Tôn vinh mẹ đỡ đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Một người mẹ đỡ đầu từng nói, trái tim người mẹ giống như chiếc la bàn, có thể “tìm thấy” nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi qua ánh mắt. Đó cũng là lý do mà dù không phải máu mủ ruột rà, nhiều phụ nữ đã đón trẻ mồ côi vào lòng, cho con mái ấm cùng tình thương yêu vô điều kiện.

Trái tim người mẹ

Dù đã là bà mẹ 3 con nhưng chị A Nhét (SN 1990, làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn quyết định nhận nuôi em A Uốn-một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở trong làng. Chị nhớ lại: “Cha mẹ A Uốn bị bệnh nặng, mẹ mất được 2 tháng thì cha cũng qua đời. Lần đầu tiên gặp A Uốn trong căn nhà nghèo xác xơ, mình ám ảnh bởi đôi mắt bơ vơ của con. Mình về bàn với chồng nhận nuôi thì chồng mình đồng ý ngay. Đón con về nuôi vừa mừng vì nhà có thêm con, vừa lo vì gia đình mình còn nhiều khó khăn lắm”.

Mặc dù đã có 3 đứa con gái nhưng chị A Nhét vẫn quyết định nhận nuôi A Uốn khi cha mẹ em lần lượt qua đời do bạo bệnh. Ảnh: Minh Châu

Mặc dù đã có 3 đứa con gái nhưng chị A Nhét vẫn quyết định nhận nuôi A Uốn khi cha mẹ em lần lượt qua đời do bạo bệnh. Ảnh: Minh Châu

Nhà không có ruộng rẫy, vợ chồng chị A Nhét phải làm thuê đủ thứ việc mới có tiền trang trải cuộc sống. Từ ngày nhận nuôi A Uốn, nhà thêm miệng ăn, thêm một đứa trẻ đang độ tuổi đến trường, vợ chồng chị A Nhét càng chăm chỉ lao động. “Mình đi làm suốt nên phân công 4 đứa con trông chừng lẫn nhau. Đứa con gái lớn của mình học trên A Uốn 2 lớp, có nhiệm vụ kèm cặp em học bài. A Uốn là đứa trẻ nhút nhát, ít nói, lại đang tuổi dậy thì nên mình gần con nhiều hơn, dặn dò con đủ thứ để tự bảo vệ mình khi ra ngoài xã hội. Mình thương nó như con đẻ, nhưng mình biết nó vẫn luôn cảm thấy thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác nên luôn phải động viên con cố gắng”-người mẹ trẻ trải lòng.

Năm học tới đây, A Uốn sẽ bước vào lớp 9, Trường THCS Nghĩa Hưng. Cô bé có nụ cười hiền khô kể về mẹ A Nhét đầy yêu thương: “Sáng nào mẹ cũng phát cho mỗi đứa 10 ngàn đồng để ăn sáng. Mẹ nói nếu con thích môn Tiếng Anh thì cố gắng học thật giỏi để thi đậu đại học. Vất vả đến mấy mẹ cũng ráng đi làm để nuôi con. Em rất thương mẹ!”.

Trái tim của “mẹ đỡ đầu” Trần Thị Huyền Trang-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cũng thổn thức khi lần đầu tiên gặp cậu bé Đinh Cương (SN 2010, thôn 5, xã Pờ Tó). Cương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ em không hiểu buồn bực chuyện gì đã thắt cổ tự tử năm 2018. Làng phạt gia đình 1 con bò bởi “cái chết xấu”. Bi kịch thêm chồng chất khi chỉ hơn 1 tuần sau, bố em cũng thắt cổ tự tử, bỏ lại đàn con bơ vơ. 4 chị em Cương về ở với ông bà ngoại tuổi đã cao, dựa vào nhau mà sống. Đinh Cương là em út và cũng là đứa trẻ duy nhất trong nhà được cắp sách tới trường.

Chị Trang kể: “Một buổi trưa nắng sau giờ tan làm, tôi đến nhà ông bà Đinh Cương để thăm hỏi, nắm bắt thêm hoàn cảnh gia đình. Trước mắt tôi là căn nhà vỏn vẹn chưa đầy 20 m2, bên trong không có tài sản gì đáng giá ngoài một số đồ dùng cá nhân tối giản nhất. Cương gầy gò, đen đúa, đầu không mũ, chân không dép đi chăn bò thuê dưới cái nắng 39 độ C cũng vừa trở về nhà. Là một người mẹ, nhìn thấy em, tôi xót xa vô cùng. Ở lứa tuổi của em, các bạn có đủ cha mẹ, được đến trường với thầy cô, bạn bè. Còn em đã phải tự kiếm sống, phụ giúp ông bà già yếu. Chứng kiến bữa trưa ăn vội của em chỉ có cơm trắng, canh lá mì, tôi thấy em đã sống một cuộc sống quá cơ cực nhưng chưa nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng. Tôi về xin ý kiến các chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã, mọi người đều thống nhất cao nhận đỡ đầu em”.

