Tìm mật ong dưới… lòng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chớm mùa mưa, nhóm thợ “săn” mật ong ở Chư Prông phải chạy đua với thời gian khi bầy ong sắp cạn mật và bắt đầu tách đàn. Khác với những người tìm mật ong ở các cánh rừng già, những thợ “săn” ở đây chuyên tìm mật của loài ong làm tổ dưới lòng đất. Chỉ cần nhìn cánh ong chớp lên giữa ánh mặt trời, họ có thể đoán được đàn ong đang đóng mật ở phương nào.
Tìm ong dưới ánh mai
Sau nhiều lần hẹn, nhóm thợ “săn” mật ong ở Chư Prông cũng gọi điện báo cho tôi biết về buổi “săn” mật của loài ong chuyên làm tổ dưới đất này. Không như những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên khác, vùng rừng xã Thăng Hưng (huyện Chư Prông) có khá nhiều núi đá và đó cũng là nơi loài ong này trú ngụ nhiều hơn cả. Tờ mờ sáng, 2 thợ “săn” mật ong Nguyễn Thành Trung và Kpă Vin đã chờ sẵn với những đồ nghề đơn giản: cuốc, dao rựa và thùng đựng mật… Cùng với đó là 2 thợ “học việc” Kpuih Hip và Rơ Lan Thân. 5 giờ sáng, khi ánh mặt trời vừa le lói phía chân trời, chúng tôi ngược lên ngọn Chư Bôi và men theo con suối róc rách sau những cơn mưa đầu mùa. “Loài ong này chỉ kiếm ăn vào sáng sớm, khi ánh mặt trời lên cao thì chúng gần như rút hết về tổ. Vì vậy, sáng sớm chính là thời điểm có thể tìm được tổ của chúng dễ nhất”-anh Trung nói.
Vừa đi, nhóm thợ “săn” mật ong vừa giải thích: Tập tính của loài ong này là làm tổ trong những hang mối cũ. Đó là những chiếc hang nằm nghiêng bên sườn núi để tránh được gió lùa, mưa ướt. Vừa phát bụi dây leo chắn đường, anh Vin vừa cho hay, người Jrai vẫn gọi đây là loại ong Dơm Mră (ong mật làm tổ dưới đất) để phân biệt với Hni (ong mật làm tổ trên cây).
Mỗi vụ mật, những thợ “săn” ong có thể kiếm được cả chục triệu đồng từ bán mật ong. Ảnh: K.T
Mỗi vụ mật, những thợ “săn” ong có thể kiếm được cả chục triệu đồng từ bán mật ong. Ảnh: K.T
Ngược lên sườn núi, chếch về phía mặt trời đang lên, hai anh Trung và Vin khum bàn tay lại che trước trán để tìm cánh ong bay. “Đây là lý do vì sao mình phải đi sớm, bởi dưới ánh mặt trời đang lên, từ trên cao nhìn chếch xuống mình sẽ thấy tất cả, kể cả là những con côn trùng nhỏ bay phía trước cả chục mét. Những đôi cánh của chúng sẽ hiện rõ, lấp loáng dưới ánh bình minh. Thế nên thời gian thích hợp để tìm tổ loài ong này chỉ tầm từ 5 giờ đến 8 giờ sáng thôi!”-anh Trung chia sẻ. Học theo, tôi cũng khum bàn tay che ánh nắng dọi vào mặt, thấy tất cả mọi sinh vật bay giữa không trung đều hiện lên thật rõ như nhìn qua tấm kính hiển vi. Tuy nhiên, để phân biệt đâu là ong, đâu là côn trùng khác thì chỉ có thợ “săn” loài ong đất như anh Trung, anh Vin mới rõ được.
Hóa ra, mỗi thợ “săn” mật ong đều có bí quyết của riêng mình khi anh Trung và anh Vin hé lộ thêm: Những loài côn trùng kia thường bay chập chờn dưới ánh ban mai nhưng loài ong làm tổ dưới đất này thường lao vút đi nhanh theo một đường thẳng. Chỉ cần nhìn cánh ong lấp loáng lao vút xuống là có thể biết đàn ong đang làm tổ ở phương nào. Để có thể rèn giũa kỹ năng này, phải mất hơn 1 mùa lấy mật, cả hai anh mới thành thạo. “Có thể thấy loài ong này đang kiếm mật ngay bông hoa trước mặt nhưng phải nhìn cách bay của chúng mới có thể đoán được nơi làm tổ. Này nhé, sau khi lấy mật chúng sẽ bay lên, nếu cứ bay vòng vòng đi nơi khác là đang kiếm ăn và khá xa tổ của nó, còn con nào hút mật hoa xong bay lên rồi lao nhanh theo một đường thẳng là mình đang ở gần tổ nó rồi đấy”-anh Trung tiết lộ thêm bí quyết tìm ong.
Mong ước từ những cánh ong bay
Chợt anh Vin kêu lớn rồi lao nhanh. Chúng tôi liền bám theo. Ngay bên sườn núi, cạnh bờ suối che khuất dưới đám cỏ có tiếng vo ve và tiếng cất cánh đi kiếm ăn của loài ong. Quan sát những con ong đi kiếm ăn phía ngoài hang, anh Trung vui mừng: “Tổ này chắc chắn nhiều mật đây, vì cuối mùa nhưng chúng vẫn đi kiếm ăn”.

