(GLO)- Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Gia Lai đào tạo được 88 ngàn lao động (trong đó có 57 ngàn lao động nông thôn) nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 30%.
Dự kiến đến cuối năm 2012, sau khi Trung tâm Dạy nghề Đức Cơ và Trung tâm Dạy nghề Krông Pa được đưa vào hoạt động, số đơn vị dạy nghề trên địa bàn Gia Lai được nâng lên 14 cơ sở. Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề từng bước nâng cao, đến nay toàn tỉnh đã có 9 giáo viên trình độ thạc sĩ, 267 giáo viên trình độ đại học, 19 giáo viên trình độ cao đẳng, 172 giáo viên trình độ khác.
Công tác dạy nghề trong tỉnh thời gian qua có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành, chính quyền, các hội đoàn thể địa phương nên đã tăng nhanh về số lượng và đảm bảo về chất lượng, giúp cho người lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. |
Việc tổ chức đào tạo nghề linh hoạt xuống tận địa bàn thôn, làng phù hợp với yêu cầu nguyện vọng và phong tục tập quán của người lao động. Người học không phải đóng học phí, đào tạo tại chỗ và đã được trang bị những kiến thức cần thiết phù hợp để có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động không phân biệt trình độ văn hóa có nhu cầu học nghề đều được tiếp nhận vào học nghề. Đã có 70% lao động được đào tạo nghề tự tạo việc làm và tìm việc làm mới.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện xã hội hóa dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn chậm, cơ sở dạy nghề ngoài công lập còn ít. Tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn nặng nề. Một số cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước ban hành thực hiện chưa có hiệu quả như: Chế độ thu học phí theo quy định hiện tại không còn phù hợp, mức thu học phí không bù đắp được chi phí tối thiểu cần thiết cho hoạt động đào tạo. Việc triển khai thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn hạn chế. Một số địa phương chưa chủ động triển khai công tác tuyên truyền tư vấn học nghề cho lao động nông thôn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Hình thức tuyên truyền chưa phong phú hấp dẫn, chưa phát huy lực lượng hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền. Đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm 79,16% so với tổng số hộ nghèo).
Để đạt mục tiêu, đến năm 2015, toàn tỉnh đào tạo được 88 ngàn lao động (trong đó có 57 ngàn lao động nông thôn) nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 30%. Công tác dạy nghề của tỉnh cần đa dạng các loại hình dạy nghề với những nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung; các cụm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp. Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn (cơ sở dạy nghề công lập, tư thục, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông-lâm trường, vùng chuyên canh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở dạy nghề tiểu thủ công mỹ nghệ) theo nghề và cấp trình độ đào tạo đến năm 2020.
Mai Kim Tiến