Trả nghĩa với rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, thú chơi lan rừng đã trở thành trào lưu rộng rãi. Hậu quả là lan rừng bị khai thác cạn kiệt, nhiều loài chỉ còn tìm thấy trong bộ sưu tập của người chơi lan. Ngược lại với trào lưu ấy, anh Võ Văn Công (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) đã tìm cách đem hoa lan trả lại rừng.

 

 Anh Võ Văn Công chăm sóc phong lan. Ảnh: H.Đ.T
Anh Võ Văn Công chăm sóc phong lan. Ảnh: H.Đ.T

Nhiều năm qua, vườn lan Công Danh của anh Công trở thành địa chỉ tụ họp của những người yêu hoa lan trong và ngoài tỉnh. Họ đến để gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu về loài hoa này. Với trên dưới 800 loài, đây cũng có thể xem là một trong những vườn lan đa dạng của Việt Nam hiện nay. Nhiều là thế, nhưng chủ nhân của nó có thể tường tận thuộc tính của từng loài. Anh Công chia sẻ: “Chơi lan khó mà không khó. Quan trọng nhất là phải có đam mê. Đây không chỉ là toàn bộ cơ nghiệp mà còn là tâm huyết của bản thân suốt 20 năm qua”. Cơ duyên anh đến với hoa lan cũng thật tình cờ: Hơn 20 năm trước, trong những lần theo chân cha vào rừng, những nhành lan rừng mọc chót vót trên những cành cây cao luôn mê hoặc chàng trai trẻ này. Công đã có sở thích nhẩn nha hàng ngày với những nhành lan rừng từ đó. Chính anh cũng chẳng hiểu được tại sao cái thú đó chẳng thể dứt ra được.

Từ thích phong lan, anh Công trở thành một tay chơi chuyên nghiệp. Giới chơi lan, sành lan ở trong nước luôn nể trọng anh về sự am hiểu về lan rừng. Để có được bộ sưu tập lan quý như hiện nay, có lẽ chưa một cánh rừng nào chưa in dấu chân anh. Hễ nghe thông tin vùng rừng nào còn lan quý là anh lại tìm đến. Đó không chỉ là khát vọng sở hữu một loài lan mới mà còn là khát khao tận mắt thưởng lãm nét đẹp tinh khôi do thiên nhiên ban tặng. Với điều kiện thiên nhiên khá đặc thù nên Việt Nam có số loài hoa lan đứng đầu thế giới. Theo công bố của Hội Hoa lan Việt Nam, cả nước đã phát hiện trên 1.100 giống lan. Riêng bộ sưu tập của anh Công đã chiếm quá 2/3 số loài, trong đó có nhiều giống quý như: trầm rừng, hoàng thảo… Đặc biệt, hoàng thảo công võ là loài lan do anh phát hiện và ghép luôn tên mình vào.

Cũng chính những lần xuyên rừng tìm hoa lan ấy, anh Công đã có một cách nhìn nhận khác để rồi quyết định của anh được người chơi lan cho là gàn dở. Anh cho biết: “Lan rừng bị tận diệt quá nhiều. Những cánh rừng trước đây mình đã từng đi qua giờ không còn gì”. Vì thế: “Trước đây, mình đưa lan rừng về vườn nhà. Bây giờ, mình lại mang những hạt giống lan nhà về rừng. Mình hy vọng tương lai con cháu sẽ còn những giống lan quý”. Vài năm qua, đã có hàng trăm quả giống các loài phong lan đã được anh thụ phấn từ vườn trước khi đưa trở lại rừng. Tuy kết quả chưa thật sự rõ ràng nhưng anh tin trong số hàng triệu hạt giống kia sẽ đem lại hy vọng hồi sinh cho những loài hoa đang gần như tuyệt chủng.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: “Thời gian qua, anh Công phối hợp với chúng tôi trong việc nghiên cứu và bảo tồn các loài lan rừng”. còn anh Công thì bộc bạch: “Mình hy vọng sẽ góp một phần công sức để bảo vệ nguồn gen lan rừng”.

Theo thời gian, trang trại hoa lan của anh Công có thêm nhiều giống lan nhập để bán. Kinh doanh hoa nhưng chủ của vườn hoa này có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bán lan rừng, dù được trả với bất kỳ giá nào. Bởi anh tin, sẽ có một ngày, cái việc mà mọi người cho là gàn dở kia sẽ đem lại kết quả. Từ việc trả nghĩa rừng, trả lại mầm sống cho tự nhiên này, hy vọng mọi người cũng có ý thức bảo vệ những loài lan rừng trước nguy cơ bị tận diệt.

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.