Tiết kiệm để nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Sê triển khai thí điểm năm 2017. Đến nay, mô hình này đã giúp nhiều chị em thay đổi nếp nghĩ, biết tiết kiệm trong chi tiêu để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
“Đã nghèo thì tiền đâu mà tiết kiệm”-ấy là suy nghĩ của hầu hết hội viên nghèo khi được vận động tham gia CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Điều đó khiến công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ các cấp Hội Phụ nữ huyện Chư Sê gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2017, sau một thời gian kiên trì tuyên truyền và khảo sát, lựa chọn những hộ hội viên dân tộc thiểu số tích cực, có khả năng tiết kiệm để làm mẫu, Hội LHPN huyện đã cho ra mắt 2 CLB tại xã Ayun và thị trấn Chư Sê. Các CLB sau đó đi vào hoạt động nền nếp, tổ chức sinh hoạt định kỳ có thông báo kết quả tiết kiệm của các thành viên. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo hội viên, phụ nữ bởi những hiệu quả thiết thực mà nó mang lại.
 Lễ ra mắt CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại xã Ayun. Ảnh: Hồng Thi
Lễ ra mắt CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại xã Ayun. Ảnh: Hồng Thi
Chi hội Phụ nữ làng Rung Răng 2 (xã Ayun) là đơn vị đầu tiên được chọn để xây dựng mô hình CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Câu lạc bộ hiện có 14 thành viên, đều thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh tự trồng lúa, bắp, mì, đậu phộng…, chị em còn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và tiết kiệm. Chị Đinh Hroi-Chi hội trưởng, kiêm Chủ nhiệm CLB-cho biết: “Với số tiền có được sau mỗi mùa thu hoạch hoặc làm thuê, các thành viên sẽ trích ít nhất là 500.000 đồng mỗi quý và ủy quyền cho Ban Chủ nhiệm CLB gửi vào Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để tiết kiệm. Khi có việc cần thiết trong gia đình, các chị sẽ báo cho CLB rút về chi tiêu nhưng không được rút hết số tiền đã gửi. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên CLB làng Rung Răng 2 tiết kiệm được gần 60 triệu đồng, trong đó có 2 chị đã rút với tổng số tiền 35 triệu đồng để làm nhà và mua bò chăn nuôi phát triển kinh tế”.
Tiếp nối hiệu quả mô hình ở làng Rung Răng 2, tháng 8-2018, Hội LHPN xã Ayun tiếp tục thành lập thêm CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại làng Tung Ke 1 với 15 thành viên. “Dù mới thành lập song đến nay, Ban Chủ nhiệm CLB này đã vận động các thành viên thực hiện tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng. Theo kế hoạch, mỗi năm, chúng tôi sẽ nhân rộng thêm 1-2 CLB tương tự ở các chi hội còn lại”-bà Phạm Thị Huệ-Chủ tịch Hội LHPN xã Ayun-cho hay.
Nếu như trước kia, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thường quan niệm làm bao nhiêu tiêu xài bấy nhiêu thì hiện tại, thông qua mô hình CLB, họ đã biết cách chi tiêu hợp lý hơn và dần hình thành thói quen tiết kiệm. “Tham gia CLB, mình được các chị hướng dẫn cách tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt và sản xuất; được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn phát triển kinh tế. Khi hiểu biết rồi, mình tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình cùng nhau tiết kiệm để có khoản tiền dư trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Hàng tháng, mình gửi tiết kiệm từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, đến nay đã được 8 triệu đồng. Tháng 7 vừa rồi, mình đã rút 1,5 triệu đồng để mua phân bón lúa, còn lại vẫn để dành đó”-chị Rơmah Len-hội viên chi hội Phụ nữ làng Ring Răng, xã Dun-phấn khởi chia sẻ.
Từ những hiệu quả rõ rệt như trên, mô hình CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” không ngừng được nhân rộng tại các chi hội Phụ nữ ở huyện Chư Sê, thu hút nhiều hội viên tham gia. Tính đến tháng 7-2018, toàn huyện có 13 CLB với 147 thành viên; số tiền tiết kiệm được là 139,2 triệu đồng. Trong đó, có 26 hội viên đã rút tiền tiết kiệm để mua các vật dụng trong gia đình như ti vi, bếp gas, tủ chén…; 16 chị sử dụng mua phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và 10 chị dùng trang trải chi phí học tập cho con. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình này, các cấp Hội Phụ nữ của huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động sao cho những hội viên nghèo còn lại hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc tiết kiệm và tự nguyện tham gia CLB; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của chị em.
Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.