TP.Buôn Ma Thuột sắp có 33 trạm dịch vụ xe đạp công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dự kiến bố trí 33 trạm xe đạp công cộng trong một đề án thí điểm nhằm cung cấp phương tiện thân thiện cho du khách và người dân khi trải nghiệm du lịch trên địa bàn.

Ngày 9.7, ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết UBND TP vừa ban hành quyết định triển khai đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhằm phục vụ người dân và du khách.

"Hiện một số trạm xe đạp công cộng đầu tiên đang được triển khai xây dựng, chúng tôi cố gắng có những trạm xe đưa vào vận hành sớm nhất vào dịp lễ Quốc khánh 2.9 tới", ông Nhật thông tin.

Theo đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trong 2 năm (2025 và 2026), TP.Buôn Ma Thuột dự kiến bố trí 33 trạm xe ở 4 khu vực. Trong đó, khu vực di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch của TP có 6 trạm; khu vực siêu thị, chợ, bệnh viện có 6 trạm; khu vực trường học 5 trạm và khu vực dọc các khu dân cư, trục đường chính 16 trạm.

Hội Doanh nhân TP.Buôn Ma Thuột giới thiệu dịch vụ xe đạp công cộng sẽ triển khai theo đề án của thành phố. Ảnh KIM BẢO

Hội Doanh nhân TP.Buôn Ma Thuột giới thiệu dịch vụ xe đạp công cộng sẽ triển khai theo đề án của thành phố. Ảnh KIM BẢO

Về phương thức triển khai, UBND TP đặt hàng Hội Doanh nhân TP.Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm trên tinh thần đồng hành cùng chia sẻ, hỗ trợ. Quá trình thực hiện, Hội Doanh nhân TP sẽ cung cấp phương tiện xe đạp công cộng thân thiện với mức phí thuê hợp lý, giúp khách du lịch và người dân cảm thấy thuận tiện khi trải nghiệm du lịch tại TP.Buôn Ma Thuột.

Theo đề án, đơn vị chức năng phối hợp quản lý địa điểm đặt trạm xe đạp công cộng phải đảm bảo không gian, an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè. Bố trí các điểm đặt trạm phải đảm bảo năng lực, cự ly tiếp cận hợp lý từ trạm xe đến các công trình công cộng, dịch vụ (các khu trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực chợ truyền thống, các điểm đến di tích văn hóa lịch sử, trường học, các trạm xe buýt…).

Các trạm xe sẽ sử dụng hệ thống ứng dụng vận hành (app) trên điện thoại thông minh, phục vụ cho người dùng trong việc vận hành dịch vụ xe đạp công cộng (với tính năng cơ bản: định vị, thanh toán, thuê, trả xe tại đúng vị trí và một số tiện ích kèm theo với mục đích thu hút người dùng thường xuyên sử dụng xe đạp như: nhắc nhở, đo lường quãng đường…)

Theo ông Trần Đức Nhật, việc triển khai đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn là cần thiết, tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa, du lịch của TP, thúc đẩy giao lưu văn hóa, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng TP.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.