(GLO)- “Tây Nguyên ơi, ai đã từng qua đó/Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau”. Có lẽ, không một người lính nào từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên thời chống Mỹ lại không nhớ 2 câu thơ này. Xuất hiện từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đến giờ, khi chiến tranh đã lùi xa, 2 câu thơ này vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên nhắc đến khi gặp lại nhau để nhớ về một thời gian khó.
Những câu thơ “để đời”
Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ là địa bàn ác liệt, xa hậu phương, vận chuyển khó khăn nên thiếu thốn về mọi mặt, nhất là lương thực, thực phẩm. Những năm ấy, ai đã từng một lần hành quân qua đây, không may gặp trận pháo kích hay bom B52 tọa độ, ăn vài bữa cơm độn mì với rau rừng, nếm vài trận sốt rét… sẽ hiểu phần nào về Tây Nguyên. Vậy mà, có những vị tướng và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên suốt từ năm 1964 đến 1975; phải chịu đựng những ngày “đói cơm lạt muối” nhiều lúc phải chia nhau từng cọng rau lát mì, những trận bom rơi đạn nổ khốc liệt của quân thù, những trận sốt rét liên miên, những đợt mưa rừng tầm tã với lũ đỏ ngầu cuồn cuộn cuốn phăng mọi thứ, những lần cây đổ, hổ phục… Khi ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Nhưng họ đã cùng nhau vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, bệnh tật, trên hết là chiến thắng chính mình, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Chính vì thế mà tình cảm đồng đội, sự yêu thương gắn bó trong chiến đấu ác liệt, gian khổ, hy sinh đã cô đọng lại để “suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau”.
|
Đại tá Đỗ Tiến Ruyện (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Phủ Chủ tịch năm 2010 (ảnh nhân vật cung cấp). |
Rất nhiều người yêu thích 2 câu thơ này. Hầu hết các tập hồi ký, cuốn sách, bài viết của các tướng lĩnh, tác giả viết về Tây Nguyên như “Ký ức Tây Nguyên” của cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên; “Tây Nguyên ngày ấy” của cố Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Cao Đài-nguyên Viện trưởng Viện Quân y 211; “Những kỷ niệm một thời khó quên” của Ban Liên lạc Bộ đội Đặc công K20 Tây Nguyên… đều đưa 2 câu thơ này vào. Các bài diễn văn, phát biểu của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ trong những cuộc họp mặt truyền thống bạn chiến đấu Mặt trận Tây Nguyên B3-Quân đoàn 3 trên mọi miền đất nước cũng thường mượn 2 câu thơ trên để nói về tình cảm của người lính Tây Nguyên. Có điều, không ai biết chính xác tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của chúng.
Một thời với Tây Nguyên
Tây Nguyên Tây Nguyên ơi, ai đã từng qua đó Suốt cuộc đời nhớ lại vẫn thương nhau Đào mài, nhặt gắm, hái rau Kim cang, môn thục, măng vầu… đắng cay Muỗi như trấu suốt đêm ngày Vắt xanh vắt đỏ từng bầy ngo ngoe Sốt gì mà sốt gớm ghê Rét run cầm cập, nóng kề lò nung Ngửi cơm đã thấy buồn nôn Ho dập, ho dồn, miệng đắng ngực đau Bước đi phải dắt dìu nhau Nằm lâu nhức đầu, ác tính mắt hoa… Tây Nguyên ai đã từng qua Trọn đời thương nhớ về ta với mình. ĐỖ TIẾN RUYỆN |
Cũng như nhiều đồng đội khác, từ lâu, tôi đã rất thích 2 câu thơ này và rất muốn biết tác giả là ai. Gần 20 năm công tác ở Cục Chính trị Quân đoàn 3 và ngay cả bây giờ, khi đã về hưu, mỗi lần có dịp gặp các tướng lĩnh, các đoàn cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa, tôi đều gợi hỏi về tác giả 2 câu thơ nhưng không có kết quả. Rất vui là mới đây, tôi được anh Bùi Lô, nguyên bác sĩ phẫu thuật Viện Quân y 1-bệnh viện tuyến cuối của Cánh Nam (Mặt trận Tây Nguyên) hiện ở Hà Nội báo tin rằng đã tìm được tác giả 2 câu thơ trên. Đó là ông Đỗ Tiến Ruyện ở phòng 106 nhà A7, khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Được anh Bùi Lô giới thiệu và cho số máy, tôi liền gọi và hồi hộp được chuyện trò cùng người mà bấy lâu mong gặp. Qua mạng xã hội Zalo, tôi thật sự bất ngờ khi trên màn hình là một khuôn mặt phúc hậu, hồng hào, tóc đã pha sương, bộ râu dài chấm ngực, rất đẹp lão. Tôi chào và giới thiệu sơ qua về mình cùng lý do cuộc gặp thì ông cười vui: “Rất hoan nghênh, đồng đội cần gì cứ hỏi”. Do đã biết đôi điều về tôi nên ông rất cởi mở. Tuổi đã cao mà ông vẫn khỏe, giọng nói sang sảng, đặc biệt rất minh mẫn, nhớ nhiều chuyện và thường điểm thơ, rất hóm hỉnh. Qua chuyện trò với ông, tôi được biết: Ông sinh năm 1930, quê ở xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 3-1954, đang là du kích xã, ông xung phong nhập ngũ vào Trung đoàn 50 (Liên khu 3). Từ đó, ông gắn bó với quân ngũ cho tới lúc nghỉ hưu. Ông lần lượt tham gia chiến đấu ở Thái Bình, Hưng Yên trong kháng chiến chống Pháp; ở Thừa Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, tiếp đó là chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Từng là chiến sĩ bộ binh, pháo binh rồi cao xạ, kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo chỉ huy chiến đấu, ông cũng rất yêu thơ và thích làm thơ, đã sáng tác hàng trăm bài, nhiều nhất là trong khoảng thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ.
