Trả lại mảng xanh cho Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ cách làm tiên phong của một vài nông dân, nhiều hộ trồng rau ở Đà Lạt bắt đầu tháo bỏ nhà kính để làm nông nghiệp thuận tự nhiên. Nhờ vậy, những mảng xanh vốn có với cách làm nông nghiệp sạch đang dần được khôi phục.
Người tiên phong cho phong trào tháo dỡ bỏ nhà kính trong canh tác nông nghiệp ở Đà Lạt là ông Nguyễn Thanh Tân (42 tuổi, ngụ phường 8, TP Đà Lạt). Phong trào dỡ nhà kính do ông Tân khởi xướng, diễn ra từ ngày 14 đến 20-9, thu hút khá nhiều sinh viên ngành nông nghiệp Trường ĐH Đà Lạt tham gia, được nông dân hưởng ứng tích cực.
Thuận tự nhiên
Ông Tân cho biết ở Đà Lạt bây giờ đi đâu cũng gặp nhà kính, nhà màng phủ trắng xóa. Bên trong nhà kính là cách làm nông nghiệp cho năng suất cao nhờ phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Mảng xanh của Đà Lạt bị bó chặt trong không gian nhà kính. Hệ sinh thái bị phá vỡ, không khí ngột ngạt bởi mùi thuốc, hóa chất, gây hại đến môi trường. "Đó là lý do mà tôi quyết định lấy lại mảnh vườn 3.000 m2 cho một nông dân thuê, phá bỏ 1/3 nhà kính để thử nghiệm canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, dựa vào thiên nhiên là chính" - ông Tân chia sẻ.
Cũng theo ông Tân, chính phần diện tích nhà kính bị phá bỏ đó đã canh tác một số loại rau như rau sam, tầm bóp, tàu bay, cỏ ba lá... đều phát triển ổn định trong môi trường tự nhiên, kháng thể được các dịch bệnh hoành hành. Từ thử nghiệm này, ông Tân chuẩn bị tháo dỡ bỏ toàn bộ nhà kính trên phần đất 2.000 m2 còn lại để canh tác thuận tự nhiên.
Qua quan sát thực tế của phóng viên, tại vườn nhà của ông Tân có một không gian nhỏ để trưng bày sản phẩm rau sạch, các loại cây giống theo hướng thuận tự nhiên của gia đình. Đặc biệt, khách đến mua được thoải mái lựa chọn từng loại giống, tự bỏ tiền vào thùng gỗ theo kiểu... tùy tâm.
Nói về kiểu làm mà nhiều người cho là lập dị, ông Tân bộc bạch: "Rau quả, các loại cây trồng cũng như con người, khi môi trường không trong lành, không gian chật chội, ngột ngạt thì sẽ sinh ra bệnh tật, nhẹ thì dễ chữa trị, còn nặng xem như chết, nhổ bỏ. Nguồn cung rau sạch của gia đình ra thị trường chưa nhiều nhưng tôi hy vọng cách làm của mình sẽ làm thay đổi thói quen canh tác của nông dân Đà Lạt".
Cùng với khởi xướng phong trào tháo dỡ nhà kính, ông Tân cũng đang phối hợp với nhóm sinh viên nông nghiệp thực hiện dự án "Trả lại mảng xanh cho Đà Lạt", trong đó có việc tổ chức các phiên chợ nông sản sạch, qua đó khuyến khích nông dân làm nông sản sạch.
Ông Nguyễn Thanh Tân, người tiên phong tháo dỡ bỏ nhà kính để làm nông nghiệp thuận tự nhiên
Ông Nguyễn Thanh Tân, người tiên phong tháo dỡ bỏ nhà kính để làm nông nghiệp thuận tự nhiên
Diện tích cây phúc bồn tử của ông Nguyễn Văn Hà phát triển tốt, cho quả to nhờ canh tác hữu cơ
Diện tích cây phúc bồn tử của ông Nguyễn Văn Hà phát triển tốt, cho quả to nhờ canh tác hữu cơ
Nông dân hưởng ứng
Tương tự ông Tân, ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Minh Thọ Organic và Công ty TNHH Dâu rừng Langbian.F Đà Lạt - cũng chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên. "Làm nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều cái lợi, đó là sức khỏe cho người canh tác, môi trường dân sinh không bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại, cách sản xuất theo tự nhiên giúp cây trồng rất khỏe, sản phẩm an toàn" - ông Hà khẳng định.
Ông Hà cho biết trước đây gia đình ông canh tác 4,5 ha rau màu trong nhà kính. Đợt mưa lũ năm 2017 quật đổ hơn 2.000 m2 diện tích nhà kính trồng cây phúc bồn tử. Do thiếu tiền để làm lại nhà kính nên ông để trống phần diện tích này. Điều kỳ lạ là cây phúc bồn tử nhờ nắng gió tự nhiên nên phát triển nhanh, cho quả to, chất lượng vượt trội. Từ đó, ông Hà đập bỏ nhà kính, chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm bồn phúc tử của ông mau chóng được thị trường Nhật Bản chấp nhận. "Không cần dọn sạch cỏ, chỉ tỉa thưa thôi. Nhiều loài côn trùng sống trong cỏ sẽ tiêu diệt sâu bọ hại cây. Đã làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên nghĩa là cứ để chúng tự sinh tự diệt, mình sẽ giảm được tối đa lượng hóa chất diệt trừ can thiệp..." - ông Hà chỉ bí quyết.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có hơn 4.500 ha nhà kính, 1.200 ha nhà lưới. Trong đó, tại TP Đà Lạt có khoảng 2.800 ha nhà kính, chiếm hơn 60% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh, bao gồm 1.244 ha rau và 1.590 ha hoa. Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao việc ngày càng có nhiều nông dân tháo dỡ nhà kính để làm nông nghiệp sạch. Từ cách làm của ông Tân, ông Hà, nhiều hộ dân họ thấy việc trồng rau, hoa trong nhà kính không có lợi nên chuyển đổi mô hình.
Cũng theo ông Hưng, trước thực trạng làm nông nghiệp nhà kính còn phổ biến, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành tiêu chuẩn về nhà kính, trong đó có quy định về thiết kế và mật độ xây dựng nhà kính tối đa là 80%. Phần còn lại là diện tích cây xanh, đường nội đồng. "Cần đánh giá lại phát triển từng nhóm rau, hoa theo nhu cầu của thị trường để xác định những loại cây trồng đó có cần thiết phải xây dựng nhà kính hay không" - ông Hưng nói. 
Nên nhân rộng
Chuyên gia nông học, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh cho rằng vì lợi nhuận trước mắt dẫn đến phát triển nhà kính ồ ạt ở Đà Lạt, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động xấu môi trường. Việc Đà Lạt ngập, sạt lở một phần cũng do nhà kính bịt kín đất đai, chặn lối thoát nước tự nhiên. Sai lầm lớn nhất của con người là can thiệp quá nhiều vào thiên nhiên nên gây ra các hệ lụy thiên tai, sạt lở, lũ lụt. Canh tác nông nghiệp hữu cơ theo hướng tự nhiên là ý tưởng rất tốt và thân thiện với môi trường Đà Lạt, cần tuyên truyền cho người dân hiểu để nhân rộng mô hình này.
Đình Thi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.