Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; trong đó yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định rõ nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng dự án treo ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tập trung lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm
Theo Chỉ thị, thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, trong thời gian qua các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đang tổ chức lập các quy hoạch thuộc Hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, như việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được thực hiện tốt; công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn.
Vì thế, để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả; khắc phục các mâu thuẫn, chồng chéo trong sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố gửi kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2021.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy định và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trước ngày 1/12/2021; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, thời hạn hoàn thành trước ngày 1/9/2021.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của pháp luật để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; xác định rõ nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng dự án treo ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
 
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 chưa được phê duyệt mà các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 chưa thực hiện hết, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo quy định đồng thời chỉ đạo việc cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để tổ chức thực hiện.
Hoàn thành lập quy hoạch ngành có sử dụng đất
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch ngành có sử dụng đất; có trách nhiệm rà soát, xác định, đề xuất nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình, dự án có sử dụng đất của ngành, lĩnh vực theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025).
Thời hạn hoàn thành lập quy hoạch ngành có sử dụng đất trước ngày 15/8/2021.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025) trình Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia và trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện theo đúng quy định và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; chủ động phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Quốc hội để kịp thời trình Quốc hội Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025).
Về quy trình tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đảm bảo chính xác về số liệu, đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.