Theo kinh nghiệm, thời điểm thích hợp để lấy mật của loài ong này là tháng 4, tháng 5, khi trời vẫn còn nắng ráo và mùa hoa vẫn còn. Người tìm mật không chỉ đi quanh các vùng núi đá mà còn vào tận các vùng rừng khộp ở các xã biên giới của huyện Chư Prông, Đức Cơ. “Nơi đó, con người ít tác động nên vẫn còn rất nhiều loài ong đất này. Làng Nhau (xã Thăng Hưng) của mình có hơn 10 người chuyên tìm mật ong đấy! Sau mùa ong có người mua được cả xe máy đẹp mà”-anh Kpă Vin cho hay.

Khoác tấm áo ấm dày, anh Trung còn lấy thêm tấm màn trùm kín đầu và đeo đôi găng tay cao su, còn anh Vin thì vẫn không thèm mặc đồ “bảo hộ” với lý do: “Mình che mặt thôi để khỏi bị ong đốt làm… xấu trai! Chứ 2 anh em mình bị ong đốt nhiều nên giờ miễn dịch rồi. Còn anh thì tránh ra xa vì lúc đầu đàn ong tấn công dữ lắm”. Khi những nhát cuốc bổ xuống, đàn ong túa ra tìm kẻ xâm phạm; chúng bâu kín hai người thợ rồi quay qua tấn công cả tôi, buộc tôi phải tháo chạy ra xa. Cách mặt đất không xa khoảng 20-40 cm, những bánh mật vàng óng đã hiện ra.
Một lát sau, khi bánh mật đầu tiên được mang ra, 2 thợ “săn” gọi tôi quay trở lại. Anh Vin giải thích: “Lúc đầu, nó bay ra tấn công dữ dội nhưng khi mình bắt đầu lấy mật thì chúng sẽ không còn tấn công nữa mà vây kín lại để bảo vệ ong chúa”. 2 người nhẹ nhàng cắt từng bánh mật phần ngoài và để lại 2 bánh mật khác cho đàn ong. “Tổ này chắc được 2 lít mật đấy anh. Dù tổ nhiều hay ít thì mình vẫn phải để lại để chúng có cái ăn và còn sinh đàn nữa. Nếu mình lấy mật cẩn thận, có khi năm sau chúng lại quay về đây làm tổ”-anh Vin nói thêm. Cắt một miếng sáp ong chứa đầy mật, anh Trung mời tôi nếm thử. Khác với vị ngọt của mật ong làm tổ trên cây, vị mật của loài ong này đậm đà, ngọt thanh và lẫn mùi nồng nồng, âm ấm của đất rừng.
Lấp cửa hang lại cho đàn ong, chúng tôi tiếp tục men theo sườn núi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ bắt gặp thêm 1 tổ ong nữa. Thấy tổ đã bắt đầu có con non, 2 thợ “săn” ong lấp một phần cửa hang lại để đàn ong yên tâm phát triển đàn mới. anh Trung kể: “Ngày trước, rừng quanh khu vực này còn nhiều lắm. Hồi đó, mình có thể gặp 5-6 tổ mỗi ngày và lấy cả chục lít mật là chuyện bình thường nhưng giờ ít rồi, phải đi xa mới có”. Mỗi vụ mật, những thợ “săn” ong như anh Trung, anh Vin có thể thu cả chục triệu đồng bán cho các điểm thu mua trên địa bàn hoặc để lại cho những người quen. Tuy nhiên, đánh đổi lại là những buổi đi bộ có khi cả chục cây số qua rừng núi nhưng không gặp một tổ ong nào hay những buổi đầu bị ong đốt về sốt mê man nằm suốt mấy ngày liền.
Kể sâu hơn về cái duyên với “nghề” đi tìm ong mật, anh Trung tâm sự: Anh từng tốt nghiệp một trường cao đẳng có tiếng ở Đà Nẵng nhưng không bén duyên với nghề, sau đó trở về Thăng Hưng rồi tự làm giàu trên chính mảnh đất này. Trong tay anh giờ cũng đã có hơn 3 ha cà phê cùng ngôi nhà khang trang. “Nghề lấy mật ong này cũng chỉ phụ giúp mình thêm thôi. Đam mê của mình là tạo lập một kênh Youtube nhằm giới thiệu đến mọi người về cuộc sống, sinh hoạt cũng như các món ăn độc đáo của bà con nơi đây. Mình cũng dẫn thêm 2 thợ “học việc” là Thân và Hip, hướng dẫn để các em có thể tự đi lấy mật vào những mùa ong sau”-anh Trung mỉm cười tâm sự.    
Nghề “săn” mật của loài ong này tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với anh Trung, anh Vin và những người dân Jrai vùng này thì đây chính là nguồn thu nhập để lo thêm miếng cơm, manh áo hàng ngày. Anh Vin cười xòa giữa cái nắng đang lên trên đỉnh núi Chư Bôi: “Mỗi mùa mình cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng, phần thì để mua sắm vật dụng gia đình, phần gửi mẹ cất để sau này cưới vợ nữa!”.
 KHÁNH TOÀN

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.