Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ cuối: Vào nhà tù và con đường của tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2013, phát hành xong cuốn sách Yêu trên từng ngón tay, tự nhiên tôi có cảm giác muốn làm cái gì đó mới hơn.
Trà My đã vào nhiều trại giam và kết bạn tình thân với các phạm nhân - Ảnh: NVCC
Trà My đã vào nhiều trại giam và kết bạn tình thân với các phạm nhân - Ảnh: NVCC
Bởi bản tính tôi luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự, lúc nào cũng đầy ắp trăn trở về xã hội, về những người yếu thế xung quanh mình. Tôi luôn đặt ra những câu hỏi khi đất nước xảy ra những biến động, nhất là những gì liên quan đến đạo đức con người.
Tim tôi buốt đau với những nỗi đau nhân thế
Đến một ngày cuối tháng 12-2013, tôi tình cờ xem phóng sự của VTV làm về vụ án "cậu Thủy" giả danh nhà ngoại cảm để lừa rất nhiều thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt. Tôi vừa xem vừa khóc tức tưởi. Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với những con người như vậy? 
Sự tử tế của họ đâu rồi khi ngay cả cán bộ địa phương cũng tiếp tay cho kẻ lừa đảo tàn nhẫn kia? Cũng cùng thời điểm đó, những sự việc như hôi bia ở Biên Hòa, những vụ cướp giật, thảm sát liên tục xảy ra trong xã hội.
Tôi khóc như một đứa trẻ đang cầm miếng bánh trên tay thì bị ai đó cướp đi vậy. Miếng bánh của tôi mang tên "Niềm tin đạo đức!". Khóc xong, tôi ngồi vào bàn và viết ngay một bài mang tên "Người tử tế đâu rồi?". 
Ít ngày sau, tôi gửi báo Sài Gòn Giải Phóng, sau khi bài được đăng thì có bạn nào đó đã đưa lên webtretho. Và chưa đến một ngày, bài viết được hơn 5.000 lượt xem và hàng trăm bình luận của độc giả.
Tôi đã đọc hết tất cả bình luận. Đa số độc giả đều kể về những câu chuyện tử tế mà họ từng trải qua trong đời. Từ đó, tôi thầm nghĩ ngoài kia vẫn còn rất nhiều người tử tế. Và tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về một dự án đi tìm những điều tử tế, những con người tử tế để viết sách.
Nhưng đây lại là một thử thách lớn tôi đang tự đặt ra cho mình, vì chủ đề quá khó so với tầm hiểu biết của tôi khi dám viết những vấn đề nhạy cảm của xã hội. 
Thậm chí giọng văn lãng mạn ngôn tình, lê thê của tôi buộc phải biến mất và thay vào đó là giọng văn ngắn gọn, mộc mạc và thẳng thắn. Đây cũng là bản thảo khiến tôi phải sửa, phải bỏ đi rất nhiều, bởi không phải dòng văn học lãng mạn để tôi có thể tự do ngồi tưởng tượng.
Ngay cả việc đi thu thập tư liệu, phỏng vấn nhân vật từ Bắc chí Nam buộc tôi phải dành thì giờ ngồi đọc nhiều thể loại sách khác nhau để thu thập kiến thức và xem cách họ tư duy đa chiều từ một vấn đề nào đó trong xã hội. 
Cũng phải thú thật là nhờ viết tác phẩm này mà tôi luyện được tư duy đa chiều, kỹ năng phản biện và cả lòng vị tha khi nhìn sự việc, nhìn con người.
Tuy nhiên, đây cũng là cuốn sách đã lấy đi của tôi cả mồ hôi lẫn nước mắt rất nhiều. Những chuyến hành trình trong gần 4 năm của một người khuyết tật không hề dễ dàng khi điều kiện hỗ trợ cho người khuyết tật tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. 
Tôi nhớ có lần đặt trước vé máy bay giá rẻ cả mấy tháng trời và đến khi ra sân bay làm xong thủ tục, gửi xong hành lý, tôi leo lên xe lăn để nhân viên hỗ trợ đẩy vào phòng chờ thì cũng là lúc nghe thông báo máy bay bị hoãn 5 tiếng đồng hồ, đến 23h khuya mới cất cánh. 
Tôi ngớ người khi nghe thông báo, vì lúc đó cái xe đẩy của tôi đã được gửi hành lý, còn tôi thì không thể nào điều khiển được xe lăn của sân bay.
Năm tiếng đồng hồ ngồi ở phòng chờ với tôi là sự bất tiện khủng khiếp. Tôi nghĩ lúc xuống sân bay Hà Nội vào 1h giờ sáng, và lúc đó một cô gái khuyết tật như tôi không dám bắt taxi về khách sạn bởi quá nguy hiểm. 
Tôi lục danh bạ điện thoại cầu cứu người bạn chỉ mới quen trên Facebook. Anh Nguyễn Trung Kiên hồi đó đang công tác tại Hải Phòng, hứa nếu tôi ra Hà Nội sẽ dẫn tôi xuống Hải Phòng. 
Nghe tôi trình bày sự việc, anh Kiên bảo chờ ít phút để anh tìm phương án. Vài phút sau, anh gửi cho tôi số điện thoại một bạn học thời cấp ba của mình đang công tác tại sân bay. May mắn hôm đó lại trúng ca trực của anh.
Khi anh ấy đưa tôi về khách sạn thì lúc đó đã hơn 2h sáng. Sửa soạn xong, hơn 3h tôi mới được ngủ. Sáng hôm sau, tôi phải dậy sớm đi cùng nhà văn Nguyễn Văn Học lên tận Hòa Bình thăm một người bạn đã mất do bị bệnh xương thủy tinh. 
Rồi hôm sau tôi lại tự bắt xe về Hải Phòng xin gặp chị Phạm Thị Huệ, người được mệnh danh là "Anh hùng châu Á".
Cứ vậy, tôi đi hết tỉnh này qua thành phố nọ. Thế nhưng tôi không phải đi một mạch được, vì tôi cũng phải cần có công việc làm để đảm bảo thu nhập và có kinh phí di chuyển. Tôi may mắn được gặp nhiều thành phần trong xã hội, được nghe nhiều góc nhìn từ họ để qua đó tôi có thêm chất liệu viết. 
Phải thú thật tôi là người không có nền tảng kiến thức để có thể viết sắc sảo hơn. Nhưng đây là một tác phẩm tôi viết bằng chính trách nhiệm công dân của mình, nên có thể vì vậy mà lượng sách bán ra chạy hơn tất cả các tác phẩm trước đây của tôi.
Nhiều cuốn sách Tin vào điều tử tế của cô gái khuyết tật Trần Trà My đã đến với phạm nhân - Ảnh: NVCC
Nhiều cuốn sách Tin vào điều tử tế của cô gái khuyết tật Trần Trà My đã đến với phạm nhân - Ảnh: NVCC
Tôi muốn ôm các phạm nhân vào lòng
Điều tôi hạnh phúc nhất là khi nhận được sự đồng cảm từ độc giả và tôi được lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, để sau mỗi lần tái bản tôi có thể ngồi chỉnh sửa. Tôi rất biết ơn độc giả về điều này. Thậm chí có những bạn giáo viên ở các trường xa xôi cũng liên hệ mua sách, với ước mong làm sao cho học trò của mình tin vào những điều tử tế để làm người tốt.
Còn về lý do vì sao tôi muốn đem sách Tin vào điều tử tế đến tặng các trại giam? Thú thật tôi đã ấp ủ ý định được làm điều gì đó cho nhóm đối tượng phạm nhân từ rất lâu rồi, mà chưa nghĩ ra mình phải làm gì. Mà nó như một định mệnh khi tự nhiên năm 2009, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lần đầu gặp tôi đã phán một câu rằng: "Số con phải làm cái gì đó liên quan đến nhà tù". Lúc đó, tôi nghĩ thầm có khi nào với cái tính khí quá thẳng thắn của mình mà viết sai gì đó sẽ bị bắt vào tù không?
Đến năm 2012, khi tôi được tham gia khóa học về tư duy, tự nhiên trong đầu tôi có ước nguyện giá mà được đem khóa học này vào dạy cho nhóm đối tượng phạm nhân thì hay biết mấy. Vì đây là chương trình học giúp học viên được chữa lành những vết thương tâm hồn, từ đó họ sẽ sống tử tế hơn và cái ác, cái tham sẽ được tiết chế lại.
Sau khi bán hết sách in đợt 1 chỉ trong 10 ngày, trong thời gian chờ tái bản, tôi bỗng nảy ý tưởng đem cuốn sách này gửi tặng đến các nhà giam, và biết đâu tôi sẽ có cơ hội tiếp cận các bạn phạm nhân để được lắng nghe họ. Bởi quá trình viết cuốn này, tôi cũng mong muốn sẽ phỏng vấn một phạm nhân nào đó để viết bài về họ. Đúng là hành trình mang Tin vào điều tử tế đến các trại giam quả thật không hề dễ dàng. Có những trại giam tưởng chừng đã đồng ý nhận sách của tôi thì đến phút cuối không hiểu sao họ lại từ chối. Hoặc có những trại giam tôi phải chờ vài tháng đến cả năm trời, có dịp thích hợp họ mới đồng ý nhận sách và mời tôi về giao lưu.
Thú thật, mỗi khi vào trại giam, đứng trên sân khấu nhìn xuống những "khán giả đặc biệt", dường như tim tôi nghẹn lại. Tôi chỉ muốn chạy xuống dưới sân khấu để được ôm từng người. Họ dẫu cho có phạm tội thế nào thì bản thân họ vẫn là một con người và quan trọng hơn hết, bên trong họ luôn tồn tại những vết thương vô hình...
Tôi ước mong ngòi bút của mình đổi thay được phận người ở nơi ấy, như đêm tối nhất là lúc bình minh sắp lên...
Tại sao tôi là "thiên thần 6 chân"?
Về nghĩa đen, đôi chân yếu ớt của tôi phải cần sự trợ giúp của chiếc xe đẩy 4 bánh mới có thể đi lại được. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thích dùng đến xe lăn, vì chân tôi nếu không hoạt động là rất khó chịu, có khi còn mệt hơn cả việc phải đi lại nhiều.
Nhưng sâu xa hơn, tôi thích hình ảnh những thiên thần, vì họ lúc nào cũng đẹp và được bay lượn trên bầu trời. Tính cách tôi bay bổng, nhiều khi sống rất thiếu thực tế. Thậm chí tôi hay tưởng tượng về thế giới siêu nhiên nào đó mà ở đấy nhân loại sẽ có cuộc sống khác đi, sẽ không có bất kỳ điều tiêu cực nào xảy ra. Và tôi mơ mộng đến mức tưởng tượng một ngày sẽ có người ở thế giới ấy đến đưa mình đi...
Trái tim tôi luôn khát khao những điều tốt đẹp, thiện lương.
TRẦN TRÀ MY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.