(GLO)- Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 24-2-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương.
CSGT Công an tỉnh lập biên bản xử phạt vi phạm trật tự giao thông. Ảnh: Ngọc Quảng |
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự giao thông, tai nạn giao thông trên đường bộ gây chết người vẫn ở mức cao và nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.
Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tư an toàn giao thông còn hạn chế; việc phân công phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TƯ ngày 4-9-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông (gọi tắt là Chỉ thị 18), trong đó Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các nội dung, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu hằng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông.
Đoạn đường qua dốc Hàm Rồng (TP. Pleiku) thi công dở dang, bị ngập úng và gây nhiều khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Ngọc Quảng |
Huy động mọi tiềm lực xã hội và hợp tác quốc tế để đảm bảo các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Chỉ thị 18 đã đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông; được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp ủy đảng. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nhận thức rõ hiểm họa của tai nạn giao thông; xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.
Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn với nội dung trọng tâm là tập trung các nguồn lực để đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt cũng như xử phạt nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng ngừa sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Và sau cùng là nhiệm vụ và giải pháp để Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ, 5 năm tổ chức sơ kết và 10 năm tổng kết đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện. Được biết đối với Gia Lai, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tham mưu Chương trình hành động của Tỉnh ủy, để triển khai thực hiện Chỉ thị 18 trong thời gian đến.
Ngọc Quảng