Về 2 câu thơ “để đời” nói trên, ông thổ lộ: “Đầu tháng 4-1966, tôi là Trợ lý Tuyên huấn của Trung đoàn 101, được giao đi cùng Tiểu đoàn 1 vào khu vực Đức Thắng để chuẩn bị tham gia đánh Đức Cơ. Sau hơn 1 tuần liên tục hành quân vượt đèo lội suối, lại ăn uống kham khổ nên khi vào đến vị trí, phần lớn anh em bị sốt rét. Bộ phận tiểu đoàn bộ chỉ còn những lạng gạo cuối cùng dành để nấu cháo cho người ốm sốt, còn lại phải ăn rau rừng. Đêm đó, tôi nằm mãi không ngủ được, cứ nghĩ miên man, càng nghĩ càng thương đồng đội, nhất là những chiến sĩ trẻ đang sức ăn sức lớn mà phải chịu đói, bệnh tật hành hạ. Và tự nhiên trong trí óc tôi, những vần thơ lần lượt xuất hiện. Tôi vùng dậy lấy cuốn sổ tay ghi lại dưới ánh đèn dầu tự tạo, đến gần sáng thì hoàn thành. Bài thơ có tiêu đề “Tây Nguyên”. Hôm sau, tôi đọc bài thơ này cho anh em nghe. Mọi người đều đón nhận một cách hào hứng và truyền đọc cho nhau nghe. Được cổ vũ, tôi tiếp tục làm thơ để động viên đồng đội và cũng là tự động viên mình vượt lên khó khăn, chiến đấu thắng lợi”.
Ông cho biết, bài thơ này ông đã đọc trong liên hoan văn nghệ của đơn vị cuối năm 1966, có đồng chí Thái Bá Nhiệm-Phó Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Hội-cán bộ Tuyên huấn B3 dự. Sau đó, bài thơ được Báo Tây Nguyên đăng tải. Thời gian đã quá lâu, một số đồng chí dự buổi liên hoan hôm đó đã hy sinh, qua đời vì bệnh tật và già yếu nên rất ít người nhớ bài thơ này. Có điều, ông rất vui khi biết đến giờ 2 câu thơ mở đầu của bài thơ ấy vẫn được nhiều đồng đội nhắc nhớ.
Đầu năm 1967, ông được điều sang làm Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 40 Pháo binh. Ở đây, vừa chiến đấu, ông tiếp tục cho ra đời những bài thơ mới như “Núi thua”, “Pháo Mỹ-Pháo ta”, “Tiếng cười khiêng pháo”, “Dốc khỉ”, “Lá sắn”, “Sốt rét”, “Chiến sĩ Tây Nguyên”... Trong đó, bài “Núi thua” có những câu rất gợi, rất đắt: “Cõng pháo trèo dốc ngược đèo/Càng đi càng thấy như leo lên trời/Leo lên đến tận đỉnh đồi/Núi thua lính pháo núi ngồi dưới chân”.
Tháng 10-1967, ông được phân công đi cùng Tiểu đoàn 32 tập kích hỏa lực vào Sân bay Cù Hanh và Sở Chỉ huy Sư đoàn 4 Mỹ ở Pleiku, phá hủy một số máy bay và diệt nhiều địch. Sau trận đánh này, Trung đoàn 40 được lệnh tách thành 2, một nửa-trong đó có Tiểu đoàn 34 mà ông mới được giao phụ trách chính trị viên-được điều vào B2. Như vậy, chỉ tròn 2 năm (từ cuối 1965 đến cuối 1967) ở Tây Nguyên, ông đã có khoảng thời gian đủ để nếm trải những ác liệt, khó khăn, thiếu thốn của chiến trường. Đó chính là chất liệu quý giá giúp ông viết nên những bài thơ “một thời để nhớ”, trong đó có 2 câu thơ trở thành “truyền thống” của Bộ đội Tây Nguyên.
HÙNG TẤN