Tràn lan giống cây trồng độc, lạ - nông dân "tiền mất, tật mang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 350.000 hécta đất nông nghiệp phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái dài ngày. Thế nên, Đắk Nông được xem là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh này đang diễn ra bát nháo, thật giả lẫn lộn, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Việc này đã gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp của tỉnh, nếu không kịp thời được chấn chỉnh thì hậu quả sẽ còn kéo dài và hết sức nặng nề.

 Giống sầu riêng độc, lạ Musang King được nhiều cửa hàng bày bán. Ảnh: Bảo Lâm
Giống sầu riêng độc, lạ Musang King được nhiều cửa hàng bày bán. Ảnh: Bảo Lâm


Tràn lan giống cây trồng “mê hoặc” người dân

Nhiều chủ kinh doanh giống cây trồng nắm bắt được tâm lý của nông dân là muốn tạo ra những sản phẩm độc, lạ, không “đụng hàng” để dễ bán và có nguồn thu nhập cao nên đã tung ra thị trường những giống cây độc, lạ để “mê hoặc” người dân. Hình thức phát triển nông nghiệp này là nước cờ mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại.

Vào vụ gieo trồng, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện nhiều giống cây trồng độc, lạ. Đây đều là những giống cây trồng chưa được cơ quan chức năng tổ chức khảo nghiệm, đánh giá về tính hiệu quả.

Tại huyện Đắk Mil, có rất nhiều giống cây trồng khau nhau như: Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca, bưởi, na, mít… Thấy chúng tôi dừng chân bên vựa cây sầu riêng, chị H liền tư vấn, mời chào lựa chọn giống sầu riêng Musang King.

Chị H cho biết, đây là giống sầu riêng có nguồn gốc, xuất xứ Malaysia. Loại này cho quả thơm ngon, được các siêu thị ở trong nước nhập về và bán với giá rất cao, hàng trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi được hỏi về vườn cây đầu dòng, kết quả khảo nghiệm ở địa phương thì chị H lắc đầu không có!

Còn anh Th., chủ một cửa hàng bán cây giống ở huyện Đắk Song cho biết, năm nay giá cây giống hồ tiêu tăng cao nên nhu cầu mua giống gia tăng đột biến. Để đáp ứng thị trường, anh đã chuẩn bị khá nhiều cây giống hồ tiêu. Theo Th, giống hồ tiêu được anh tuyển chọn dây ác từ những vườn tiêu có năng suất cao, bảo đảm sạch bệnh để ươm giống. Ngoài ra, anh Th còn có những loại giống hồ tiêu có nguồn gốc nước ngoài, chưa được khảo nghiệm như: Slilanca,Amazon… Anh Th khẳng định, những giống hồ tiêu nước ngoài có hạt to, chuôi dài, năng suất vượt trội so với các giống tiêu khác.

Theo cơ quan chức năng, không riêng gì giống sầu riêng, hồ tiêu, hiện nay những giống cây trồng thuộc diện độc, lạ, ngoại lai như: Na Thái, mít Thái, bơ hass, bơ pink, chanh leo Colombia, ổi Rubi ruột đỏ, đào Nhật… đều chưa được kiểm chứng, khảo nghiệm tại Đắk Nông.

Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NNPTNT - cho biết, những loại giống cây trồng chưa qua trình khảo nghiệm, đánh giá mà bán ra thị trường sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã thường xuyên đưa ra những khuyến cáo cho người dân không nên ồ ạt trồng những giống cây "độc, lạ". Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ mang tính chất cảnh báo chứ không thể bắt buộc.

Hiện nay, đang có rất nhiều người dân phát triển nông nghiệp không tuân thủ theo quy hoạch, định hướng hay khuyến cáo cơ quan chức năng.

Nước cờ mạo hiểm

Những năm qua, các loại cây công nghiệp, cây ăn trái như: Bơ, cà phê, hồ tiêu, điều… đang rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tình trạng này cũng khiến cho nhiều người dân phải chuyển đổi cây trồng, tìm kiếm nguồn thu mới. Đây là cơ hội để nhiều cơ sở kinh doanh đã tung ra thị trường những cây giống độc, lạ, kèm theo những thông tin quảng cáo hào nhoáng, mỹ miều để “hút” người dân.

Anh Nguyễn Phước Thiện, ở huyện Đắk R’lấp, vừa xuống giống 150 cây sầu riêng Musang King xen canh trong vườn cà phê. Khi đến một vựa cây giống lớn trên địa bàn, anh Thiện đã bị chủ vườn giới thiệu và bị thuyết phục bởi giống sầu riêng Musang King hoàn toàn mới lạ.

Khi mua cây giống, anh Thiện quan sát trên bao bì không có kẹp chì, nguồn gốc xuất xứ... theo quy định. Còn chủ vườn giống khẳng định 100% là giống sầu riêng nổi tiếng Musang King của Malaysia. "Sầu riêng phải mất từ 4 - 5 năm chăm sóc mới cho ra trái. Nếu mua phải nguồn giống không bảo đảm chất lượng thì người dân sẽ bị thiệt hại rất lớn" - anh Thiện chia sẻ.

Nhiều năm nay, giá mắc ca ổn định trên 100.000 đồng/kg. Do đó, ông Vũ Minh Tiến, ở huyện Tuy Đức, quyết định trồng mới hơn 1ha mắc ca. Ông Tiến cho biết, cây mắc ca dễ trồng, giá sản phẩm lại cao, nên gia đình ông quyết định lựa chọn để mở hướng đi mới, thay thế cho các loại cây trồng khác. Khi đi mua cây giống mắc ca, ông Tiến được các chủ vườn ươm giới thiệu rất nhiều loại khác nhau như: OC, 246, 816, 849, 695, 900, 842, 800, H2, A38, A16, QN1...

Sau một lúc đắn đo suy nghĩ ông Tiến quyết định mua 250 cây mắc ca với nhiều dòng giống khác nhau về trồng. Theo ông, hiện nay, cơ quan chức năng chưa công bố giống cây mắc ca nào phù hợp với tiểu vùng khí hậu của địa phương nên ông mua nhiều giống khác nhau nhằm hạn chế thiệt hại khi "đặt cược" vào một dòng giống.

Thế nhưng, cách chọn nhiều dòng giống của ông Tiến cũng không hẳn mang lại hiệu quả vì mắc ca phải đợi đến 5 - 7 năm mới ra trái. "Nếu trong vườn có nhiều giống mắc ca không phù hợp với địa phương thì gia đình tôi sẽ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng" - ông Tiến chia sẻ.

Theo tiến sĩ Trần Vinh - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - đối với những giống cây trồng chưa được đánh giá, khảo nghiệm thì mức độ thành công cũng mang tính chất may rủi, khó lòng khẳng định ngay được.

Do đó, để tránh bị thiệt hại, người dân nên phối hợp với cơ quan chức năng trồng với số lượng ít, diện tích quy mô nhỏ để có sự đánh giá, kiểm chứng mức độ phù hợp của các loại cây trồng ở từng tiểu vùng khí hậu khác nhau. Cách làm này chậm tiến độ sản xuất, nhưng chắc chắn hơn, đánh giá được tính hiệu quả, tránh được rủi, thiệt hại.

https://laodong.vn/xa-hoi/tran-lan-giong-cay-trong-doc-la-nong-dan-tien-mat-tat-mang-935781.ldo
 

Theo BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm