Thư viện... trường làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, chính quyền cùng ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê đã quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, tăng cường đưa sách về các điểm trường làng nhằm tạo không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, giúp học sinh vùng khó dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức.

 

Những thư viện thân thiện

Bà Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An) cho hay: “Để tạo điều kiện cho nhà trường thiết lập một thư viện đa năng, tạo thêm không gian vui chơi, giải trí, đọc sách và củng cố kiến thức cho các em học sinh điểm trường 3 làng Nhoi, Hòa Bình và Pơ Nang, cấp ủy, chính quyền xã Tú An đã huy động mọi nguồn lực và sự chung tay góp công, góp sức của cha mẹ học sinh để xây dựng thư viện theo kiến trúc nhà sàn trong khuôn viên điểm trường”.

Thư viện tọa lạc trên diện tích 72 m2, vách và sàn nhà được làm bằng gỗ, mái lợp tranh. Bên trong thư viện được trang trí các hoa văn, họa tiết đặc trưng cùng các vật dụng gần gũi với không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt hàng ngày của các em như: quả bầu, rổ tre, ống nứa… cùng những chiếc bàn tái chế được gia công khéo léo, đẹp mắt. Thư viện được chia thành nhiều góc hoạt động như góc đọc, góc mỹ thuật, góc vui chơi… với tổng kinh phí xây dựng khoảng 120 triệu đồng, trong đó xã Tú An hỗ trợ 80 triệu đồng mua vật liệu và người dân đóng góp ngày công tương đương 40 triệu đồng.

 Thư viện trường làng giúp các em nhỏ vùng sâu có thêm cơ hội tiếp cận tri thức. Ảnh: N.M
Thư viện trường làng giúp các em nhỏ vùng sâu có thêm cơ hội tiếp cận tri thức. Ảnh: N.M



Theo bà Thúy, việc đưa thư viện thân thiện đi vào hoạt động sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng, cha mẹ học sinh để cùng chung tay tạo điều kiện cho các em được học tập, vui chơi lành mạnh. “Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, nhà trường đã tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tham gia hoạt động thư viện được 435 tiết, ngoài ra có 15 tiết học thư viện”-bà Thúy thông tin thêm.

Tại điểm trường làng Pốt (Trường Tiểu học Trần Phú, xã Song An) tuy chưa xây dựng được thư viện nhưng vẫn có rất nhiều hoạt động khuyến đọc. Bà Nguyễn Đặng Yến Linh-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú-chia sẻ: “Xác định tầm quan trọng của thư viện trong việc học tập và tiếp thu tri thức của học sinh, đặc biệt thông qua hoạt động đọc sách sẽ giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số giao tiếp và học tiếng Việt tốt hơn, thời gian qua, nhà trường đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, tận dụng khu vui chơi của trường và khoảng sân rộng dưới bóng cây để làm nơi đọc sách cho các em; hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vẽ tranh, tô màu, đọc truyện cho nhau nghe, đố vui, tìm hiểu văn hóa địa phương… Bên cạnh đó, hàng tuần, nhà trường đều bổ sung, luân chuyển các đầu sách từ điểm trường chính ra”.

Theo bà Linh, hiện nay, điểm trường làng Pốt có 3 lớp (2 lớp ghép và 1 lớp đơn) với tổng cộng 29 học sinh Bahnar. Thời gian tới, nhà trường sẽ áp dụng mô hình thư viện thân thiện tại điểm trường này; luân phiên thay đổi đầu sách, tạo nhiều không gian đọc cho các em học sinh, ngoài ra tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa để tạo hứng thú cho học sinh.

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

 

Ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê: “Ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã đang chú trọng xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn, trong đó thư viện đóng vai trò rất tích cực. Những năm gần đây, ngành đã đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất trường lớp cũng như thư viện ở các trường, đặc biệt tại các điểm trường làng. Những năm tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, gia tăng đầu sách và đa dạng về thể loại, tạo sự lôi cuốn, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, nhất là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”.

Thư viện trường làng không chỉ là nơi giúp học sinh tìm thấy các loại sách yêu thích mà còn là một không gian học tập đa chức năng với các góc hoạt động như: góc đọc, góc viết, góc nghệ thuật, văn hóa địa phương, góc trò chơi… thu hút ngày càng đông học sinh tìm đến vui chơi, đọc sách. Em Hồ Thị Như Ý (học sinh lớp 5 A4 điểm trường 3 làng Nhoi, Hòa Bình và Pơ Nang-Trường Tiểu học Lê Văn Tám) bộc bạch: “Từ khi có thư viện, sau mỗi tiết học chúng em thường đến đọc truyện, sách báo. Thông qua kiến thức trong sách mà chúng em biết cách tự chăm sóc bản thân, cách sắp xếp, trang trí góc học tập…”. Em Đinh Văn Hưng (cùng lớp) nhanh nhẹn nói thêm vào: “Còn bọn con trai chúng em thì biết cách ghép hình, làm các dụng cụ học tập, đồ chơi từ các vật liệu tái chế. Thư viện trang trí đẹp, không gian thoáng mát nên chúng em rất thích vào đây chơi, đọc sách”. Tương tự, em Đinh Văn Si (lớp 5A5 điểm trường làng Pốt-Trường Tiểu học Trần Phú) kể: “Nhà trường có tủ đựng rất nhiều báo thiếu nhi, truyện tranh và sách tham khảo hay. Ngày nào em cùng các bạn trong lớp cũng đến đó lấy mấy cuốn ra đọc. Thông qua việc đọc sách, em học hỏi được nhiều điều hay, giúp học tập tốt hơn”.

Theo nhận xét chung của các thầy-cô giáo giảng dạy tại các điểm trường làng, từ khi có hoạt động của thư viện, đến cuối năm học tốc độ đọc của các em tiến bộ rõ rệt so với đầu năm, nhất là học sinh đầu cấp. Trong cách giao tiếp, trò chuyện với thầy cô, các em đã mạnh dạn, tự tin, dùng từ phong phú hơn; đặc biệt là các em ham học, thích đọc sách, đọc truyện hơn.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.