Thu trăm triệu nhờ nuôi hươu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Dương Ngọc Tuấn (SN 1992, tổ 4, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) khởi nghiệp nuôi 21 con hươu sao lấy nhung và sinh sản, thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Xây dựng chuyên ngành giám sát tại Nha Trang, anh Tuấn trở về quê hương công tác tại Nhà máy Nước thị xã Ayun Pa. Công việc tuy không quá vất vả nhưng thu nhập từ đồng lương thấp khiến anh luôn trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tham quan, học hỏi mô hình nuôi hươu ở nhiều nơi, thấy phù hợp với điều kiện gia đình mình nên anh để tâm học hỏi.
Năm 2017, anh Tuấn gom góp được 35 triệu đồng mua 2 con hươu đực và 1 con hươu cái về nuôi thử nghiệm. Sau 2 năm chăm sóc, hươu đực bắt đầu cho nhung, hươu cái sinh sản lứa đầu. Thấy đàn hươu phát triển tốt, không dịch bệnh, anh Tuấn quyết định vay mượn tiền để đầu tư chuồng trại và mua thêm 16 con hươu nữa, mở rộng chăn nuôi. Đến nay, đàn hươu của anh nâng lên 21 con, trong đó có 8 con hươu đực lấy nhung, 7 con hươu cái sinh sản và 6 con hươu con với diện tích chuồng nuôi khoảng 45 m2.
Anh Tuấn chia sẻ: Hươu là loài động vật quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh nhằm đảm bảo ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Với chuồng nhốt, anh xây dựng khoảng 3 m2/chuồng, nền láng xi măng, xung quanh rào lưới B40 đủ cao để hươu không nhảy qua được; vừa đảm bảo sự thông thoáng vào mùa nóng, ấm áp vào mùa lạnh. Bên ngoài chuồng anh trồng nhiều cây xanh đảm bảo không gian mát mẻ, tự nhiên. Chuồng trại được quét dọn thường xuyên giúp hươu phát triển khỏe mạnh và phòng bệnh.
Chuồng trại nuôi hươu được anh Tuấn thiết kế rộng rãi, thoáng mát, có nhiều cây xanh giống môi trường tự nhiên. Ảnh: Vũ Chi
Chuồng trại nuôi hươu được anh Tuấn thiết kế rộng rãi, thoáng mát. Ảnh: Vũ Chi
Theo anh Tuấn, thức ăn của hươu tương đối dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, lá cây, thân cây chuối, bắp, đậu phộng và các loại củ, quả như khoai, cà rốt, mít, bắp… Hàng ngày, anh thái nhỏ thức ăn trộn với cám gạo. Mỗi con hươu chỉ ăn 3-4 kg thức ăn/ngày (chia làm 3 bữa sáng, trưa và tối). Riêng buổi tối cần lượng thức ăn nhiều hơn. Với những con hươu đang trong thời kỳ sinh sản và cho nhung, anh bổ sung thêm thức ăn giàu tinh bột và củ quả tươi. Hươu cho nhung và sinh sản anh nhốt riêng để thuận tiện chăm sóc, đồng thời tránh cho hươu đực húc nhau làm tổn hại nhung cũng như ảnh hưởng đến hươu cái mang thai.
Thông thường, hươu cái đẻ 1 con/năm. Hươu con sau gần 1 năm chăm sóc, anh Tuấn bán với giá khoảng 20 triệu đồng/cặp. Với hươu non, lượng nhung thu được lần đầu tiên chỉ khoảng 100-200 gram/con, trong khi hươu trưởng thành thu khoảng 600-700 gram/con. Mỗi năm, hươu đực cho cắt nhung 2 lần và thời gian cho nhung kéo dài khoảng 20 năm, nếu được chăm sóc tốt. Với giá bán nhung hiện tại 1,7-1,8 triệu đồng/lạng, bình quân mỗi năm, anh Tuấn thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện nay, lượng nhung từ đàn hươu của gia đình anh không đủ để bán vì hầu hết đã được bạn bè, người quen đặt mua từ trước.
Ông Đào Nhật Nam-Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa-cho hay: “Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của anh Dương Ngọc Tuấn có quy mô lớn nhất thị xã Ayun Pa. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi mô hình này. Trên cơ sở đó sẽ tập hợp các hộ nuôi hươu xây dựng tổ hội nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hội cũng vừa hỗ trợ 50 triệu đồng cho 2 hội viên tại phường Hòa Bình để phát triển nuôi hươu lấy nhung”.
 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.