(GLO)- Năm 2015, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ 6 nhóm tiểu dự án sinh kế nuôi bò lai sinh sản cho 60 hộ nghèo thuộc 5 xã phía Nam, gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar và Đak Trôi (huyện Mang Yang). 66 con bò lai sinh sản, trong đó có 6 con bò đực vừa được Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mang Yang trao tận tay cho các thành viên tham gia nhóm LEG, hy vọng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.
Niềm vui được nhận bò
Ảnh: Đinh Yến |
Đúng 7 giờ sáng, trước cổng nhà chị Chen-trưởng nhóm LEG nuôi bò lai sinh sản làng Đê Chưh, xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) đã rộn ràng tiếng nói cười của người dân. Không chỉ 10 thành viên trong nhóm tiểu dự án sinh kế nuôi bò sinh sản mà rất đông bà con trong làng, cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF), Ban Phát triển xã, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện, cán bộ sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo tỉnh đã đến dự trao bò lai sinh sản.
Buổi tổ chức trao bò được thực hiện ngay tại sân nhà trưởng nhóm. Một chuồng bò rộng 80 m2 (chuồng nuôi thêm bò đực để phối giống) được chuẩn bị từ trước. Những bó cỏ non xanh được các thành viên trong nhóm trồng từ trước để làm thức ăn cho bò cũng đã để sẵn trong chuồng chờ bò về. Trước buổi bàn giao bò, các thành viên trong nhóm LEG nuôi bò lai sinh sản đã trực tiếp đến đơn vị cung ứng giống bò để chọn giống. Mỗi con bò cái sinh sản có trọng lượng 200 kg, trị giá 23,7 triệu đồng/con và 6 con bò đực để phối giống, mỗi con có trọng lượng 250 kg, giá 31 triệu đồng/con là một khối tài sản nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân nghèo nơi đây.
Chị Chen-trưởng nhóm nuôi bò lai sinh sản làng Đê Chưh (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), thay mặt cho 10 hộ nghèo trong nhóm, cho biết: Cuộc sống của các hộ nghèo trong làng còn nhiều khó khăn lắm. Một năm vẫn thiếu ăn 3 tháng, do bà con có ít đất sản xuất. Có con bò của dự án để chăn nuôi là mơ ước tưởng như chẳng bao giờ đến được với những người dân nghèo như chúng tôi. Trong 10 hộ nghèo được nhận bò lai sinh sản hôm nay có 3 hộ bốc thăm trúng được số vào 3 con bò lai đã thụ thai được 3 tháng tuổi.
Được nhận bò lai sinh sản hôm ấy, không chỉ có 10 hộ nghèo ở làng Đê Chưh và 10 hộ nghèo ở làng Roh (xã Lơ Pang) mà còn có 40 hộ nghèo ở làng Đê Chuk (xã Kon Thụp), làng Đak Ó (xã Kon Chiêng), làng Ar Sek (xã Đak Trôi) và làng Đê Koih (xã Đê Ar), huyện Mang Yang. Anh Bam- trưởng nhóm LEG nuôi bò lai sinh sản làng Đak Ó (xã Kon Chiêng) không giấu nổi xúc động, nói: “Được dự án trao bò lai sinh sản, tôi cũng như các hộ khác trong nhóm không biết nói gì ngoài lời cảm ơn chân thành tới các cấp lãnh đạo, ngành, địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ nuôi bò chóng lớn, khỏe mạnh để bò phát triển, từ đó các hộ có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống hơn”.
Hướng thoát nghèo bền vững
Chị Đinh Thị Kuenh-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng, kiêm Phó ban Phát triển xã, cho biết: Làng Đak Ó (xã Kon Chiêng) còn nhiều hộ khó khăn, nhất là những hộ mới tách, kinh tế lại càng khó khăn hơn. Khi có dự án giảm nghèo hỗ trợ bò lai sinh sản, các hộ nghèo này đã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ thuật chăm sóc bò, hỗ trợ làm chuồng, trồng cỏ nuôi bò. Vì thế, từ khi có dự án đến với bà con, những hộ nghèo không chỉ từng bước cải thiện thu nhập mà còn tranh thủ thêm thời gian làm việc, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình. Nhiều hộ nghèo trong làng hy vọng, những con bò cái sinh sản được nhận từ dự án sẽ đẻ ra bê, nuôi bê lớn bán đi để tu sửa nhà cửa, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.
