(GLO)- Công tác điều tra dân số và nhà ở không chỉ góp phần phản ánh tình trạng dân số và nhà ở thực tế mà còn nói lên tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương. Từ đó, đưa ra những chính sách, kế hoạch dân số và nhà ở phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Ảnh: Lê Lan |
Gia Lai tuy không phải là tỉnh có tỷ lệ dân số cao so với toàn quốc nhưng sự phân bố dân cư không đồng đều cũng như tình trạng nhà ở bằng tranh, tre, nứa vẫn còn là những yếu tố khiến chất lượng cuộc sống vẫn chưa đạt mức cao, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014 là cơ sở để đánh giá các Chương trình quốc gia về dân số và nhà ở. Qua đó, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011-2015, xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2016-2020.
Xác định được tầm quan trọng trên, ngay từ đầu năm Cục Thống kê Gia Lai đã tích cực triển khai công tác lập bảng kê, chọn mẫu vẽ sơ đồ, tập huấn, tuyên truyền, chỉ đạo điều tra, thậm chí còn tổ chức các đoàn giám sát cùng các điều tra viên đi điều tra thực tế tại một số địa bàn đã chọn mẫu. Theo ông Nguyễn Văn Tuyên-Phó Cục trưởng Cục Thống kê Gia Lai thì Cục đang tiến hành điều tra ở 688 địa bàn trên toàn tỉnh, mỗi địa bàn điều tra là một cụm dân cư, trong đó chọn mẫu 30 hộ để điều tra (việc chọn mẫu, lập bảng kê dựa trên cơ sở cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 1-4-2009). Khác với những lần điều tra trước đây, cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014 yêu cầu nội dung khai phải do chủ hộ chính (thường là phụ nữ-P.V) kê khai, đặc biệt phần khai còn có thêm phần lịch sử sinh của phụ nữ… Đây được xem là phần khai khá “tế nhị” đòi hỏi điều tra viên phải được tập huấn kỹ càng cũng như sự khéo léo khi hỏi mới có thể thu thập những thông tin chính xác.
Các nội dung điều tra luôn được các điều tra viên viên hỏi cặn kẽ. Ảnh: Lê Lan |
Chị Phạm Thị Tranh-điều tra viên dân số của phường Thống Nhất (TP. Pleiku) chia sẻ: Công tác điều tra tuy đơn giản nhưng không phải chủ hộ nào cũng hợp tác, rất nhiều chị khi thấy tổ điều tra đến thì từ chối, bỏ đi, nhiều hộ phải đi tới đi lui vài lần mới gặp trực tiếp được chủ hộ chính. Có trường hợp phải nhờ tổ dân phố can thiệp... Dù vậy, chị em trong tổ đều động viên nhau cố gắng thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, hoàn thành kịp tiến độ, thời gian của cuộc điều tra.
Để gỡ khó cho những trường hợp trên, theo ông Nguyễn Văn Hưng-cán bộ Vụ Thống kê Dân số và Lao động giám sát điều tra tại tỉnh Gia Lai thì các điều tra viên trong phần giới thiệu cần nói rõ với chủ hộ chính là những thông tin khai trên sẽ được bảo mật để người dân yên tâm. Ông Hưng cũng yêu cầu các điều tra viên khi điều tra những hộ có phụ nữ độ tuổi từ 15 đến 49 bắt buộc phải gặp trực tiếp. Đôi khi chỉ sót 1-2 trường hợp thôi cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số liệu thống kê (vì đây là cuộc điều tra chọn mẫu) và tác động không nhỏ đến việc hoạch định chính sách sau này.
Tại địa bàn điều tra, công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra cũng được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, ông Vũ Đức Dũng-Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất (TP. Pleiku) cho biết: Bên cạnh việc tham mưu cho Đảng ủy về công tác điều tra, xây dựng kế hoạch và thành lập tổ điều tra, phường còn tích cực tuyên truyền như phát đĩa trên loa truyền thanh của phường; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố để việc điều tra thu thập thông tin được đầy đủ, chính xác.
Theo kế hoạch, cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014 sẽ diễn ra trong thời gian 20 ngày (từ ngày 1-4 đến ngày 20-4-2014). Kết quả cuộc điều tra sẽ là những thông tin quan trọng đánh giá về tình trạng dân số và nhà ở của tỉnh ta, là cơ sở để đưa ra những chính sách kinh tế-xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Lan