Thương đời phu nghêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đời phu nghêu gắn liền với những chuyến đi tìm bờ cát và con sóng. Có ngày đi một buổi phải trở về tay trắng vì không có bãi cào, có ngày dầm mình ướt đẫm suốt 5 tiếng chỉ được vài cân vỏ nghêu. Nhưng, nếu một ngày không ôm cào ra biển thì ngày đó cái đói sẽ chực chờ, nỗi lo thêm nặng gánh...
1. Chiếc mũ rộng vành đội cụp xuống mặt, bàn tay trầy xước vì đường cày, chị Hồ Thị Hương (39 tuổi) nở một nụ cười tỏa nắng thay cho lời chào khách lạ. Vợ chồng chị Hương rời quê nhà Nghệ An vào Vũng Tàu được trên 10 năm. Vốn liếng không có, mọi thứ đều không, họ chỉ có tấm thân nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm khiến cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Hai đứa con trai lớn của chị Hương bỏ học từ sớm, theo tàu ra khơi xa bờ, gia đình đỡ hai miệng ăn, đó là lý do chính chị Hương để con ra đời sớm, cũng chưa mong chúng kiếm được tiền mang về. 
Nhà bớt người, bớt nỗi lo cơm gạo, chị Hương chuyển sang làm nghề cào nghêu ở bãi biển được khoảng 2 năm nay. Trước khi chọn nghề này, chị Hương từng kinh qua đủ nghề, từ công nhân, buôn bán cho đến quăng chài bắt cá ngoài khơi. Khi đôi chân đã mỏi, đôi gối đã chùn và sức khỏe đã xuống, chị Hương quyết định gác mái chèo, chuyển sang nghề kéo nghêu. Công việc này không hề dễ dàng, trái lại còn tiêu hao sức khỏe rất nhanh nhưng bù lại, chị được ở gần con cái và quan trọng hơn là được tự do đi về.
 
Chị Hương uống vội ngụm nước lấy sức cho đợt kéo cào tiếp theo.
Chị Hương uống vội ngụm nước lấy sức cho đợt kéo cào tiếp theo.
Phía xa là chồng chị Hương, anh Phan Văn Cương (41 tuổi), người đàn ông nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn và chăm chỉ. Anh Cương chọn nghề này khi đã dọc ngang các làng biển, các ngư trường từ Tây Nam ra tới Trường Sa rồi miền Trung nắng lửa mưa dầm. Nói là đi biển nhưng anh Cương chỉ là một ngư phủ làm thuê, được trả công theo sản lượng đánh bắt. Chuyến nào đánh được nhiều thì hưởng nhiều, những chuyến dông gió mù khơi, tàu phải quay lại bờ thì tay trắng, không có tiền phụ vợ trang trải cuộc sống. Trận dịch năm 2021, tàu nằm bờ, anh Cương không có việc làm, xin đi phụ hồ được vài hôm lại hết việc phải nằm dài ở nhà chờ đợi. Chị Hương xuống biển cào nghêu, mỗi ngày được hơn một trăm ngàn, dần dà tay nghề lên, thu nhập cũng tăng theo. Chị bàn với chồng sắm lấy chiếc cào, cùng mình ra biển.
Gọi là cào nghêu nhưng thực ra đó là một mớ hỗn tạp đủ thứ, có cả vỏ ốc, vỏ sò và đủ loại sinh vật li ti trong đó. Sản phẩm này chỉ có thể bán cho các chủ vựa nuôi trồng thủy sản hoặc trang trại chăn nuôi gia cầm. Họ thu mua về, nghiền nát ra làm thức ăn, phân bón. Mỗi ký nghêu được mua với giá 4.000 ngàn đồng. Trung bình một ngày đi làm, hai vợ chồng chị Hương cào được hơn một tạ, thu về ngót 400.000 đồng, tạm đủ để trang trải cuộc sống, trả tiền thuê nhà trọ.
Mỗi ngày, chị Hương phải dậy lúc 3 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn cho hai đứa nhỏ ở nhà tự chăm nhau. 4 giờ, hai vợ chồng vác cào ra bãi trước của biển Vũng Tàu kéo nghêu cho tới 9 giờ thì lên bờ. Việc kéo nghêu phụ thuộc vào con nước, 5 giờ sáng là thời điểm nước ròng, những con sóng bị đẩy ra xa bờ để lộ trảng cát mênh mông bờ biển. Từ dưới lớp cát ấy, là hàng ngàn con nghêu, ốc nhỏ bé trồi lên. Chiếc cào được làm bằng những thanh inox, có răng cào sắc nhọn. Thân cào cao quá đầu người, ở giữa buộc một sợi dây thừng quấn qua lưng và vai của người cào. Phía cuối móc cào có một túi lưới để nghêu, sò, ốc chui vào.
 
Thân cào bằng inox rất nặng, đòi hỏi người kéo phải có sức khỏe tốt.
Thân cào bằng inox rất nặng, đòi hỏi người kéo phải có sức khỏe tốt.
Chị Hương xuống biển từ lúc con nước ngang bụng, cào cho tới khi nước xuống mắt cá chân, sau đó nước lại dâng lên ngang bụng mới lên bờ. Cứ thế, sáng và chiều đều đặn theo dòng thủy triều lên xuống, phu cào dầm mình ướt đẫm dưới nước.
Hầu như vợ chồng chị Hương không nghỉ ngày nào, dù là mưa hay nắng, dông tố hay bão bùng, biển động hay lặng yên. Chị Hương tâm sự: “Mình hiểu rõ quy luật của con nước nên không sợ bất trắc rủi ro. Ngày bão thì cào gần bờ, ngày nắng ra xa hơn một chút. Mưa hay nắng đều không quan trọng, vì ngày nào cũng ướt dầm dề toàn thân”. Những ngày biển Vũng Tàu vắng nghêu, vợ chồng chị Hương lại dong xe về biển Long Hải để cào. Biển Long Hải khách du lịch không đông như biển Vũng Tàu nhưng sóng mạnh hơn vì có nhiều ghềnh đá. Nghêu, sò, ốc, hến ở Long Hải có một đặc trưng riêng, là ăn rất sâu dưới lòng cát. Người cào phải gồng lưng, dùng hết sức đẩy tay cào. Những con sóng bạc đầu sau lưng, chồm lên đánh vào mạn sườn, lâu dần thành vết chai bầm tím trên cơ thể, đó là vết sẹo đặc trưng của người trong nghề. Chỉ vào mạn sườn, chị Hương tiết lộ: “Bên trong lớp áo này hằn rõ vệt bầm tím của dây thừng. Nếu ai không biết lại tưởng tôi bị đánh đập”.
 
Phu cào quấn một sợi dây thừng qua lưng để kéo.
Phu cào quấn một sợi dây thừng qua lưng để kéo.
Khi Long Hải thưa dần những vạt nghêu, các phu cào lại chuyển sang Long Điền, gần những làng chài để tìm kiếm bãi cào. Chị Hương cho biết, đời phu nghêu gắn liền với những chuyến đi tìm bờ cát và con sóng. Có ngày đi một buổi phải trở về tay trắng vì không có bãi cào, có ngày dầm mình suốt 5 tiếng chỉ được vài cân vỏ nghêu. Những ngày như thế, chị Hương lại tranh thủ vào làng chài xin phơi cá lấy công, anh Cương thì chạy xe đi khắp các bãi biển thăm dò bãi cào.
Nếu một ngày không ôm cào ra biển, thì ngày đó cái đói sẽ trực chờ, nỗi lo thêm nặng gánh. Nếu đến ngày không còn nghêu ở bãi biển nữa thì sao? Tôi hỏi. Chị Hương cười buồn, trả lời: “Tôi sẽ lên bờ làm “ô sin”, còn chồng đi phụ hồ. Nghề gì chúng tôi cũng làm được, miễn sao trời thương cho sức khỏe”.
2. Bình minh lên cao phía chân biển, những con sóng bắt đầu tràn vào bờ cát, nước triều đang dâng nhưng ông Lê Văn Hoài (60 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An, ở trọ tại P. Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) vẫn lầm lũi ôm cây cào, ráng thêm chút nữa cho đủ một bao nghêu tạp. Mỗi ngày, ông Hoài kiếm được khoảng 300.000 đồng tiền bán nghêu, mỗi tháng ông kiếm gần 10 triệu đồng. Thời buổi vật giá leo thang, mọi thứ đắt đỏ, số tiền đó không đủ để ông lo cho vợ và hai đứa cháu ngoại. Buổi tối, ông Hoài phải đi bốc cá để kiếm thêm thu nhập.
Ông Hoài được xem là phu cào có thâm niên nhất ở bãi biển Vũng Tàu và là một trong những người “khám phá” ra nghề cào nghêu đầu tiên. Xưa kia, ông cũng là một ngư phủ chinh phạt khắp biển khơi. Năm 2011, vợ ông bị tai biến nằm liệt giường, ông quyết định lên bờ. Ông biết đời mình sẽ không thể làm được những công việc trong phòng máy lạnh nên ông đã ôm chiếc cào ra biển. Hơn 10 năm trước, nghề cào nghêu bãi biển rất thưa thớt, nghêu cũng nhiều nên thu nhập của ông khấm khá. Du lịch phát triển, khách về tắm biển đông không hề ảnh hưởng đến công việc của phu cào nhưng từ đây, bắt đầu có những câu chuyện lắt léo của nghề.
Ông Hoài nhiều lần cào được đồ trang sức là vàng, bạc, thậm chí cả kim cương của khách làm rơi khi tắm biển. Có những thứ tìm được chủ nhân nhưng cũng có cái không tìm được nên ông Hoài đành giữ lại.
 
Phu cào làm việc chăm chỉ giữa bãi biển đông khách du lịch.
