, ông phấn khởi nói: “Từ xưa tới giờ, lớp trẻ luôn là chỗ dựa cho làng. Việc trồng vườn cây thanh niên mình thấy rất hay, rất thiết thực nên mình rất ủng hộ, cùng tham gia chăm sóc vườn cây. Nếu chuyển sang trồng cà phê mình tin chúng sẽ thành công vì thanh niên trong làng rất đoàn kết, ai cũng chăm chỉ, thạo việc nhà nông”.
Cùng với làng O Rang, làng Dê Chí cũng được xem là chi đoàn có mô hình vườn cây thanh niên khá hiệu quả. Không chọn cách trồng cây lâu năm, thanh niên trong làng trồng toàn bộ cây mì trên diện tích 1 ha đất. Bí thư đoàn xã Siu Mah cho biết: “Năm ngoái, làng Dê Chí thu được 45 triệu đồng từ thu hoạch mì nên năm nay tiếp tục trồng cây này. Thanh niên mua được cồng chiêng, dàn âm thanh, ti vi để tại nhà sinh hoạt cộng đồng để cả làng dùng chung. Xã có 8 làng nhưng đây là 2 làng có phong trào gây quỹ đoàn từ mô hình vườn cây thanh niên hiệu quả nhất”.
Hoàng Ngọc