Thi tốt nghiệp THPT 2023: Cách nhận diện thiết bị gian lận công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra an toàn và nghiêm túc, một trong các vấn đề được Bộ GD-ĐT chú trọng là cách phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt các thiết bị công nghệ cao.

Đây là một nội dung quan trọng được đề cập trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD-ĐT diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn vào sáng qua (1.6). Hội nghị thu hút đại diện 65 cơ sở giáo dục ĐH và 32 Sở GD-ĐT từ Đà Nẵng trở vào tham dự.

THIẾT BỊ GIAN LẬN TỪ… NHẪN ĐEO TAY THÔNG MINH

Chia sẻ tại hội nghị, thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng phòng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công An), cho biết các hành vi gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phức tạp nên việc nhận diện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thi cử rất quan trọng.

Theo thượng tá Thái, việc gian lận thi cử bằng cách sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin không chỉ diễn ra ở thí sinh (TS) mà còn giáo viên, phụ huynh và những người tham gia các khâu quan trọng của kỳ thi. Trong khi TS cố ý mang những thiết bị cấm vào phòng thi nhằm thực hiện hành vi truyền phát thông tin đề thi ra ngoài, thì giáo viên tham gia tổ chức thi cố tình thực hiện hành vi tiêu cực như chỉnh sửa điểm. Với phụ huynh, hành vi sử dụng thiết bị công nghệ để cố tình can thiệp bất hợp pháp vào máy tính nhằm thu thập thông tin về đề thi, khâu làm đề, vận chuyển, đánh tráo bài…

Cũng theo thượng tá Thái, có nhiều phương thức phục vụ việc gian lận. Đáng chú ý là việc sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ trong phòng thi một cách tinh vi, siêu nhỏ và có thể liên kết gắn sim điện thoại để hỗ trợ gọi nghe lời giải với bên ngoài. Các thiết bị này được thiết kế ngụy trang dưới nhiều đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, mắt kính, đồng hồ thông minh...

Đại biểu tham dự trao đổi ý kiến trong hội nghị sáng 1.6. Ảnh: HÀ ÁNH

Đại biểu tham dự trao đổi ý kiến trong hội nghị sáng 1.6. Ảnh: HÀ ÁNH

Ông Thái cũng cho biết đặc điểm chung của các thiết bị công nghệ cao, về bên ngoài giống đồ vật thông dụng, được thiết kế nhỏ gọn gắn với đồ vật thông dụng đó. TS thường mang vào phòng thi tai nghe và thiết bị thu phát. Tai nghe siêu nhỏ bằng hạt ngô, hạt đậu đút vào lỗ tai và sử dụng kết nối không dây đến thiết bị. Tai nghe rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết được.

"Hiện trong các điện thoại thông minh có liên kết trường gần NFC. Đây là công nghệ truyền dữ liệu không dây hai chiều, không phụ thuộc vào sóng wifi, 3G, 4G. Thiết bị hoạt động theo nguyên lý thu phát sóng vô tuyến, hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, file dữ liệu qua lại trong và ngoài phòng thi. Thông tin được chuyển đến đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại cho TS… Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản của việc yêu cầu TS để vật dụng cá nhân cách phòng thi ít nhất 25 m", ông Thái phân tích.

Giúp cán bộ coi thi hình dung được các thiết bị gian lận công nghệ cao, Phó trưởng phòng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ nêu ra ví dụ về kính thông minh. "Khi TS đeo kính này, người ngoài nhìn vào TS thấy như đeo kính bình thường. Nhưng chiều ngược lại, TS có thể nhìn thấy trước mặt mình là một màn hình hình ảnh. TS có thể nhìn thấy nhưng người khác không thấy", ông Thái nói, đồng thời còn chỉ ra một số thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang thông qua chiếc vòng và nhẫn đeo tay thông minh, cúc áo được gắn bí mật trên người. Bút viết cũng có thể gắn thẻ sim và hoạt động với các tính năng cơ bản như một điện thoại di động…

"Các phương tiện này được bán trên thị trường với nhiều mức giá, từ vài trăm hoặc vài triệu, vài chục triệu đồng. Một TS cố tình gian lận, họ sẵn sàng bỏ ra chi phí để mua", ông Thái cho hay.

Một số thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang thông qua chiếc vòng và nhẫn đeo tay thông minh. Ảnh: HÀ ÁNH

Một số thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang thông qua chiếc vòng và nhẫn đeo tay thông minh. Ảnh: HÀ ÁNH

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN DIỆN ĐƯỢC GIAN LẬN

Trong nhiều giải pháp được nêu ra, thượng tá Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh những cách tiếp cận khả thi với kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Thái, để nhận biết, ngăn chặn thiết bị công nghệ cao, điều cần thiết với cán bộ coi thi là quan sát đặc điểm vật dụng, biểu hiện tâm lý và nhận biết qua dấu hiệu bất thường của TS.

