(GLO)- Từ một cây trồng vốn chỉ để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, cây hồng hoa bỗng trở thành cây công nghiệp mang theo hy vọng xóa đói giảm nghèo cho vùng đất Ayun Pa.
Hồng hoa sau khi thu hái được phơi khô trước khi đóng gói. Ảnh: Văn Ngọc |
Cây hồng hoa, còn gọi là cây bụp giấm, atisô đỏ, hay cây rau chua, tên khoa học hibiscus sabdariffa có nguồn gốc ở châu Phi. Năm 1992, thấy được tiềm năng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, một giáo sư người Đức đã đưa giống cây này vào trồng thử nghiệm tại Viện Khoa học-Kỹ thuật lâm đặc sản (nay thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam). Nhưng ý tưởng của vị giáo sư này bị “mài mòn” khi giống cây mới ngày càng bị lãng quên, quy mô trồng dần bị thu hẹp. Cây chỉ còn biết đến với công dụng làm cảnh, rau hoặc sơ chế làm nước uống giải khát. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu công dụng của loài cây này, đồng thời đánh giá sự phù hợp của nó với khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam.
Theo các tài liệu khoa học, hồng hoa là loại cây thảo mộc dễ trồng, có thể thích nghi tốt với những triền đất dốc, cằn cỗi, chi phí đầu tư thấp, có sức sống mạnh. Đây là dược liệu quý, giàu vitamin với khả năng trị bệnh, như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hạn chế nguy cơ béo phì, tai biến. Với người dân, lá cây dùng để ăn sống, nấu canh chua hoặc kho cá, quả dùng để chiết xuất trà thảo mộc, rượu vang, mứt, sirô… Và hồng hoa đã bắt đầu được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung để làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm… Tại thị xã Ayun Pa, sau khi một công ty chế biến thực phẩm mở hội thảo về phát triển cây hồng hoa trên vùng đất khó thì cũng đã có 2 hộ dân mạnh dạn đưa cây trồng này vào thử nghiệm trên diện tích 12 ha.
Ông Châu Đức Huệ, thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao là người “liều lĩnh” nhất khi bỏ ra 9 ha đất cũng như vốn liếng để đổ vào cây hồng hoa. Sau 4 tháng gieo trồng, hồng hoa lại bắt đầu cho ông những “quả ngọt” khi mang lại lợi nhuận rất cao trên thửa đất vốn không mấy phì nhiêu của mình. Ông Huệ cho biết, đây là diện tích đất khá cằn cỗi nên hàng năm gia đình ông trồng thuốc lá, mì hoặc mía đều không mang lại thu nhập cao bởi giá cả phập phù. Sau khi nghiên cứu các tài liệu khoa học cũng như tham khảo ở một số địa phương khác, ông đã mạnh dạn cho cày 9 ha để gieo trồng hồng hoa.
Ông Huệ cho biết: “Tuy đây là mảnh đất xấu nhưng cây hồng hoa dường như phù hợp với thổ nhưỡng nên lớn rất nhanh. Các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế đều được công ty in tài liệu hướng dẫn. Trồng cây hồng hoa không cần vốn liếng nhiều lại không mắc sâu bệnh gì nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật; từ khi cây lớn đến lúc thu hoạch cũng chỉ phải làm cỏ bón phân một lần duy nhất. Cây trồng 3,5 tháng là đã bắt đầu cho thu hoạch; đến tháng thứ 4 thì coi như thu hoạch dứt điểm nên 1 năm có thể trồng được 2 vụ”. Cũng theo ông Huệ, cái vất vả nhất khi trồng hồng hoa chính là vào mùa vụ thu hoạch khi tốn khá nhiều nhân công hái cũng như sơ chế, phơi khô trước khi đóng gói để xuất hàng. Bởi vậy, dù mới chỉ thu hoạch diện tích 3 ha, mỗi ngày gia đình ông cũng đã tạo thêm việc làm cho 50 nông dân trong vùng.
Hiện tại đầu ra của sản phẩm khá hấp dẫn khi một công ty tại Đà Nẵng đã giao tiền đặt hàng ông Huệ với giá thành 80 ngàn đồng/kg đài quả khô. Trên mỗi ha đất, ông thu được 15-18 tấn quả tươi và khi phơi khô còn khoảng 1 tấn/ha. Ông Huệ cho biết, sau khi đã trừ chi phí chiếm khoảng 50%, ông đã thu về 40 triệu đồng/ha-đây là con số gấp 4 lần trồng mía bởi mía trồng 1 năm mới được thu hoạch chỉ mang về lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha nếu thuận lợi. Được biết, trong buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Bí thư Thị ủy Ayun Pa Thái Thanh Bình cũng đã đề cập đến việc phát triển cây hồng hoa trên địa bàn thị xã, bởi đây là cây trồng có triển vọng, có thể giúp người nông dân thoát nghèo bởi nó rất phù hợp với vùng đất cằn cỗi khô hạn mà lại mang lại kinh tế cao.
Lê Văn Ngọc