Bàn tay yêu thương của "mẹ đỡ đầu" xoa dịu nỗi đau của các con mồ côi. Ảnh: Internet

Bàn tay yêu thương của "mẹ đỡ đầu" xoa dịu nỗi đau của các con mồ côi. Ảnh: Internet

Cũng từ đó (năm 2021), hàng tháng, chị Trang cùng cán bộ Hội LHPN xã thường xuyên đến thăm hỏi, mang theo các nhu yếu phẩm cho cậu bé mồ côi. Vào đầu năm học mới, những người mẹ đỡ đầu cũng chuẩn bị đầy đủ sách vở, quần áo, vận động học phí để Cương tự tin bước vào năm học mới như bao bạn bè. “Chúng tôi còn thường xuyên liên hệ với thầy cô Trường THCS Lương Thế Vinh nơi em Cương đang học để nắm bắt tình hình. Được biết em rất ham học hỏi, đó cũng là món quà để chúng tôi tiếp tục cố gắng”-chị Trang nói.

Ngoài Đinh Cương, Hội LHPN xã Pờ Tó còn nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi cha mẹ cũng do vấn nạn tự tử. Các em được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của những người mẹ nuôi và dần quên đi nỗi đau mất mát.

Lan tỏa yêu thương

Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hoạt động nhân ái này của các cấp Hội đã chạm đến lòng trắc ẩn, lay động trái tim của cộng đồng. Chương trình cũng nhận được sự giúp đỡ âm thầm của rất nhiều cá nhân, đơn vị, Mạnh Thường Quân.

Vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh để có mặt trong chương trình tôn vinh “mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, nữ kiến trúc sư Hoàng Như Yến (SN 1992) chia sẻ: “Tôi sinh ra ở huyện Phú Thiện nhưng lập nghiệp khá sớm ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2021, khi dịch Covid-19 ở đỉnh điểm, tôi tham gia tuyến đầu chống dịch và chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát. Nhiều trẻ em bỗng chốc rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Vì vậy, qua sự kết nối của Hội LHPN xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), tôi đã nhận đỡ đầu một số trẻ mồ côi. Dù chỉ là chút kinh phí ít ỏi nhưng tôi hy vọng khi cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng, các em không đơn độc trong cuộc sống này”.

Từ sự kết nối của Hội LHPN xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), nữ kiến trúc sư Hoàng Như Yến (bìa phải) nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi của huyện đến năm các em 18 tuổi. Ảnh: Minh Châu

Từ sự kết nối của Hội LHPN xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), nữ kiến trúc sư Hoàng Như Yến (bìa phải) nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi của huyện đến năm các em 18 tuổi. Ảnh: Minh Châu

Không có thời gian và điều kiện gần gũi, chăm sóc các em, nữ kiến trúc sư 9X này nhận hỗ trợ 2 anh em ruột Rơ Châm Hưng, Rơ Châm Hị (làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai) 2 triệu đồng/tháng. Bé Hị mồ côi mẹ khi mới vừa 2 tháng tuổi. Ngoài ra, chị Yến còn nhận hỗ trợ 2 cặp song sinh ở xã Chư A Thai là bé Hà Ngọc Hoa và Hà Gia Huy (SN 2020, thôn Drok); bé Đinh Thái và Đinh Thương (SN 2020, làng Plei Trớ) với mức 500 ngàn đồng/tháng/cặp thông qua Hội LHPN xã.

Chị Yến hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xây dựng KPY chuyên về thiết kế nội thất tại TP. Hồ Chí Minh. Công việc khá bận rộn nhưng thỉnh thoảng chị vẫn có những chuyến thăm nhà. Quê hương không chỉ là nơi có cha mẹ, có ngôi trường giúp chị trưởng thành mà còn có những đứa con nuôi ngóng chờ “mẹ Yến”. Năm vừa rồi, vì công việc quá nhiều, ngày 30 tháng Chạp, chị mới từ TP. Hồ Chí Minh về Phú Thiện đón Tết cùng gia đình.

