(GLO)- Với gần 330.000 người dân sinh sống trên địa bàn 6 huyện, thị xã dọc sông Ba, nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất phát triển kinh tế xã hội-nhất là trong mùa khô cực kỳ lớn. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn nước sông Ba như hiện nay, giải pháp nào tối ưu để cứu lấy dòng sông và bảo vệ nguồn sống cho cư dân nơi đây?
Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên dòng chính của sông Ba đã hình thành hàng loạt công trình thủy điện như: An Khê-Ka Nak, Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A, Đak Srông 3B, sông Ba Hạ; các bậc thang dòng sông hầu như đã được khai thác triệt để nhằm xây dựng và cung cấp lượng điện năng lớn cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Một đoạn sông Ba bị ô nhiễm. Ảnh: Lê Nam |
Tuy nhiên, thủy điện phát triển nhanh thì các vấn đề “hậu thủy điện” cũng liên tục phát sinh như một hệ quả tất yếu khi môi trường, nguồn nước sông Ba bị tác động, can thiệp trái với quy luật tự nhiên. Hàng loạt các vấn đề như: cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô, ngập lũ vùng hạ lưu vào mùa mưa bão, môi trường sinh thái trên dòng sông bị ô nhiễm... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống-xã hội của 6 huyện, thị xã nằm dọc sông Ba.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, với số dân phát triển đến năm 2015 khoảng 362.000 người/6 huyện, thị xã (thị xã An Khê, Ayun Pa, huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa), thì nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt vào mùa khô cực kỳ lớn, cần cung ứng khoảng 16 triệu m3/năm; tổng lượng nước trung bình dùng cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, nông-lâm-thủy sản là 392.032.255 m3. Hiện tại, sông Ba cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nhân dân trong khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh.
Hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nằm ở khu vực hạ lưu sông Ba như Ia Pa, Krông Pa có tập quán sinh sống và sử dụng nguồn nước sông trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn lại cư dân các vùng chủ yếu sử dụng nước từ các nhà máy cấp nước của thị xã An Khê, các huyện: Kông Chro, Krông Pa. Sử dụng nguồn nước mặt sông Ba với lưu lượng khai thác 500 m3-1.700 m3/ngày đêm, thế nhưng với nhu cầu và tốc độ gia tăng dân số như hiện nay thì công suất hoạt động của các nhà máy nước không đủ đáp ứng. Trong khi đó, với lưu lượng nước không đạt 4 m3/giây và chất lượng nguồn nước sông Ba giảm sút nghiêm trọng như hiện nay thì trong tương lai không xa, người dân sẽ không có nước cho sinh hoạt và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tại cuộc họp gần đây nhất với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu dùng nước hạ lưu các hồ chứa nước trong mùa cạn trên lưu vực sông Ba, hầu hết đại diện các ngành, địa phương của tỉnh đã đề xuất cần trả lại dòng chảy tự nhiên cho sông Ba và giải quyết thỏa đáng nghịch lý “Thủy điện thừa nước nhưng người dân thiếu nước”.
Việc khai thác nguồn nước trên lưu vực sông Ba phục vụ cho thủy điện đã nảy sinh các vấn đề như phân phối và điều hòa nguồn nước trong mùa khô kiệt chưa được thỏa đáng, bởi các hồ đều được tích trữ nước nhằm phục vụ cho phát điện, thậm chí có thủy điện như An Khê-Ka Nak đã nắn dòng, chuyển đổi dòng chảy sông Ba sang lưu vực sông Côn, không có sự quan tâm đến dòng chảy tối thiểu cho khu vực hạ lưu. Công tác quản lý, vận hành các hồ chứa của thủy điện vẫn còn quá bất cập và thiếu thống nhất, do đó đã xảy ra tình trạng xả nước ra quá nhiều vào mùa mưa lũ, gây ngập lụt cho vùng hạ lưu nhưng lại xả ra quá ít vào mùa khô kiệt, ảnh hưởng đến lưu lượng nước trên sông.
Các địa phương như Krông Pa, Ia Pa cũng đã đặt ra vấn đề nếu không trả lại dòng chảy cho sông Ba thì đời sống người dân dọc lưu vực sông sẽ ra sao, khi cái gốc của mọi ngọn nguồn-thủy điện An Khê-Ka Nak còn chưa được giải quyết thấu đáo. Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Xuân Liên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mức lưu lượng xả nước 4 m3/giây đã quá lạc hậu và không đảm bảo cho nhu cầu sử dụng sinh hoạt, sản xuất phía hạ lưu. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan cần tính toán xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa, lưu lượng xả nước phù hợp trong mùa khô kiệt cho sông Ba, ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho người dân và phát triển kinh tế vùng hạ lưu.
Sơn Ca