(GLO)- Công trình Cảng neo trú tàu thuyền và luồng vào cửa biển Mỹ Á huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đã "ngốn" hơn 100 tỷ đồng của Nhà nước nhằm mục đích để tàu thuyền ra vào thuận lợi, phát triển hậu cần nghề cá. Thế nhưng, chỉ qua một mùa mưa bão, đến nay cửa biển bị cát bồi lấp như nguyên vẹn. Nỗi lo mất an toàn khi tàu ra vào bến tránh trú bão trong mùa mưa năm nay vẫn còn nguyên vẹn.
Sau bão số 7 cửa biển Mỹ Á lại bị bồi lấp nghiêm trọng hơn. Từng đụn cát nhô cao chắn ngang cửa biển. Tàu thuyền phải dạt theo một luồng nhỏ để ra khơi đánh bắt khi biển êm trở lại. Bà con lo ngại con đường tàu thuyền vào bến để trú tránh bão trong mùa mưa năm nay sẽ bị "đóng kín" bởi cát bồi.
Cát "đóng" cửa biển
Khoảng 9 giờ sáng, chưa phải giờ xuất bến, nhưng con nước thủy triều dâng cao, các chủ tàu đã vội vàng nổ máy đưa tàu đi. Lần lượt từng chiếc một ép sát vào luồng để tàu khỏi chệch lối rơi vào rào chắn cát ở cửa biển. Gần chục chiếc tàu may mắn thoát khỏi cửa nạn, đứng bên ngoài cửa biển neo đậu để đợi đủ đội tàu, rồi 3 giờ chiều mới xuất bến ra lộng đánh bắt.
Tranh thủ nước thủy triều dâng cao, tàu thuyền phải ép sát vào luồng ra ngoài cửa biển đợi hàng giờ mới xuất bến. Ảnh: Trường An |
Ông Nguyễn Xếch - Trưởng vạn thôn Hải Tân xã Phổ Quang, cho biết: "Cứ mỗi ngày tàu thuyền muốn ra vào bến phải đợi con nước thủy triều dâng cao. Từ lâu, ngư dân nơi đây đã nhẫn nại đưa tàu ra vào bến theo cách thích ứng với con nước thủy triều thế này. Nhưng mấy ngày qua, gió mùa đông bắc thổi tràn vào bờ, cát theo đó đã bồi lấp nghiêm trọng hơn. Luồng vào bờ chỉ còn khoảng 4 mét, độ sâu chỉ hơn 1,5 mét nước. Trong khi con tàu có chiều ngang đáy từ 3-4 mét rồi. Nếu đi không khéo là trịch lối, gẫy lắp máy, mất phiên biển như chơi". Chị Nguyễn Thị Nga ngồi trên doi cát - nơi cửa biển bồi, ngắm con tàu QNg 94400 - TS bị hỏng máy phía trong cửa, nói: Lúc 1 giờ chiều, nước thủy triều còn dâng, ổng (chồng chị) đưa tàu đi ra cửa mà phải đi theo cách xà lui để con tàu đỡ nặng hơn. Vậy mà tàu vẫn bị cát chắn, bể ron máy nên giờ phải để nằm bờ". Đây là chuyến biển đầu tiên của con tàu mới khi vợ chồng chị Nga tích góp từ nhiều phiên biển của con tàu cũ hơn 1 tỷ đồng để đóng tàu lớn. Ngày đầu vợ chồng chị Nga quyết định đóng tàu lớn là hy vọng đến cửa, cảng biển đã được xây dựng bề thế, tàu thuyền ra vào được. Nào ngờ công trình thì bàn giao mà tàu ra vào thì vẫn bị gãy lắp máy.
