Thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đèo Lò Xo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống cứu nạn như hộ lan lốp, đường lánh nạn... trên đèo Lò Xo đã cứu được 6 xe mất phanh đâm vào hộ lan và không bị lao xuống vực.

 

 Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Đèo Lò Xo đoạn qua huyện Đăk Glei. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)




Từ khi được đầu tư xây dựng hệ thống hộ lan lốp xe cũ, đường lánh nạn và hệ thống cảnh báo an toàn giao thông, đèo Lò Xo qua huyện Đăk Glei (Kon Tum) và huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã an toàn hơn rất nhiều, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra trên cung đường này.

Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei có chiều dài khoảng 27km, độ dốc dài, quanh co liên tục. Cung đường này luôn được xem là cung đường “tử thần” đối với các lái xe.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra, cung đường đèo này đã được ngành chức năng đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều giải pháp an toàn.

Theo ông Nguyễn Danh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III - Bộ Giao thông Vận tải), để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông trên đèo Lò Xo, được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ III đã tiến hành thực hiện dự án tăng cường an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Dự án đã thực hiện đầu tư 13 đoạn hộ lan bằng lốp cao su được lắp cố định trên những đoạn đường cong có độ dốc lớn ở đèo Lò Xo đoạn qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Hệ thống hộ lan mềm được xây dựng bằng phương pháp đóng trụ thép chôn sâu xuống 1,4m, sau đó những lốp cao su cũ có đường kính từ 60-110cm kết dính với nhau, bên trong đổ đầy cát trước khi gắn cố định vào trụ. Dự án được triển khai từ tháng 10/2018 đến 30/4/2019 đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Tổng Cục đường bộ Việt Nam còn lắp đặt thí điểm 1 camera giám sát nhằm quản lý, theo dõi, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông; xây dựng hai điểm dừng xe kiểm tra kỹ thuật tại Km1412+100 và Km1424+500 và tại đây, lắp đặt những đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, có 3 pano về sơ đồ đèo và những hình ảnh tai nạn giao thông, lưu ý khi qua đèo Lò Xo, bí quyết lái xe xuống đèo Lò Xo an toàn.

Trên đoạn đèo Lò Xo, đơn vị quản lý tiến hành sơn cụm gờ giảm tốc ngang đường với 21 khúc cua nguy hiểm để cảnh báo cho lái xe giảm tốc độ; bổ sung 48 biển cảnh báo, như yêu cầu đi số thấp, đoạn đường nguy hiểm, kiểm soát tốc độ... và lắp thêm hệ thống loa thông báo tại 2 vị trí Km1414+700 và Km1419+ 200, phát thanh 24/24 về những nội dung cảnh báo tai nạn giao thông khi lưu thông qua đèo Lò Xo...

Nếu như năm 2018, cung đường đèo Lò Xo xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, năm 2019 xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông nhưng không có trường hợp nào tử vong.

Đặc biệt hệ thống cứu nạn như hộ lan lốp, đường lánh nạn... đã cứu được 6 xe mất phanh đâm vào hộ lan và không bị lao xuống vực.

 

Theo Quang Thái (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.