(GLO)- Với niềm đam mê và tài năng hiếm có, các nghệ nhân cây hoa cảnh đã biến những loài cây mọc hoang dại, thô ráp, xù xì... thành những tác phẩm nghệ thuật bonsai độc đáo.
1. Trong tiết trời dịu mát của những ngày đầu xuân, chúng tôi ghé thăm vườn cây cảnh nghệ thuật của ông Lê Phan Trung Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Khu vườn khiến chúng tôi có cảm giác như lạc vào một thế giới thiên nhiên thu nhỏ, xanh mát và đậm nét hoài cổ.
Ông Lê Phan Trung Quang (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chăm sóc một gốc bonsai. Ảnh: H.P |
Ngồi nhâm nhi chén trà, ông Quang kể về mối duyên với cây hoa cảnh của mình: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích cây cảnh. Tình yêu ấy đã thấm vào máu thịt, hễ gặp người cùng đam mê thì có thể cùng luận bàn thâu đêm suốt sáng. Nhiều khi, nằm mơ cũng thấy cây... Với tôi, chơi cây cảnh là một cách để lưu giữ lại thời gian, hướng con người tới chân-thiện-mỹ”.
Theo ông Quang, mỗi cây cảnh là một câu chuyện đầy thú vị. Những gốc mai chiếu thủy, thông, sanh, linh sam... uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi hay mọc hoang dại được ông mua lại rồi mang về chăm tỉa từ khi mới chỉ là cây phôi. Trong hơn 200 gốc bonsai của ông, rất nhiều cây đã “có tuổi”, luôn có mặt trong các cuộc triển lãm gần xa.
“Cây phôi bonsai thường chỉ là những cây bụi mọc hoang ngoài tự nhiên. Sau một thời gian được cắt tỉa, uốn nắn, chăm chút, nhiều cây đã thay đổi hình dáng. Tôi coi cây cảnh như là người bạn tri kỷ. Ví như tác phẩm “Mộc xuất thiên chi” (loài sam đá) được mua từ một nhà vườn ở dưới Bình Định từ khi tôi mới bắt đầu gắn bó với nghề. Sau bao nhiêu năm chăm sóc, nó đã trở thành một tác phẩm đầy chất “tình”. Mỗi cây trong khu vườn này đều là đứa con tinh thần của tôi”-ông Quang bộc bạch.
2. Cũng với tình yêu nghệ thuật cây cảnh, ông Nguyễn Văn Vỹ (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang)-Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Mang Yang vẫn hàng ngày nuôi dưỡng đam mê trong thế giới thu nhỏ của mình. Tâm trí ông đến giờ vẫn in đậm hình ảnh khu vườn xanh mát, êm đềm, có góc non bộ độc đáo được tạo nên từ bàn tay khéo léo, tài tình của cha mình. Yêu khu vườn ấy từ nhỏ, sau này, ông thường một mình về các vùng quê tìm cây đem về tạo thành những tác phẩm riêng. Theo ông Vỹ, đối với bonsai, không có gì quý giá bằng bàn tay của tạo hóa, thiên nhiên. Trong điều kiện sống khắc nghiệt, có cây vẫn cố chống chọi, vươn lên giành lấy sự sống và trở thành những cây “kỳ” theo cách gọi của giới bonsai. “Kỳ” tức là không “đụng hàng”, nó có dáng thế độc, lạ, vượt qua những dáng thế thuần túy của bonsai. Với những cây này, nghệ nhân chỉ cần cắt tỉa đôi chút đã trở thành kiệt tác, mang thông điệp về sức sống mãnh liệt. Đến giờ, qua hàng chục năm, ông cũng không thể nhớ được mình đã vun trồng, cắt tỉa bao nhiêu cây cảnh, gốc bonsai.
Ông Nguyễn Văn Vỹ (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai; bìa phải) bên một gốc thông bonsai của mình. Ảnh: H.P |
Ông Vỹ chia sẻ: “Không phải cây nào lấy về cũng có dáng mà đôi khi chỉ là gốc cây trần trụi, thô tháp. Tôi dành thời gian chăm sóc cho cây phát triển bình thường, ra cành lá thì mới bắt đầu tạo dáng. Để có được một cây hoàn chỉnh có khi phải mất vài năm chăm sóc”. Cũng theo ông Vỹ, đến với nghệ thuật sinh vật cảnh, trước hết phải có lòng đam mê. Tiếp đến, việc sưu tầm, trồng, chăm sóc cây có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật, óc thẩm mỹ, sáng tạo. “Ngoài ra, việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, quan sát, khám phá trong thực tế, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nghề dạy nghề. Thất bại và thành công luôn song hành, đòi hỏi phải có sự kiên trì, tỉ mỉ của người thợ”-ông Vỹ tâm sự.
Một gốc tùng bonsai của ông Nguyễn Văn Vỹ. Ảnh: H.P |
Theo các nghệ nhân bonsai, quan niệm “nhất thế nhì thân” luôn được áp dụng trong kỹ thuật chăm sóc cây cảnh. Chính vì thế, quan trọng nhất là phải biết cây sẽ có dáng thế như thế nào để từ đó có kỹ thuật chăm sóc, uốn nắn cho phù hợp. Cây đẹp là cây phải cân đối, thuôn đều từ gốc lên ngọn, thể hiện sự hài hòa... Bonsai có nhiều dáng như: dáng hoành, dáng trực, dáng xiên, dáng huyền. Tuy nhiên, dù bất cứ dáng thế nào thì tổng thể của bộ lá, tán lá đều có hình khối tam giác, đồng thời phải hội được những yếu tố cổ-kỳ-mỹ-văn. Giá trị cây cảnh nghệ thuật không cụ thể, đồng nhất, có thể từ vài triệu, vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. “Đứng trước một tác phẩm bonsai nghệ thuật, không phải ai cũng nhận ra và hiểu hết giá trị của nó. Riêng những người am hiểu và có điều kiện kinh tế, nếu đã thích thì... bất chấp giá cả”-ông Vỹ xác nhận.
HÀ PHƯƠNG