Trả lại bản năng sinh tồn, voi nhà ở Đắk Lắk vui vẻ dạo bước giữa rừng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước đây, những con voi nhà ở Đắk Lắk chỉ biết oằn mình phục vụ khách du lịch vui chơi, giải trí... Hiện nay, ngày càng có nhiều voi nhà được tháo bỏ xiềng xích, trở về môi trường rừng xanh vốn dĩ là không gian quen thuộc của chúng.
Voi nhà sau khi được cởi bỏ xiềng xích đã có tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt để dạo bước, tìm kiếm thức ăn yêu thích ở giữa rừng xanh. Ảnh: Bảo Lâm

Voi nhà sau khi được cởi bỏ xiềng xích đã có tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt để dạo bước, tìm kiếm thức ăn yêu thích ở giữa rừng xanh. Ảnh: Bảo Lâm

Voi nhà ngày càng mập và khỏe ra

Một ngày đầu tháng 7, có mặt tại những cánh rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Vườn quốc gia Yok Đôn quản lý, chúng tôi chứng kiến nhiều con voi nhà vui vẻ, phấn khởi dạo bước giữa rừng xanh.

Con voi có tên gọi là H’Pló năm nay 50 tuổi, trước đây được ông Y Lư Êban, trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk chăm sóc. Hiện nay, con voi này không còn phải sống phụ thuộc vào môi trường do con người sắp đặt.

Nhìn voi H'Pló, chúng tôi cảm nhận được nó đang vô cùng hạnh phúc. Ngoài ra, chúng cũng tràn đầy năng lượng khi lội nước, tìm kiếm thức ăn... thỏa thích giữa rừng.

Ông Y Lư Êban cho biết: "Voi khi trở về rừng thì chúng như được nạp thêm năng lượng, tinh thần phấn chấn nên nhìn voi ngày một trẻ ra. Voi có thêm sức khỏe, còn nài voi như chúng tôi thì vẫn có thu nhập nên tôi hết sức phấn khởi, vui mừng".

Những con voi nhà thoải mái đi lại trong môi trường sống tự nhiên. Ảnh: Bảo Lâm

Những con voi nhà thoải mái đi lại trong môi trường sống tự nhiên. Ảnh: Bảo Lâm

Tương tự, anh Y Vi Siên Niê, trú xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là chủ voi nhà có tên là Thông Ngân (SN 1995). Theo anh Y Vi Siên Niê, trước đây, voi Thông Ngân cũng phải cõng khách, ăn uống thất thường nên sức khỏe yếu.

Năm 2018, anh Y Vi Siên Niê ký hợp đồng, đưa voi vào thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi. Từ đó, voi Thông Ngân được giải phóng, tự do tìm kiếm thức ăn tự nhiên trong rừng nên ngày càng mập và khỏe ra.

“Hiện voi Thông Ngân khỏe lắm. Suốt ngày, chúng được tự do ở trong rừng và tự tìm ăn thức ăn chúng thích. Mô hình du lịch thân thiện không chỉ giúp voi được giải phóng tự do mà còn tạo cơ hội cho tôi cũng như nhiều nài voi khác có thu nhập ổn định, không còn phụ thuộc hàng ngày theo nhu cầu của khách du lịch và phải bỏ tiền ra mua thức ăn cho chúng" - anh Y Vi Siên Niê chia sẻ.

Qua thực tế tại Vườn quốc gia Yok Đôn cho thấy, voi nhà được quản lý có kiểm soát. Tuy nhiên, khu vực chăn thả voi nhà tương đồng với voi hoang dã. Đó là những vùng rừng có nguồn thức ăn dồi dào, gần nguồn nước, kể cả trong mùa khô.

Mô hình du lịch thân thiện với voi ra đời phù hợp nên ngày càng thu hút được nhiều người dân và các hộ gia đình có voi tham gia vào dự án. Đến nay, dự án du lịch voi thân thiện đã tăng lên thành 9 cá thể.

Voi nhà khi trở về rừng thì có sức khỏe dồi dào. Ảnh: Bảo Lâm

Voi nhà khi trở về rừng thì có sức khỏe dồi dào. Ảnh: Bảo Lâm

Voi nhà được hoạt động theo bản năng tự nhiên

Theo Vườn quốc gia Yok Đôn, đến nay, đơn vị đã phối hợp với Tổ chức động vật châu Á thực hiện dự án: “Chuyển đổi mô hình du lịch có sử dụng voi nhà tại Vườn quốc gia Yok Đôn" được 5 năm (giai đoạn 2018 - 2023).

Qua đánh giá, những con voi nhà khi được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn thì đã chấm dứt được việc người dân dùng voi nhà để khách du lịch cưỡi hoặc làm trò mua vui... Do đó, voi không bị ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần.

Đặc biệt, khi voi nhà khi được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn, chúng được tự do di chuyển, hoạt động theo bản năng tự nhiên.

Voi khi vào đây thì không bị xích chân theo kiểu truyền thống của người dân địa phương nên không bị cản trở nghỉ ngơi, đi lại, tìm kiếm thức ăn ưa thích...

"Khi điều kiện sống được cải thiện rất nhiều thì tinh thần của voi đã trở nên thoải mái, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ của voi cũng sẽ được gia tăng" - ông Phạm Tuấn Linh - Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn lạc quan cho biết.

Có thể bạn quan tâm