Thông tin 2 loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm cho trẻ dưới 5 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các kết quả nghiên cứu thử nghiệm về hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine Pfizer và Moderna với trẻ dưới 5 tuổi rất hứa hẹn, nếu thuận lợi có thể tiến hành tiêm phòng cho nhóm trẻ này từ 20/6 tới.

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/ BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/ BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ là Moderna và Pfizer gần đây đã lần lượt công bố hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm thử nghiệm hai loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ dưới 5 tuổi.
Kênh truyền hình CNN ngày 24/5 đã đăng tải bài phỏng vấn Tiến sỹ Leana Wen, Giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington nhằm cung cấp các thông tin chi tiết về hai loại vaccine nói trên.
Tiến sỹ Leana cho biết Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioNtech của Đức ban đầu đã thử nghiệm 2 mũi tiêm với liều lượng 3 microgram ở nhóm trẻ từ 6 tháng-5 tuổi.
Liều lượng này chỉ bằng 1/10 so với liều tiêm vaccine của người lớn (30 microgram), đồng thời ít hơn 1/3 so với liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi (10 microgram). Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hai mũi tiêm này an toàn, song không tạo ra đủ lượng kháng thể phòng bệnh.
Đó là lý do tại sao Pfizer/BioNtech bắt đầu nghiên cứu mũi thứ ba nhằm tăng cường "hàng rào" bảo vệ cho nhóm trẻ từ 6 tháng-5 tuổi, tương tự như các nhóm tuổi khác tiêm tối thiểu 3 mũi vaccine.
Theo kết quả thu được sau một tháng tiêm thử nghiệm mũi ba vaccine của Pfizer/BioNtech trên gần 1.700 trẻ ở độ tuổi này trong giai đoạn biến thể Omicron chiếm hầu hết các ca mắc COVID-19, lượng kháng thể sản sinh sau tiêm tương đương với lượng kháng thể ghi nhận ở nhóm tuổi 16-25.
Pfizer cũng cho biết thêm rằng mũi ba vaccine ngừa COVID-19 của hãng đạt hiệu quả phòng COVID-19 có triệu chứng hơn 80% đối với trẻ từ 6 tháng-5 tuổi. Tuy vậy, đây chưa phải là kết quả cuối cùng và hãng đang vẫn tiếp tục các thử nghiệm chuyên sâu hơn.
Liên quan tới vaccine của Moderna, Tiến sỹ Leana nêu rõ hãng này đã thử nghiệm loại vaccine với hai mũi cơ bản. Liều lượng tiêm là 25microgram, bằng 1/4 so với liều tiêm của người lớn (100 microgram).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hiệu quả bảo vệ của vaccine này đối với trẻ từ 6 tháng-5 tuổi tương đương với hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm tuổi lớn hơn. Cụ thể, hai mũi vaccine của Moderna đạt 51% hiệu quả phòng bệnh có triệu chứng ở trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi. Tỷ lệ này là 37% đối với nhóm trẻ từ 2-5 tuổi.
Các nghiên cứu của Moderna cũng chỉ ra rằng vaccine của hãng an toàn và cũng sinh phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ nhỏ tuổi, tương tự như đối với các nhóm tuổi lớn hơn.
Theo Tiến sỹ Leana, các kết quả nghiên cứu nói trên của cả Pfizer và Moderna đều vô cùng hứa hẹn. Bà cho biết hiện Moderna đã đệ trình lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) xem xét các kết quả thử nghiệm.
Tiến sỹ Leana cũng bày tỏ kỳ vọng Pfizer sẽ sớm thực hiện bước đi tương tự Moderna.
Trả lời câu hỏi về thời gian tiêm phòng, Tiến sỹ Leana cho biết thêm FDA vừa thông báo triệu tập một cuộc họp của ủy ban cố vấn vào ngày 15/6 tới.
Trong khuôn khổ cuộc họp này, các quan chức nhiều khả năng sẽ thảo luận về việc tiêm vaccine của Moderna cũng như Pfizer cho các nhóm trẻ nhỏ tuổi nói trên.
Tùy thuộc vào kết quả cuối cùng, nếu các cố vấn khuyến nghị cấp phép cho hai loại vaccine này, FDA có thể sẽ phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngay sau cuộc họp và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ sẽ sớm ban hành các hướng dẫn phù hợp.
Nếu thuận lợi, dự kiến, việc tiêm phòng cho trẻ có thể được tiến hành sớm nhất vào tuần bắt đầu từ ngày 20/6 năm nay.
Trong trường hợp cả hai loại vaccine được cấp phép, các bậc phụ huynh sẽ có thêm sự lựa chọn giữa việc tiêm vaccine loại ba mũi của Pfizer hoặc vaccine loại hai mũi của Moderna.
Tiến sỹ Leana cũng cho rằng cha mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng giúp con cái họ tránh nguy cơ mắc COVID-19. Theo bà, có rất nhiều phương pháp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ, chẳng hạn như tổ chức các hoạt động đông người ở không gian ngoài trời thay vì các không gian trong nhà.
Trường hợp các sự kiện diễn ra trong nhà, các bậc phụ huynh nên đề nghị mọi người xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tới dự. Ngoài ra, theo Tiến sỹ Leana, việc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng trong nhà cũng sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu nhưng nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Critical Reviews in Food Science and Nutrition đã phát hiện một loại trái cây được yêu thích có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch và não bộ đồng thời kiểm soát mức cholesterol

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.