Trần Thị Thanh: Thuyết minh viên tâm huyết với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần thuyết minh cho khách đến tham quan, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thanh-nhân viên thuyết minh Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên đều níu giữ người nghe bằng giọng nói truyền cảm, lưu loát cùng vốn kiến thức lịch sử dày dặn và nụ cười duyên dáng thường trực trên môi.
“Các đồng chí ạ! Đây là hình ảnh chiếc xe tăng 377 của Lữ đoàn 273 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã bắn cháy 7 xe tăng và 2 xe thiết giáp khi tiến công căn cứ Đak Tô-Tân Cảnh của địch trong Chiến dịch Xuân Hè 1972. Song do lực lượng quá chênh lệch, xe tăng 377 bị bắn cháy, toàn bộ kíp xe đã anh dũng hy sinh. Ghi nhận thành tích xuất sắc, ngày 9-1-2009, kíp xe tăng 377 đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, Đại úy Trần Thị Thanh đã lôi cuốn các chiến sĩ trẻ đến tham quan vào câu chuyện của mình.
 Đại úy Trần Thị Thanh thuyết minh triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: V.D.H
Đại úy Trần Thị Thanh thuyết minh triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Ảnh: V.D.H
Cứ mỗi lần thuyết minh là một lần như “trải nghiệm” cùng những sự kiện lịch sử, do vậy chị Thanh luôn nhận được sự yêu mến của khách đến tham quan. Em Lê Thị Yến Nhi (lớp 8.1 Trường THCS Anh hùng Đôn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Cô Thanh thuyết minh rất hay, rất hấp dẫn khiến chúng em cảm thấy thật tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của quân và dân ta, nhất là quân dân các tỉnh Tây Nguyên”.
Là nhân viên thuyết minh của Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên với nhiệm vụ nghiên cứu, bảo quản, gìn giữ hiện vật và tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử Binh đoàn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân địa phương, Đại úy Thanh luôn chịu khó nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu qua sách báo để giúp các bài thuyết minh thêm phần sinh động. Chị Thanh tâm sự: “Tôi nhận thấy với những cựu chiến binh thì kỷ niệm về các trận đánh được các bác rất quan tâm, còn các chiến sĩ mới hay các em học sinh lại rất thích nghe về tính năng, tác dụng của các loại vũ khí. Do vậy, với mỗi đối tượng tôi lại chọn cách thuyết minh khác nhau, giúp mọi người cảm thấy rất hứng thú khi tham quan Bảo tàng”.
Bên cạnh đó, Đại úy Thanh còn thường xuyên tham gia cùng tổ trưng bày, tuyên truyền đi trưng bày lưu động tại các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên với nhiều chuyên đề như: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3: 55 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”; “Chiến thắng Chư Nghé”; “Sở Chỉ huy-Nơi công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3”... Chính nhờ sự năng động đó mà Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên ngày càng đón nhiều khách đến tham quan hơn. Đơn cử, năm 2018, Bảo tàng đón hơn 16 ngàn lượt khách; riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 11 ngàn lượt khách. Trung tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng-nhận xét: “Đại úy Trần Thị Thanh rất ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu, có nhiều đổi mới trong thuyết minh, tuyên truyền, với nhiệm vụ nào chị cũng đều hoàn thành xuất sắc”.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Chính trị, chị Thanh luôn tìm tòi, học hỏi, chủ động đề xuất với Ban Chấp hành Hội triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Phụ nữ Quân đội đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chị còn là thành viên của đội văn nghệ quần chúng, vận động viên cầu lông tham gia đội tuyển của Quân đoàn 3 thi đấu toàn quân. Với sự nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền, chị là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2018, Đại úy Trần Thị Thanh được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng bằng khen; Cục Chính trị Quân đoàn 3 tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 VŨ DUY HIỂN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.