Trồng bồ công anh làm trà túi lọc, 8X thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc (31 tuổi, ngụ xã Phú Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) được xem là người tiên phong ở địa phương trồng cây bồ công anh để sản xuất trà túi lọc, thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Anh Lộc bên vườn bồ công anh của mình. Ảnh: Xuân Phúc
Anh Lộc bên vườn bồ công anh của mình. Ảnh: Xuân Phúc


Cái duyên với trà bồ công anh

Chia sẻ về cái duyên sản xuất trà túi lọc bồ công, anh Lộc cho biết, cuối năm 2018, anh được một người bạn từ Dubai về tặng 5 cây bồ công anh giống. Ban đầu, anh trồng lấy lá ăn như rau sống. Trong lúc ăn, cảm nhận lá bồ công anh có vị nhẫn nhẫn, nhưng nhai một lúc có vị ngọt nên anh hái lá phơi khô, xay ra làm trà uống thử thì có vị rất ngon và mát. “Mới đầu, tôi chỉ trồng để ăn lá thôi. Khi ăn, thấy lá có vị ngon, tôi bắt đầu lên internet tìm hiểu thì phát hiện cây bồ công anh có thể dùng làm trà có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Từ đó, tôi bắt đầu tự sản xuất cây giống và làm trà túi lọc bồ công anh”, anh Lộc chia sẻ.

 

 Vườn bồ công anh hơn 8.000 m² của anh Lộc đang phát triển tốt. Ảnh: Xuân Phúc
Vườn bồ công anh hơn 8.000 m² của anh Lộc đang phát triển tốt. Ảnh: Xuân Phúc


Sau khi thử nghiệm làm trà bồ công anh túi lọc thành công, anh Lộc bắt đầu nhân giống ra trồng trên 30 m² đất vườn để thu hoạch lá bán cho người dân ăn thay rau sống và tiếp tục làm trà. “Tôi bắt tay vào sản xuất trà bồ công anh túi lọc và gửi mẫu đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế Vĩnh Long) kiểm định thì được công nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, chỉ số CFU/g nhỏ hơn 10. Sản phẩm trà bồ công anh túi lọc của tôi đã được Phòng NN-PTNT H.Long Hồ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và mua bán”, anh Lộc thông tin.

Thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng

Sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phép sản xuất trà bồ công anh, cuối năm 2019, anh Lộc nhân rộng cây bồ công anh ra 1.200 m² vườn nhà. Ban đầu, anh chủ yếu hái lá bán lá, còn sản xuất trà chỉ để tặng kèm khi bán trà đinh lăng. Một thời gian sau, nhận được phản ứng tốt của khách hàng, đơn hàng tăng lên hằng ngày, anh Lộc quyết định thuê hơn 8.000 m² đất trồng cây bồ công anh để sản xuất trà.

 

Anh Lộc đang thu hoạch bồ công anh. Ảnh: Xuân Phúc
Anh Lộc đang thu hoạch bồ công anh. Ảnh: Xuân Phúc


Anh Lộc cho biết, cây bồ công anh dễ trồng, dễ chăm sóc, vòng đời chỉ từ 3-5 tháng, một năm có thể trồng được 3 vụ. Hiện tại, đơn đặt hàng khá nhiều nhưng anh không dám nhận vì không đủ nguồn nguyên liệu. Mỗi tháng, anh chỉ cho ra thị trường khoảng 1.200 hộp, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Do đã có kinh nghiệm từ sản xuất trà đinh lăng nên việc sản xuất trà bồ công anh đối với anh Lộc trở nên đơn giản hơn.

“Sản xuất trà cũng đơn giản, chỉ cần hái lá cây bồ công anh, rửa sạch, phơi khô, sấy cho thật khô để bảo quản được lâu, xay nhuyễn và đóng gói túi lọc. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, mùi vị tự nhiên không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Mỗi hộp gồm 50 túi, bán với giá 90.000 đồng. Có nhiều đơn hàng số lượng lớn tôi không dám nhận vì không đủ nguồn nguyên liệu và năng lực của cơ sở. Hiện tại, tôi đã tìm liên kết với người dân địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu, tạo việc làm cho nông dân. Nếu so sánh với trồng lúa thì trên cùng một diện tích, thu nhập từ trồng cây bồ công anh có thể cao hơn từ 20 - 30 lần. Như 1.200 m² đang trồng ở đây có thu nhập khoảng 90 - 100 triệu đồng mỗi vụ”, anh Lộc nói.

Ngoài việc phát triển cây trồng mới mang lại hiệu quả cao, anh Lộc còn trích lợi nhuận để hỗ trợ an sinh xã hội địa phương, nhất là trong lúc dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người dân gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết: “Anh Lộc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công. Lộc đem giống cây bồ công anh về địa phương, giúp một số người dân có việc làm tăng thu nhập, giúp phát triển kinh tế xã nhà, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã. Ngoài ra, anh Lộc còn tự bỏ tiền túi và vận động nhà hảo tâm, mua quà hỗ trợ cho người dân góp phần vào công cuộc an sinh xã hội của xã”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Đông y H.Long Hồ, cho biết tính vị của cây bồ công anh có vị mát, đắng, có tác dụng vào kinh can, tâm tiêu viêm, giải độc. Công dụng: Giải độc, mát gan, lợi mật, tăng bài tiết dịch mật, mụn nhọt, ghẻ ngứa; Hỗ trợ điều trị tiểu đường, hạ đường huyết; Điều trị sưng vú, tắc tia sữa. Hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày…

Anh Lộc cũng là người tiên phong sản xuất trà đinh lăng túi lọc ở địa phương và thành công với thương hiệu trà đinh lăng Trường Ái, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Long. Hiện anh đang thực hiện đăng ký trà bồ công anh túi lọc lá sản phẩm OCOP tỉnh.


Theo Xuân Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.