Ở cửa biển này, hình ảnh tàu bị gãy lắp máy khi ra khơi hoặc bị đỗ cá khi vào bờ đã trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân bao đời nay. Nhà nước đã đổ tiền tỷ xuống cửa biển này nhằm biến nỗi ám ảnh của bà con thành giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, giấc mơ đẹp thì không thấy mà nỗi ám ảnh cứ ngày tăng dần. Nhất là cả làng chứng kiến tàu của ông Hành Văn Hóa bị chìm và ông bị chết ngay cửa biển này trong mùa mưa năm ngoái. "Mùa mưa bão năm nay đã cận kề, cửa biển hiện lại bị cát "đóng" kín. Kiểu này tàu khó tránh khỏi cảnh gặp nạn khi ra vào tránh trú bão như những năm trước" - Nhiều ngư dân ở bến lắc đầu chua chát nói.
Huy động lực lượng tại chỗ
Bão số 7 vừa qua, mặc dù Quảng Ngãi không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng bão đã gây mưa lớn ở phía bắc của tỉnh. Hơn 100 tàu thuyền của ngư dân Phổ Quang vào bờ trú tránh bão thì có khoảng gần 50 chiếc có công suất dưới 45CV vào neo đậu trong vũng. Số còn lại phải neo đậu trên dòng sông Thoa. Rồi đợi khi nước thủy triều dâng cao lượng theo con nước vượt cửa biển bồi mới đưa tàu vào khu neo trú. Tính toán là vậy, nhưng vùng hạ lưu sông Thoa giáp cửa biển Mỹ Á là hợp lưu của 4 con sông (sông Trường, Trà Câu, Lò Bó và sông Thoa) nên lòng sông rộng và lưu lượng nước rất lớn. Tàu thuyền của ngư dân neo đậu trên sông thấy khu neo đậu bình yên mà không thể vào được. Ngư dân lại bức xúc về tiền tỷ đổ xuống cửa biển mà họ chẳng được một phút bình yên trong mùa mưa bão. |
Ông Nguyễn Xếch - Trưởng vạn thôn Hải Tân, chia sẻ: Trước nạn cửa biển bồi này, Vạn đã đề nghị lên các cấp có hướng giải quyết giúp ngư dân ra vào thuận lợi. Đến giờ đã kết thúc mùa biển mà vẫn vậy. Trước mắt, Vạn sẽ vận động bà con trong làng người cầm cuốc, xẻng ra cửa biển đào, xúc cát thông luồng. Nhưng, đây là giải pháp tạm thời để tàu ra khơi đánh bắt những chuyến biển cuối mùa. Còn để tàu ra vào tránh trú bão trong mùa mưa, cần phải có máy đào, máy múc nạo vét rộng luồng, chứ khi mưa bão xảy ra thì tàu chạy vào cùng lúc, và chạy gấp rút chứ đâu thể chậm rãi để lượng theo con nước được.
Ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang, cho biết: Sau khi công trình xây dựng cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á đưa vào sử dụng thì luồng vào chỉ phát huy hiệu quả có vài tháng đầu. Từ tháng 2-2012 (dương lịch) đến nay, lạch luồng vào cửa biển bị cát bồi lấp nghiêm trọng. Xã đã nhờ anh Thái Văn Thi - chủ bãi nề cửa biển Mỹ Á dùng xe cơ giới cào, múc cát chắn cửa biển. Tuy nhiên, hiện gió mùa đông bắc thổi về, lượng cát theo sóng bồi lấp vào cửa biển rất nhanh. Tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa bão đến. Xã đã đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm khảo sát, nạo vét thông luồng khẩn cấp cửa biển để tạo điều kiện cho tàu ra vào an toàn trong mùa mưa năm nay nhưng hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trung úy Lê Minh Trọng - Trạm trưởng trạm kiểm soát - Đồn biên phòng Phổ Quang, cho biết: Ở cửa biển Mỹ Á có 105 phương tiện thường xuyên ra vào bến bãi. Trước thực trạng cửa biển bị bồi lấp nặng, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Trạm đã chuẩn bị hơn 10 phương tiện có công suất lớn tại bến để khi tàu thuyền ngư dân gặp nạn sẽ kịp thời ứng cứu, tránh thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân.
Một mùa mưa bão nữa lại về, nỗi lo về mất an toàn cho tàu thuyền và ngư dân ra vào ở cửa biển Mỹ Á vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi tiền trăm tỷ của Nhà nước đã đổ xuống, giờ dần "tan biến" theo bọt biển.
Trường An