Thứ nhất là quan sát, kiểm tra đặc điểm vật dụng TS mang vào phòng thi; đặc biệt là bề mặt các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường và đảm bảo vật dụng không có loa, tai nghe. Ví dụ, với máy tính cầm tay ngoài bàn phím và màn hình thì trước mặt không có bất kỳ lỗ nào dù rất nhỏ. Khi kiểm tra đồng hồ điện tử cần xem màn hình, cột sóng. Về mắt kính thì xem xét, quan sát hình dạng của gọng kính…

Bên cạnh đó, ông Thái cho rằng cần quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của TS. "Những TS gian lận luôn tìm cách che giấu và có những dấu hiệu không bình thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên. Sau khi TS nhận được đề có thể lẩm nhẩm đọc đề, trong khi làm bài không tập trung, thể hiện sự trông chờ từ bên ngoài…", ông Thái nêu ra tình huống giả thuyết.

Thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang qua cúc áo được gắn bí mật trên người. Ảnh: HÀ ÁNH

Thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang qua cúc áo được gắn bí mật trên người. Ảnh: HÀ ÁNH

Phó trưởng phòng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ nhấn mạnh: "Cán bộ coi thi có vai trò quan trọng trong phát hiện sử dụng thiết bị gian lận. Cùng với việc tập huấn thì lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, có trách nhiệm tinh thần cao rất quan trọng".

Chia sẻ tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp của Bộ Công an và các địa phương trong việc phòng chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi. Ông Chương cho biết Bộ cũng sửa đổi một số nội dung của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay so với trước đó cũng liên quan việc sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông. Chẳng hạn, một điểm mới được bổ sung trong quy chế năm nay nêu rõ không được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi…

Các thiết bị gian lận công nghệ cao được thiết kế ngụy trang dưới nhiều đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, mắt kính, đồng hồ thông minh... Ảnh: HÀ ÁNH

Các thiết bị gian lận công nghệ cao được thiết kế ngụy trang dưới nhiều đồ vật thông dụng như thẻ ATM, bút viết, mắt kính, đồng hồ thông minh... Ảnh: HÀ ÁNH

Ông Huỳnh Văn Chương đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT, cụ thể là chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Địa phương chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi.

Thanh tra, giám sát từ chủ tịch hội đồng thi đến thí sinh

Chia sẻ tại hội nghị sáng 1.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo ông Thưởng, công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò nòng cốt vì điều cao nhất của kỳ thi là đảm bảo an toàn, nghiêm túc và công bằng. Quan điểm của công tác thanh kiểm tra với tinh thần ngăn chặn, phòng ngừa là chính. Để phòng ngừa cần chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung và thời điểm cần thực hiện công việc này. Trong đó, thanh tra là trọng tâm, trọng điểm nhưng giám sát phải thường xuyên.

Mọi khâu của quá trình tổ chức thi cần phải được kiểm tra giám sát, từ công tác chuẩn bị đến coi thi, chấm thi, phúc khảo và lên điểm.

Việc kiểm tra, giám sát cần thực hiện với toàn thể hội đồng thi, từ TS đến cán bộ phục vụ và kể cả chủ tịch hội đồng thi. Ông Thưởng phân tích: "Đối tượng thanh tra giám sát không chỉ là học sinh mà còn là đồng nghiệp, có người còn là cấp trên của cán bộ thanh tra… nên công tác này rất áp lực. Vì vậy, mong muốn thầy cô lưu ý áp dụng phương pháp thân thiện không làm cho hội đồng thi căng thẳng quá mức nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình".

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người tham gia công tác thanh kiểm tra cần nắm vững quy chế. Ngoài những nội dung tập huấn, các trường hợp xảy ra cần chủ động nghiên cứu quy chế. "Khi nắm vững quy định quy chế và nghiệp vụ thanh tra, các thầy cô sẽ rất tự tin khi làm nhiệm vụ", ông Thưởng nói.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều ý kiến về phương thức tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025

Nhiều ý kiến về phương thức tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025

(GLO)- Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Tại đây, nhiều quan điểm được đưa ra nhằm lựa chọn phương thức phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi của học sinh và sự cân đối trong tuyển sinh giữa các trường.

“Một ngày làm sinh viên đại học”

“Một ngày làm sinh viên đại học”

(GLO)- Nhằm tạo cơ hội cho học sinh THPT có được thực tế tại các trường đại học trước khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp năng lực bản thân, Thành Đoàn Pleiku phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp với chủ đề “Một ngày làm sinh viên đại học”.