Trần Tú Khoa: Kỹ sư bỏ lương cao về trồng rau sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nhiều thanh niên dám chấp nhận từ bỏ công việc với mức  lương cao ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để về quê mở trang trại trồng rau sạch, chăn nuôi... Mong muốn của họ là đem lại cho gia đình và xã hội những bữa ăn ngon, an toàn từ các loại thực phẩm sạch. Trần Tú Khoa-chàng kỹ sư chăn nuôi sinh năm 1989 (tổ dân phố 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là một trong những người như thế.

Một buổi chiều đầu năm mới 2018, theo sự giới thiệu của một người bạn từng là cán bộ Tỉnh Đoàn, tôi tìm đường tới nhà Trần Tú Khoa. Từ trung tâm thị trấn Ia Kha, phải mất một lúc lòng vòng trên con đường đất ngoằn ngoèo dài hơn 2 km, tôi mới đến được trang trại của Khoa. Chờ một lúc thì anh từ dưới vườn đi lên, tay chân còn lấm lem đất. Thoạt nhìn dáng người Khoa nhỏ thó, đen nhẻm, không ai nghĩ đây là một kỹ sư chăn nuôi.

 

Anh Trần Tú Khoa chăm sóc vườn rau sạch. Ảnh: H.Đ.T
Anh Trần Tú Khoa chăm sóc vườn rau sạch. Ảnh: H.Đ.T

Khoa tâm sự, anh sinh ra tại  huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, sau đó theo gia đình lên Lâm Đồng lập nghiệp. Năm 2000, gia đình Khoa chuyển từ Lâm Đồng về Ia Grai sinh sống. Là con duy nhất của gia đình, ba mất sớm, mẹ là giáo viên nên ngay từ nhỏ Khoa đã có ý thức tự giác học hành và đỡ đần mẹ việc nhà. Sau khi tốt nghiệp THPT, Khoa thi vào Trường Đại học Tây Nguyên và chọn ngành chăn nuôi với mong muốn ra trường dễ kiếm việc làm để giúp đỡ gia đình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Khoa xin vào làm ở một trang trại chăn nuôi heo tại TP. Hồ Chí Minh  để vừa kiếm tiền vừa thử nghiệm những kiến thức đã học trong trường. Sau 1 năm làm việc, thấy mẹ ở nhà một mình vất vả, Khoa xin nghỉ để quay về Gia Lai. Sau đó, anh xin vào làm ở Công ty Thức ăn gia súc AUSFED Bình Định, phụ trách thị trường Nam Gia Lai. Trong thời gian này, ngoài công việc Công ty giao, Khoa còn đầu tư làm chuồng nuôi gà thịt tại nhà. Trong chuồng lúc nào cũng có 500 con gà thịt. Bên cạnh đó, Khoa còn đi mua gà con về nuôi khoảng 20-25 ngày cho cứng cáp rồi bán giống cho các trang trại. Tuy nhiên, thời gian sau, do thị trường tiêu thụ chậm, đầu ra khó khăn, Khoa quyết định không nuôi gà nữa.

Làm việc tại Công ty AUSFED Bình Định được hơn 1 năm, Khoa lại xin nghỉ để chuyển sang làm cho 1 công ty kinh doanh thức ăn gia súc của Malaysia và được giao phụ trách thị trường Nam Gia Lai. Đây được xem là quãng thời gian vất vả nhất của Khoa. Là nhân viên phụ trách thị trường nên mỗi ngày anh phải di chuyển bằng xe máy hơn 300 km để chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Mặc dù lương cao (có tháng hơn 15 triệu đồng) nhưng sau gần 1 năm, Khoa quyết định nghỉ việc ở công ty này. Sau đó, anh xin vào làm ở trang trại của Công ty Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai tại huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian ngắn, thấy dự án này không hiệu quả, Khoa quyết định nghỉ việc để về nhà tìm hướng khởi nghiệp mới.

Sau khi về nhà, Khoa bàn với mẹ đầu tư mua đất để trồng rau sạch vì anh nhận thấy ở huyện Ia Grai chưa ai thực hiện mô hình này. Thấy con trai lang bạt suốt mấy năm trời cuối cùng công việc vẫn không đâu vào đâu, mẹ Khoa đồng ý ngay và dốc toàn bộ vốn liếng tích lũy lâu nay để mua một mảnh đất rộng 8 sào với giá 240 triệu đồng. Vì mảnh đất này nằm ở triền đồi có rất nhiều đá nên sau khi mua, Khoa phải mất hơn 2 tháng liền vất vả cải tạo lại. Anh tự mua máy xới về làm đất cho tơi xốp. Để giữ nguồn nước tưới ổn định, anh đã đào 2 hồ (mỗi hồ rộng 400 m2) rồi lót bạt để chứa nước. Trên diện tích 8 sào đất mới mua, trước mắt, Khoa chỉ canh tác khoảng 5 sào.

Anh trồng các loại cây như khổ qua, mướp, dưa leo, cà chua, cà rốt, ớt... Tất cả diện tích cây trồng này, Khoa đều tự thiết kế làm đường ống tưới nhỏ giọt. Ngày lo cải tạo đất, làm hệ thống tưới nhỏ giọt, đêm đến, Khoa lên mạng internet học cách trồng và chăm sóc rau củ bằng các loại chế phẩm sinh học. Anh nghiên cứu từng loại cây trồng và phương pháp chăm sóc để cân bằng dinh dưỡng cho cây. Nhờ biết cách chăm sóc nên các loại cây trồng của Khoa đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Trần Tú Khoa:

-  Muốn thành công phải có sự đam mê.
- Không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức.
- Kiên trì và chịu khó.

Khi sản phẩm được thu hoạch nhưng đầu ra còn khó khăn, cứ 3 giờ sáng, Khoa lại dậy hái quả đem ra chợ huyện bán. Các sản phẩm của anh đều bán bằng giá với các loại rau quả người dân trồng thông thường. Dần dần, khi đã quen, khách hàng hoặc điện thoại đặt hàng với anh hoặc đến tận trang trại để mua. Mặc dù mới chính thức đi vào sản xuất từ tháng 5-2017 nhưng đến nay, bình quân mỗi ngày Khoa thu nhập 300-500 ngàn đồng từ bán rau quả. Khoa cho biết, sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng các loại rau bởi anh đã liên kết với một cửa hàng rau sạch ở Pleiku để hàng ngày cung cấp sản phẩm. Mới đây, anh cũng đã mạnh dạn vay mượn bà con và ngân hàng mua thêm 2 ha đất để trồng cây ăn quả và mở rộng diện tích trồng rau sạch.

Chia tay  tôi, Khoa tâm sự:  Tôi rất vui vì đóng góp một phần nhỏ vào việc cung cấp nguồn rau sạch cho cộng đồng, qua đó bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.