(GLO)- Giống như nhiều hòn đảo xinh đẹp trên đất nước Việt Nam, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có quá nhiều điều để khám phá với khách du lịch. Có bề dày lịch sử ngàn năm nhưng đến Lý Sơn dễ mang đến cảm giác như quay về thuở hồng hoang bởi mọi thứ hiện hữu đều đẹp và trong veo như cổ tích.
Những cứ dẫn lịch sử có ở nhiều nơi trong số gần 100 di tích gồm đền, chùa, miếu mạo trên hòn đảo chỉ vỏn vẹn 10 km2 này cho thấy người xưa đã khai phá hòn đảo nhỏ xinh đẹp này từ hàng ngàn năm trước. Sách Đại Nam nhất thống chí soạn thời Tự Đức thể hiện những kiến văn thú vị về Lý Sơn: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải sống tại đây”.
Đảo xanh
Trên đỉnh Liêm Tự, ngắm một góc biển đảo Lý Sơn trong hoàng hôn cuối ngày. Ảnh: H.N |
Gần một tiếng đồng hồ lênh đênh trên những con sóng, đặt chân lên Lý Sơn-vùng đất được mệnh danh là “vương quốc tỏi”-thời tiết đã dịu mát đôi phần so với TP. Quảng Ngãi. Nắng ở Lý Sơn trong lắm, có cảm giác tạo vật nơi này được đựng trong chiếc bình thủy tinh khổng lồ. Những cung đường trên đảo rất nhỏ nhưng thơ mộng. Ngồi trong xe có thể với tay ngắt hoa cỏ ven đường.
Quãng đường từ cầu cảng Lý Sơn về nhà nghỉ Viễn Đông-chỗ lưu trú duy nhất dành cho khách du lịch-tôi cứ phải thốt lên không ít lần trước màu xanh của hòn đảo “trồi” lên giữa biển khơi như một chiếc mai rùa này. Hình như màu xanh của từng lá cây ngọn cỏ nơi này xanh hơn những nơi khác. Hay sự hòa sắc của trời xanh, biển biếc với màu xanh cây cỏ đã tạo nên sắc xanh ngời đến khó tả như thế giữa đất trời Lý Sơn. Chỉ biết là đi giữa màu xanh tươi tốt bừng bừng ấy, dễ quên ngay rằng mình đang đi trên một hòn đảo giữa biển.
Thật không may cho chuyến đi khi người dân vừa thu hoạch tỏi xong, chỉ còn những thửa đất-cát trắng phau nằm phơi mình trong nắng. Bạn tôi có lần đến Lý Sơn nhìn cảnh thu hoạch trên đồng tỏi đã phải thốt lên “nhìn cảnh lao động đời thường cũng đủ si mê”. Còn chúng tôi bị mê hoặc bởi những điều thật kỳ lạ ở đây, vì ngay trên những ruộng cát trắng phau tưởng chỉ làm bỏng chân người thì trồng bất cứ cây gì đều tốt tươi, đều quả ngọt.
Tôi đùa rằng, đây đích thị là hòn đảo xưa kia Mai An Tiêm đã đến khai phá để trồng nên loài dưa hấu ngon ngọt nhất trần đời. Dưa ở đây không to, mỗi quả chỉ chừng hơn 1 kg nhưng ruột đỏ, ngọt và thơm mát vô cùng. Người dân ở đây nói rằng, trên vùng đất cát giữa trùng khơi này, trồng bất kỳ cây gì hoa trái đều ngọt lành hơn những vùng khác. Tỏi Lý Sơn là một minh chứng. Có lẽ đó là sự riêng tặng của trời với cư dân sống từ ngàn đời trên đảo.
Đường lên thiên thai
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Lý Sơn còn kỳ lạ bởi quần thể những di tích văn hóa-lịch sử dày đặc trên một hòn đảo nhỏ. Chỉ một vòng xe qua hai xã An Hải, An Vĩnh nằm trên đảo Lớn, chúng tôi đã choáng ngợp bởi những công trình kiến trúc tôn giáo dày đặc. Đặc biệt, vãn cảnh chùa ở Lý Sơn có cảm giác không giống như bất kỳ ngôi chùa nào ở đất liền.
Kiến văn của người xưa khiến bất kỳ ai cũng phải tò mò về địa điểm được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí soạn nhiều thế kỷ trước: “…Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi”. “Chùa mấy gian” ấy chính là chùa Hang-công trình tôn giáo hoàn toàn thiên tạo nằm giữa lưng chừng ngọn núi Thới Lới. U tịch trong chiều, nhưng cảnh sắc của chốn thâm nghiêm này lại làm con người bỗng chốc nhẹ nhõm, diệu vợi. Tiếng mõ tụng, tiếng kinh cầu vang vọng vào vách đá, dội lại một thứ âm thanh như thực, như mơ, theo gió hòa vào những cánh sóng.
Ngồi dưới bóng mát của những cây phong ba, bàng vuông ngay trước sân chùa, trong âm thanh trầm đục, đều đều của tiếng cầu kinh, vọng ra biển Đông, mà nghe gọi về bao tin yêu về quê hương, non nước thanh bình.
Nếu chùa Hang hoàn toàn thiên tạo, chùa Đục lại đậm dấu ấn của bàn tay con người. Trèo gần trăm bậc thang, khi đã chồn chân mỏi gối mới đến được chỗ nghỉ chân nằm giữa lưng chừng núi. Dừng chân vào thắp nén hương trong điện thờ nằm u tịch giữa lòng một ngọn núi lửa đã ngủ quên, tưởng đang ở chốn tiên cảnh. Mùi cỏ cây thanh sạch như gội rửa suy tư. Xung quanh cây cối tốt tươi, không gian lạnh mát cả những giọt mồ hôi vừa thẫm ướt lưng áo. Hình ảnh mà chúng tôi ngỡ như đang ở chốn thiên thai là hai bóng áo vàng ngồi thảnh thơi giữa những bức tường đá rêu phong. Hai sư cô già Liên Thâm, Liên Thỏa ân cần mời khách lạ những món thanh đạm bày biện đơn giản. Thức nước trà có vị rất lạ của hai vị sư cô khiến ai đó phải nhớ khi một lần nếm thử.
Cảnh giới này đã níu chân nhiều lữ khách. Nhưng chúng tôi tiếp tục chinh phục đỉnh Liêm Tự bằng những bậc thang cuối cùng men sườn núi. Hẳn con người có dụng ý khi tạo ra “đường lên thiên thai” này bằng những cảm xúc trái ngược, tay này chạm vách núi vững chãi, nhưng tay kia có thể với ra phía biển bao la. Thích nhất là đứng trên đỉnh núi như đứng giữa một bình nguyên xanh, lại có thể ngắm một góc biển đảo Lý Sơn trong hoàng hôn cuối ngày…
Hoàng Ngọc