Thông đồng dìm giá đất công?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số người đấu giá bị "tố" thông đồng dìm giá 17 lô đất để hưởng chênh lệch, gây thiệt hại hàng tỉ đồng ngân sách nhà nước
Ngày 26-10, ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông - cho biết đã chỉ đạo công an huyện xác minh thông tin liên quan đến vụ đấu giá đất công tại tổ dân phố 3 (thường gọi là cánh đồng La Trao, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô). "Từ thông tin của dư luận địa phương và báo cáo của một thành viên giám sát buổi đấu giá, chúng tôi đã có chỉ đạo và công an huyện đang điều tra" - ông Ánh nói.
Làm sai lệch thông tin
Trước đó, tháng 9-2018, ông P.V.Đ - thành viên giám sát buổi đấu giá của một đơn vị trực thuộc UBND huyện Krông Nô - đã có báo cáo về việc gian lận trong buổi đấu giá quyền sử dụng đất tại cánh đồng La Trao.
Khu đất ở cánh đồng La Trao được bán đấu giá với nhiều điểm bất thường. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Khu đất ở cánh đồng La Trao được bán đấu giá với nhiều điểm bất thường. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Theo báo cáo của ông Đ., sáng 30-8, tại buổi đấu giá, các lô đất được bán cao hơn so với giá khởi điểm nhưng đến chiều cùng ngày, hầu hết các lô đất đấu giá chỉ cao hơn mức khởi điểm 1 bước giá (10%). Nguyên nhân là do người đấu giá thông đồng với nhau để hưởng chênh lệch, mỗi lô đất chung chi từ 300-600 triệu đồng, gây thiệt hại hàng tỉ đồng ngân sách nhà nước. "Buổi đấu giá diễn ra ồn ào, người tham gia đi lại tự do, thỏa thuận dìm giá, không cho trả giá. Có sự thông đồng, móc nối giữa người có tài sản, người tham gia đấu giá và tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá…" - báo cáo của ông Đ. nêu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đ. dẫn chứng lô G2.3 và G2.7 có giá khởi điểm hơn 600 triệu đồng, giá trúng đấu giá hơn 1,5 tỉ đồng, chênh lệch 900 triệu đồng và đây là mức giá phù hợp, có đấu giá thực sự. Trong khi đó, lô G2.4 (kế bên G2.3) và G2.6, G2.8 (sát bên G2.7) có giá khởi điểm hơn 600 triệu đồng nhưng giá trúng chỉ hơn giá khởi điểm 10 triệu và 20 triệu đồng.
Còn theo ông H. (một người tham gia đấu giá), ông đăng ký đấu giá 2 lô đất tại tổ dân phố 3. Ở lô đầu, khi ông đứng dậy đấu giá thì có nhiều người đề nghị sẽ chi cho ông từ 80-100 triệu đồng nhằm làm ông phân tâm. Khi ông H. quay lên để tiếp tục bỏ giá thì giá đã chốt. Đến lô thứ 2, khi ông H. đấu giá, nhiều người tiếp tục nói xóc xỉa "ông ác vừa thôi, cho người ta mua lô đó đi…" khiến ông không thể tham gia bỏ giá. "Tôi đứng dậy lớn tiếng và đề nghị đấu giá lại 2 lô đất trên nhưng thành viên trong hội đồng không đồng ý và nói đã thực hiện đúng pháp luật" - ông H. bức xúc.
Cơ quan công an vào cuộc
Ông P.V.Đ. đã báo cáo và kiến nghị UBND huyện Krông Nô không công nhận kết quả đấu giá đối với những lô đất mua bằng hoặc cao hơn 1 bước giá; đồng thời kiến nghị UBND huyện yêu cầu công an làm rõ trách nhiệm của chủ đất đã có hành vi bao che, dìm giá… làm thiệt hại ngân sách nhà nước. "Dư luận xã hội đang bức xúc việc thỏa thuận, ăn chia giữa hội đồng và người tham gia đấu giá nên đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ, trả lời công khai trước nhân dân, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ" - báo cáo viết.
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô, trong quá trình đấu giá khá ồn ào, một số khách hàng rời chỗ ngồi nên lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng không phát hiện hành vi thỏa thuận, dìm giá, gây rối, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá. Báo cáo của trung tâm này cho rằng lực lượng bảo đảm trật tự mỏng (2 công an, 4 người ở công ty đấu giá) và các khách mời giám sát cuộc đấu giá chưa thể hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình.
Ông Nguyễn Chung Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Nô, cho biết dự án cải tạo khu dân cư cánh đồng La Trao được thực hiện từ năm 2006. Theo lộ trình, hằng năm, huyện phân lô, bán đấu giá và ngày 30-8 đấu giá 28 lô. Sau khi đấu giá, dư luận địa phương cũng cho rằng các đối tượng "cò" thông đồng nhau để dìm giá. Đến nay, UBND huyện chỉ thống nhất công nhận 11 lô đất trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm, tăng từ 3 - 4 bước giá; chưa phê duyệt 17 lô còn lại mà chờ kết quả điều tra. 
Công khai chia tiền
Theo ông P.V.Đ., để mua được lô đất với mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, người mua phải chung chi hàng trăm triệu đồng cho những người nộp hồ sơ (đóng tiền tạm ứng và mất phí) đấu giá lô đất đó. Ví dụ, lô A người trúng đấu giá với mức giá 600 triệu đồng nhưng giá thị trường khoảng 1 tỉ đồng thì người mua đất phải chung chi khoảng 300 triệu đồng cho nhóm đăng ký đấu giá và vẫn lời 100 triệu đồng. "Sau khi đấu giá, hàng chục người đã tụ tập tại quán cà phê chia tiền, cãi nhau inh ỏi suốt nhiều giờ" - ông Đ. nói.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Chung Huy thừa nhận dư luận địa phương có xôn xao rằng sau buổi đấu giá, các đối tượng tham gia đấu giá tụ tập để chia tiền chênh lệch, còn thực hư thế nào thì phải chờ kết quả điều tra.

Cao Nguyên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.