Chị kể: “Việc đầu tiên là tôi đi mua thịt, cá, bánh kẹo mang tới cho anh em Hưng, Hị đón Tết. Thử hình dung ngày Tết những đứa trẻ vui vẻ hạnh phúc, sum họp bên cha mẹ, còn các bé mồ côi đã bơ vơ, lạc lõng còn thiếu thốn trăm bề, các con sẽ tủi thân chừng nào. Trái tim người mẹ mách bảo không bao giờ sai cả. Hưng thấy tôi đến dù không nói gì nhưng ánh mắt con rạng rỡ niềm vui. Tôi hy vọng với sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, chương trình “Mẹ đỡ đầu” sẽ là điểm tựa giúp trẻ mồ côi vượt qua thiệt thòi của số phận để vững vàng trong hành trình tương lai”.

Hội phụ nữ Công an tỉnh tặng quà, thăm hỏi trẻ mồ côi do Hội nhận đỡ đầu. Ảnh: internet

Hội phụ nữ Công an tỉnh tặng quà, thăm hỏi trẻ mồ côi do Hội nhận đỡ đầu.

Ảnh: internet

Cũng bởi lòng trắc ẩn, chị Văn Thị Kim Phượng (SN 1968, TP. Pleiku) đã nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi mẹ do Covid-19. Chị cho biết, vợ anh Nguyễn Văn Tuấn Hải (12/2 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) qua đời khi con lớn mới 8 tuổi, con nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi. Thương những đứa trẻ sớm mồ côi mẹ, chị Phượng kết nối Câu lạc bộ Giàu lòng nhân ái tài trợ quần áo đi học cho 3 cháu đến năm 18 tuổi và hỗ trợ thêm cho các cháu thực phẩm, tiền mặt hàng tháng.

Viết tiếp những câu chuyện đẹp

Hiện toàn tỉnh có hơn 3.700 trẻ em mồ côi, trong đó có 319 trẻ (23 trẻ mồ côi do Covid-19) được các cấp Hội Phụ nữ trực tiếp nhận đỡ đầu hoặc kết nối các tập thể, cá nhân, Mạnh Thường Quân nhận giúp đỡ. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: Hơn 2 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò, trách nhiệm, đồng thời khơi dậy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của các tầng lớp phụ nữ Gia Lai tham gia công tác chăm sóc, giúp đỡ, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, tạo điều kiện cho các em được phát triển trong môi trường an toàn.

Ngày 28-6, Hội LHPN tỉnh tổ chức tôn vinh 22 mẹ đỡ đầu tiêu biểu toàn tỉnh nhằm tri ân những đóng góp của các chị cho hoạt động nhân ái này. Từ những cán bộ Hội Phụ nữ tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi để hỗ trợ phận nghèo mồ côi đến những cá nhân có điều kiện kinh tế nhận đỡ đầu trẻ tới năm 18 tuổi, dù ít hay nhiều, các chị trở thành những người mẹ có trái tim nồng ấm, nhân lên những hành động đẹp, những câu chuyện tử tế và nhân văn về tình mẫu tử.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng tặng bằng khen tuyên dương 22 mẹ đỡ đầu tiêu biểu toàn tỉnh. Ảnh: Minh Châu

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng tặng bằng khen tuyên dương 22 mẹ đỡ đầu tiêu biểu toàn tỉnh. Ảnh: Minh Châu

Nhằm viết tiếp những câu chuyện đẹp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội xác định tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để chương trình thực sự có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút được nhiều trái tim nhân ái cùng đồng hành. Các cấp Hội ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của chương trình. Đồng thời, tiếp tục tổ chức hoạt động giao lưu “Mẹ và con”, tôn vinh mẹ đỡ đầu, biểu dương những trẻ mồ côi có thành tích tốt trong học tập, khát vọng vươn lên. Sự nỗ lực của các em cũng chính là động lực để những mẹ đỡ đầu có thêm động lực cố gắng. Bên cạnh đó, các điển hình tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo đóng góp cho chương trình cũng được biểu dương, nhân rộng, từ đó thu hút thêm nhiều tấm lòng đồng hành để có thêm trẻ mồ côi được đỡ đầu, nuôi dưỡng.

“Ngoài ra, việc làm thường xuyên là các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do Covid-19 nói riêng và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn nói chung nhân dịp lễ, Tết, năm học mới để trẻ được sống trong sự quan tâm, đùm bọc và nỗ lực vươn lên. Hy vọng chương trình “Mẹ đỡ đầu” sẽ là nơi trao gửi yêu thương, chắp cánh cho trẻ mồ côi thêm nghị lực để trở thành công dân có ích cho xã hội”-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.

Yêu thương người già

Yêu thương người già

(GLO)- Vạn vật đều thay đổi theo thời gian. Người ta sinh ra, lớn lên rồi già đi là quy luật tất yếu. Nhưng tuổi già cùng với sự suy giảm về sức khỏe không khỏi khiến người ta lo lắng.