Trăn trở làng Tal

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Làng Tal (xã Ia O) là một trong 2 làng ở huyện Ia Grai tập trung bệnh nhân phong sinh sống. Đó là do quen miệng mà gọi chứ làng Tal thực chất chỉ là một xóm nhỏ thuộc làng Lân. Những năm qua, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và Công ty 715 (Binh đoàn 15) đã giúp bệnh nhân phong nơi đây vững tin vào cuộc sống.

Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trời biên giới mưa dầm, nhưng sáng ấy trời ráo hẳn. Ngay từ sáng sớm, bà con làng Tal đã tập trung đông đủ ở trung tâm làng để đón lãnh đạo Công ty 715 đến thăm hỏi, động viên và cấp gạo cứu trợ. Gương mặt từ già đến trẻ như giãn ra, ngập tràn niềm vui. Họ vui vì không chỉ được nhận gạo mà hơn thế là thấy mình không bị kỳ thị...

 

Người dân làng Tal vui mừng nhận gạo của Công ty 715. Ảnh: P.L
Người dân làng Tal vui mừng nhận gạo của Công ty 715. Ảnh: P.L

Vợ chồng ông Ksor Bên ngồi sát nhau dưới mái hiên. Họ là những người đầu tiên lập nên làng Tal. 2 bàn tay, 2 bàn chân của ông bà đều cụt ngón nhưng vẻ mặt thì rất viên mãn. Ông Bên vui vẻ bộc bạch: “Mình bị bệnh nên đi làm rất khó khăn, cuộc sống còn vất vả, nhưng may là nhờ Bộ đội Biên phòng và Công ty 715 cho mình gạo ăn trong những lúc cây trồng chưa thu hoạch. Bữa trước mình phải vất vả xuống tận suối gùi nước về dùng, nhưng nay Công ty 715 đã khoan giếng cho làng, dẫn cả cái nước về tận bếp nhà mình rồi. Làng mình biết ơn bộ đội lắm”. Đợt này, Công ty 715 hỗ trợ trên 6 tấn gạo cho 300 hộ khó khăn vùng biên giới huyện Ia Grai, trong đó làng Tal được cấp gần 1 tấn.

Làng Tal nằm khép mình ở rìa một con suối nhỏ. Từ tỉnh lộ 664 xổ xuống một con dốc sâu, hết dốc là đến làng. Cũng như làng Tang (xã Ia Chía), làng Tal như một ngôi nhà chung mà ở đó mỗi con người là một số phận, một “mảnh đời”. Nhớ lại những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, gần chục con người bị bệnh phong từ vùng biên này đã về đây thành lập nên làng, lúc đó chỉ có một ngôi nhà tạm bợ, xơ xác bằng phên tre, lá rừng. Thời gian trôi qua, cùng với sự nỗ lực của bà con làng Tal, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm đã giúp họ có niềm tin vào cuộc sống. Từ chỗ chỉ có một ngôi nhà chung tạm bợ, đến nay, làng đã có hơn chục ngôi nhà được xây dựng theo Chương trình 134, 135.

Năm học này, làng Tal có 6 học sinh từ lớp 1 trở lên, em lớn nhất là Rơ Châm Rối học lớp 5. Già làng Rơ Châm Pênh cho hay: “Trước đây, bà con trong làng đói nghèo cơ cực lắm, lại thêm bệnh tật nữa tưởng không sống nổi, bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi. Những người khỏe mạnh đã biết đi làm thuê và có người thuê làm”. Làng Tal bây giờ đã đổi thay. Niềm vui lớn nhất của họ là con gái đã bắt chồng, con trai lấy vợ làng khác, thế hệ thứ 3 không bị mắc bệnh phong nữa, làng đã có học sinh học đến cấp II. Nhưng điều trăn trở của bà con nơi đây là quỹ đất ở của làng còn hạn hẹp, đất sản xuất không có nên rất khó khăn để làng xây dựng và phát triển cuộc sống mới, như lời bộc bạch của già làng: “Giờ làng mình muốn tự trồng cây mì, cây điều nhưng không có đất, cả làng cũng chỉ có 2 sào đất ở”.

Phương Loan

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.