Thủ tướng đối thoại với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã toạ đàm đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân.

Cuộc đối thoại được tổ chức với sự tham dự của 14 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet Air... Cùng dự có đại diện của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT.

Nêu lý do cuộc tọa đàm, ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, năm 2017 đã đi 3/4 chặng đường, với sự đóng góp tích cực của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Năm 2017 nền kinh tế có những khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng.

"Chặng đường phát triển tới đây của đất nước còn dài. Cuộc gặp gỡ, đối thoại lần này, Chính phủ sẽ lắng nghe, đổi mới chính sách để khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển", ông Ngoạn kỳ vọng.

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 14 tập đoàn tham gia đối thoại đều là những tập đoàn thành công, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

“Chúng ta cần đặt vấn đề để làm rõ vì sao kinh tế tư nhân chưa phát triển, do môi trường kinh doanh, chính sách hay thuế khóa. Nhà nước phải làm gì để các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa,  đóng góp tốt cho đất nước. Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu vấn đề và bày tỏ mong muốn được nghe “nói thẳng, nói thật, trách nhiệm” của các tập đoàn kinh tế tư nhân.


 

Thủ tướng chủ trì cuộc đối thoại. Ảnh: VGP
Thủ tướng chủ trì cuộc đối thoại. Ảnh: VGP



Thủ tướng cho rằng, sự thành công của kinh tế tư nhân hiện nay so với trước đây là vĩ đại. Trước đây chúng ta chưa có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như hiện nay, cũng chưa bao giờ chúng ta khẳng định kinh tế tư nhân là động lực cho sự phát triển. Thực tế hoạt động ở Việt Nam hiện nay, gần nửa triệu doanh nghiệp thì cơ cấu doanh nghiệp tư nhân chiếm vị thế tuyệt đối về số lượng với 96,7%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 2,6%, còn doanh nghiệp Nhà nước chỉ 0,5%.

“Nhiều tập đoàn tư nhân rất thành công, nhưng điều muốn nói ở đây là trong 496.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà tư nhân chiếm phần lớn thì doanh nghiệp có quy mô, vốn liếng khá lại chưa tới 10.000; còn lại 466.000 là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Làm sao để không chỉ dừng ở 10.000 doanh nghiệp có quy mô vừa mà phải nhiều tập đoàn tư nhân Việt Nam lớn mạnh.  Vấn đề ở đây là gì, nút  thắt đó là gì?” - Thủ tướng nêu câu hỏi.

Chính phủ, Thủ tướng, Tổ tư vấn của Thủ tướng, các bộ ngành liên quan muốn đối thoại với các tập đoàn kinh tế tư nhân để các tập đoàn đưa ra những vấn đề mà họ cho rằng là nút thắt nhằm phát triển kinh tế tư nhân. “Chúng ta đang triển khai Nghị quyết TW lần thứ 12, nhất là Nghị quyết TW 5 về kinh tế tư nhân. Tiếng nói của các tập đoàn là cơ sở để Chính phủ hình thành nên chính sách, định hướng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhà nước phải làm gì, bản thân DN phải làm gì từ vấn đề thuế khóa, lao động, chính sách đến bảo vệ môi trường sống của người dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Dù đối thoại nhưng Thủ tướng muốn nghe doanh nghiệp là chính để tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất  cho doanh nghiệp nhân phát triển đúng hướng, để ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh, cùng với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh tế. “Vai trò của những người dẫn dắt, đóng góp cho nền kinh tế rất quan trọng.  Vì các tập đoàn kinh tế chiếm tỷ trọng tổng tài sản không phải là cao nhưng đóng góp vào GDP tới 45%, chiếm vị trí rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó Thủ tướng cho rằng, phải làm gì để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế là câu hỏi đặt ra phải có câu trả lời. “Tôi sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn một cách chân thành nhất”, Thủ tướng bày tỏ.

Phan Thảo (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.