Trong thời gian thực hiện dự án, các nhóm nuôi bò lai sinh sản ở 5 xã phía Nam huyện Mang Yang còn thường xuyên được các ban, ngành chuyên môn huyện, xã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng chăn nuôi đúng khoa học kỹ thuật, chú trọng tới trồng cỏ làm thức ăn cho bò và những dinh dưỡng khác để bò cái sinh sản luôn khỏe mạnh và sinh sản đều. Ông Mai Văn Luyện-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mang Yang, cho biết: “Mỗi thành viên trong nhóm nuôi bò lai sinh sản được hỗ trợ một con bò cái lai sinh sản và 6 nhóm mỗi nhóm được hỗ trợ thêm một con bò đực lai để phối giống”.
“Xã Lơ Pang, năm 2015 được dự án hỗ trợ hai nhóm bò lai sinh sản, mỗi nhóm còn được hỗ trợ 1 con bò đực để phối giống. Và 2 con bò đực của hai nhóm đều giao cho trưởng nhóm nuôi và chăm sóc. Theo quy định, 10 hộ tham gia nhóm tiểu dự án sinh kế một tháng họp một lần (định kỳ), ngoài ra còn có những buổi họp đột xuất để trao đổi với nhau về quá trình chăm sóc, sinh trưởng và phối giống cho bò sinh sản. Những thành viên trong nhóm còn lập quỹ nhóm, mới đầu, mỗi hộ tham gia nhóm đóng 10.000 đồng. Sau đó, hộ nào lấy bò đực về phối giống thì mỗi lần phối như thế đóng vào quỹ nhóm từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng. Nhóm cũng cử một người giữ quỹ của nhóm để khi nhóm tổ chức họp và những hoạt động khác mà dự án không hỗ trợ thì dùng quỹ nhóm để chi phí, như: mua nước uống, phô tô văn bản, giấy tờ. Đồng thời để giúp các thành viên trong nhóm khó khăn đột xuất về tài chính để các hộ nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”-chị Phạm Thị Hiếu-cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã Lơ Pang cho biết.
Đối với những thành viên trong nhóm LEG được nhận nuôi bò lai sinh sản, theo quy định của dự án, thì những con bò cái đẻ ra bê họ tiếp tục nuôi bò mẹ giống để bò đẻ ra những con bê khác, không được bán. Chỉ những con bê khi bò cái giống đẻ ra thì phải nuôi ít nhất 2 năm mới được bán. Ông Mai Văn Luyện cho biết thêm: “Để làm được điều đó thì vai trò của Ban Phát triển xã, những hướng dẫn viên cộng đồng (CF) luôn phải có mặt ở nhóm, hướng dẫn giúp đỡ bà con cách chăm sóc, phòng bệnh để từ một con bò lai sinh sản, sau một vài năm tăng đàn bò, giúp các hộ nghèo có thu nhập, thoát nghèo bền vững. Còn với những hộ trong làng không tham gia nhóm nuôi bò sinh sản, nhưng nếu có nhu cầu mượn bò đực để phối giống cho đàn bò của họ thì các thành viên trong nhóm hỗ trợ; cả giống cỏ AV06 được dự án hỗ trợ trồng cho bò ăn, các hộ không tham gia dự án có nhu cầu thì nhóm cũng tạo điều kiện cho hộ đó bằng hình thức bán để góp quỹ hoặc cho không để hỗ trợ cho người dân lấy cỏ nuôi bò, tạo điều kiện cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Đinh Yến