Tới tấp nhận chăm sóc những cây cảnh "bảo bối" này, nhà vườn Đắk Lắk lắm rủi ro nhưng trúng thì kiếm bộn tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không khí lao động tại các vườn cây cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tất bật không kém trước Tết. Người làm đất, người tỉa cành, người tạo thế… cho những cây cảnh chưng Tết được khách hàng mang đến gửi.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm theo nghề chăm sóc mai cảnh, chỉ mới hết Tết ông Đỗ Trọng Khánh (ở thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã nhận chăm sóc 1.000 gốc mai vàng lớn, nhỏ từ khách hàng thân quen. 
Tùy theo kích thước của cây vàng mà tiền công chăm sóc có thể dao động từ 700 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/cây/năm. Những cây mai lớn và thế độc giá chăm sóc có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

Ông Đỗ Trọng Khánh ở thôn 1 (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc cây mai vàng được khách hàng gửi. Ảnh: Hoàng Linh
Ông Đỗ Trọng Khánh ở thôn 1 (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc cây mai vàng được khách hàng gửi. Ảnh: Hoàng Linh
Ông Khánh chia sẻ: “Chăm sóc mai vàng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận thì cây mới có dáng, hoa đẹp và nở đúng dịp Tết. Công đoạn đầu tiên là phải ngắt bông, nụ trái còn sót lại trên cây, tỉa cành giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho mùa sau...".
Theo ông Khánh, đến tháng 5 âm lịch khi cây mai đã đủ lá thì bắt đầu bón phân cho cây ra mầm, làm bông, nuôi nụ đến tháng 10 âm lịch. Sau đó căn cứ vào tình hình thời tiết để canh thời gian lặt bỏ lá mai sao cho 23 tháng Chạp âm lịch các nụ mai tróc “vỏ trấu” là mai nở đúng Tết.
Cũng theo ông Khánh, cây mai tuy ưa nắng nhưng không có khả năng chịu hạn, do đó mỗi ngày vườn mai đều được tưới một lần để tránh tình trạng cây thiếu nước, chết rễ. Những khách hàng đem mai ký gửi, nếu rủi ro cây mai nhà mình không thể trổ bông đúng Tết sẽ được ông thay thế bằng cây mai đẹp có giá trị tương đương.
Theo một số nhà vườn chuyên nhận chăm sóc cây mai trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, Ea H’leo…, từ mồng 7/2 dương lịch (tức mồng 7 Tết) họ đã mở cửa nhận chăm sóc cây.
Nhưng phải đến ngày 10/2 mới đông người đem cây mai, cây đào, cây kiểng… đến gửi chăm sóc. “So với những năm trước, năm nay mọi người gửi cây mai muộn hơn, bởi ngoài lo lắng về giá cả thì một số vườn chăm mai cũng rất kén khách hàng. 
Vườn của tôi năm nay cũng chỉ nhận chăm cây mai của khách quen và những cây mai 5 - 10 năm tuổi”, anh Nguyễn Hữu Hoàn, chủ vườn cây Hồng Gấm (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nói.
Lý giải cho việc kén chọn của mình, anh Hoàn cho hay, tùy vào giá trị của cây mai để tính giá thành chăm sóc từ 20 - 25%/cây/năm, nếu tính ra trồng mới một cây mai để bán thì có khi còn lời hơn. 
Công việc chăm sóc cây cảnh sau Tết, đặc biệt là cây mai khá vất vả, rất dễ gặp rủi ro. Hơn nữa, khi nhận chăm sóc những cây mai có giá trị cao, nếu lỡ cây bị “chết yểu” thì không có mai cho khách chơi Tết, nhiều khách hàng không hiểu về đặc tính của cây mai đã quay lại bắt đền chủ vườn. 
Nhu cầu chưng cây mai vàng ngày Tết theo thế độc lạ của các “thượng đế” rất lớn, nên những chủ vườn ở các tỉnh thành khác đã dày công “ghép” rồi chăm sóc trong phòng lạnh, thêm phân bón hóa học, chất kích thích… quá tay để cây có thể trổ hoa đúng dịp Tết. 
Nếu như nhà vườn không tìm hiểu kỹ mà mang cây mai về chăm sóc trong điều kiện ở địa phương, cây rất dễ bị suy nhược, chết cây.
Sau Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Văn Hiệp (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đã thuê thêm 5 lao động để hỗ trợ thu gom các cây cảnh, cây mai vàng đã cho thuê hoặc khách hàng gửi chăm sóc.
Ngoài cây mai vàng, một số cây cảnh như: bưởi cảnh, quất cảnh, quất bonsai… cũng được nhiều gia đình mang đến gửi vườn chăm sóc, tạo thế mới. Rồi lại một chu kỳ vòng quay, chăm sóc, vun xới cây cảnh trong suốt một năm mới có được những cây mai, quất cảnh đẹp đến với mọi nhà khi Tết đến, xuân về.
Hoàng Ân-Thùy Linh (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm