Thiếu giáo viên ở Đắk Lắk, nhiều thầy cô buộc phải dạy "tăng ca"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở các cơ sở giáo dục tại Đắk Lắk, nhiều thầy cô buộc phải dạy tăng ca nhằm đảm bảo chương trình đào tạo đúng theo tiến độ đã đề ra trong năm học mới cho các em học sinh.

Như Lao Động đã thông tin, tình trạng thiếu hụt giáo viên giảng dạy đang tiếp tục xảy ra ở khắp các cấp học tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong năm học 2022-2023.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk: Tính đến cuối tháng 4.2022, chỉ tiêu biên chế (giáo viên, nhân viên) sự nghiệp giáo dục và đào tạo của toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu so với định mức quy định là 1.260 chỉ tiêu.

Cụ thể, giáo dục mầm non thiếu 671 chỉ tiêu; giáo dục tiểu học: Thiếu 217 chỉ tiêu; giáo dục trung học cơ sở thiếu 197 chỉ tiêu và giáo dục trung học phổ thông thiếu 175 chỉ tiêu.

Trước tình hình trên, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, kịp tiến độ chương trình đào tạo các môn học cho các em, nhiều giáo viên ở một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh buộc phải "tăng tiết", mất khá nhiều thời gian, công sức.


 

Nhiều trường học trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột đang thiếu hụt giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ảnh: B.T
Nhiều trường học trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột đang thiếu hụt giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ảnh: B.T


Bà Phạm Thị Hoài Thương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây - tâm sự: "Trường chúng tôi có 265 học sinh với 12 lớp học và các em dân tộc thiểu số chiếm trên 97%. Năm học mới đã bắt đầu nhưng trường vẫn thiếu hai giáo viên chủ nhiệm.

Không còn cách nào khác, Hiệu trưởng và cấp phó phải kiêm luôn công tác chủ nhiệm, đứng lớp 2 buổi/ngày. Việc đứng lớp đối với khối tiểu học là 2 buổi/ngày đã chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi. Do đó, công tác quản lý chung trong nhà trường phải dồn vào ngày nghỉ và buổi tối... vô hình chung tạo nên nhiều khó khăn cho tôi.


 

 Nhiều thầy cô đã buộc phải tăng tiết để đảm bảo tiến độ chương trình đào tạo. Ảnh: B.T
Nhiều thầy cô đã buộc phải tăng tiết để đảm bảo tiến độ chương trình đào tạo. Ảnh: B.T


"Nhà trường vẫn đang còn thiếu 5 giáo viên. Để giải quyết tình thế, Ban Giám hiệu đã nhận chủ nhiệm 2 lớp và thực hiện tăng tiết đối với các giáo viên khác nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình dạy học. Còn đối với các khối lớp 1, 2, 3, hầu hết các thầy cô phải dạy tăng tiết.

Theo quy định, tiêu chuẩn dạy học của giáo viên là 23 tiết/tuần còn người làm công tác chủ nhiệm là 20 tiết/tuần. Tuy nhiên,  các giáo viên ở đơn vị đang phải dạy tăng tiết, có người phải dạy tới 32 tiết/tuần để đảm bảo chương trình", bà Thương nói.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu (TP Buôn Ma Thuột) thông tin, năm học này trường có hơn 1.300 học sinh với 30 lớp và đang thiếu 5 giáo viên. Tháng này trường có 3 giáo viên nghỉ hưu nên thiếu chỉ tiêu đến 8 người. Đáng nói, việc thiếu hụt giáo viên dàn trải ở nhiều môn học quan trọng như toán, lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý...

"Trước mắt, giải pháp của đơn vị là thêm tiết đối với một số giáo viên để đáp ứng công tác chuyên môn nhưng việc "tăng ca" quá nhiều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ. Về lâu dài, trường kiến nghị các cấp, ngành sớm bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu để phục vụ yêu cầu dạy và học, nhất là đối với việc  thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới", Dũng cho hay.


 

 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã đề ra nhiều giải pháp “tình thế” để khắc phục tình trạng trên. Ảnh: B.T
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã đề ra nhiều giải pháp “tình thế” để khắc phục tình trạng trên. Ảnh: B.T



Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đề án sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Ngoài ra, sở đề nghị các địa phương khi UBND, HĐND tỉnh giao biên chế thì phải tuyển hết nhân sự được giao để bổ sung cho các trường còn thiếu. Một biện pháp nữa đó là tại các trường thiếu giáo viên, Ban giám hiệu cần tính toán, sắp xếp lại các lớp học để đảm bảo số lượng học sinh theo quy định (tiểu học 35 học sinh/lớp, THCS và THPT 45 học sinh/lớp), tránh tình trạng chia nhỏ.

Ngoài ra, sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng đề án tự chủ tài chính để đảm bảo tinh giảm 10% giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo quy định và dùng học phí để trả lương cho thầy cô. Tức, trường đảm bảo biên chế không giảm, đủ giáo viên giảng dạy cho học sinh".


https://laodong.vn/giao-duc/thieu-giao-vien-o-dak-lak-nhieu-thay-co-buoc-phai-day-tang-ca-1094298.ldo
 

Theo BẢO TRUNG (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.