Phu cào làm việc chăm chỉ giữa bãi biển đông khách du lịch.
Năm 2015, ông Hoài cào được một chiếc nhẫn kim cương rất có giá trị ở bãi trước biển Vũng Tàu. Lúc ấy, ông không hề biết đó là kim cương, chỉ nghĩ nhẫn bạc thôi, sau khi tìm được chủ nhân, nghe họ bảo kim cương trị giá mấy trăm triệu khiến ông ngạc nhiên, họ đã cảm ơn ông 10 triệu đồng. Lần khác, ông cào trúng sợi dây chuyền 1 cây vàng nhưng chưa tìm được ai là chủ nhân. Ông mang về nhà cất kỹ, chờ xem ai hỏi thì trả lại. 3 ngày sau, có đôi vợ chồng lang thang dọc bờ biển, mắt không ngừng tìm kiếm một thứ gì đó. Họ hỏi ông Hoài cào nghêu ở đây có bắt gặp sợi dây chuyền vàng không. Ông Hoài gật đầu, bảo có. Họ reo lên, mừng phát khóc. Tuy nhiên, để trả lại đúng chủ, ông yêu cầu phải xuất trình được hóa đơn mua vàng. Cũng may, vợ chồng này còn giữ hóa đơn. Sau đó, họ đưa nhau ra một tiệm vàng ở gần đó kiểm tra và xác nhận đúng. Ông Hoài được cảm ơn 5 triệu đồng cùng cái nắm tay siết chặt.
Câu chuyện “cào vàng” của ông Hoài nhanh chóng lan tới dân trong vùng, thanh niên, trai tráng cũng sắm cào ra biển nói là cào nghêu nhưng họ chỉ nhăm nhe cào đồ trang sức đánh rơi. Nếu như ông Hoài, chị Hương thường chọn nơi vắng khách để cào thì nhóm thanh niên lại trực chỉ chỗ nào khách tắm biển đông vui nhộn nhịp, vì nơi đó sóng đánh mạnh, khả năng rơi đồ rất cao, họ kiếm ăn được. Dần dần, nghề cào bị đánh lận con đen giữa biển, người nào tinh mới nhận ra đâu là phu nghêu, đâu là phu vàng.
Ông Hoài nhiều lần cào được tài sản, nhiều lần trả về cho khổ chủ. Nhưng, có đôi lần tìm không ra người đánh rơi, ông mang về, khi thì chiếc nhẫn, khi lại đôi bông tai. Những thứ này mang bán cũng được vài triệu nhưng ông Hoài vẫn muốn giữ lại, vì biết đâu một ngày nào đó chủ nhân quay lại gặp được ông. Tháng 3 vừa rồi, ông Hoài cào được 1 chiếc nhẫn vàng, đó là nhẫn cưới có khắc 2 chữ cái là T và Đ cùng ngày tháng trong vành nhẫn. Chiếc nhẫn bị sóng biển đánh dạt vào trảng cát dài, nằm sâu dưới lớp cát nên chỉ có người cào nghêu mới xúc thấy. Ông vân vê chiếc nhẫn, nghĩ có lẽ chủ nhân sẽ buồn lắm, nó là kỷ vật vợ chồng mới cưới mà. Hôm sau, ông ra biển từ sớm, gặp một nhóm sinh viên đang tắm biển, ông bèn nhờ một em chụp chiếc nhẫn rồi đăng lên mạng xem thế nào. Ngày hôm sau, em sinh viên báo cho ông có người muốn nói chuyện về chiếc nhẫn. Qua điện thoại, ông xác nhận đúng là chủ nhân của chiếc nhẫn, họ đọc rõ số hiệu của nhẫn, còn chụp cả hóa đơn mua nhẫn trùng với ngày tháng và đọc thông tin vợ chồng cho ông xác minh.
Đôi vợ chồng trẻ là công nhân ở Bình Dương, lần đi Vũng Tàu tắm biển chính là kỳ trăng mật sau khi cưới của họ. Chiếc nhẫn không quá giá trị nhưng nó vô cùng ý nghĩa với họ, ông Hoài hiểu được điều đó. Ông nói vợ chồng không cần lặn lội xuống Vũng Tàu làm gì, ông sẽ gửi nhẫn trả về qua đường bưu điện. Vợ chồng trẻ rưng rưng cảm ơn và hứa có dịp về Vũng Tàu sẽ tới thăm ông.
Những năm tháng cào nghêu ở biển, ông Hoài không nhớ mình cào được bao nhiều đồ trang sức, người cảm ơn bằng tiền, người không, nhưng ông không mong chờ sự trả ơn, miễn sao ông cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. “Tôi không làm giàu bằng những thứ đó, vì nó không phải của mình. Biển cả cho tôi công việc này đã là điều may mắn nhất rồi”, ông Hoài bộc bạch.
Theo Ngọc Thiện (cand.com.vn)
 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.