Theo bước chân tình nguyện: Dạy bơi trên... núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngoài việc làm đường, nạo vét kênh mương, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng... các đội hình tình nguyện ở Kon Tum còn tổ chức nhiều lớp học ý nghĩa cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

LỚP HỌC Ý NGHĨA

Để mùa hè trôi qua thật ý nghĩa và giảm thiểu tình trạng đuối nước ở lứa tuổi học sinh, Huyện đoàn Đăk Glei đã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí và nhanh chóng thu hút được gần 100 em học sinh tại TT.Đăk Glei. Mấy ngày qua, chiều nào cũng thế, cô bé Y Anh Thư (11 tuổi) liên tục ra đầu ngõ chờ ánh nắng chiều rủ xuống, háo hức mong ngóng đến giờ ra lớp học bơi.

Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh miền núi. Ảnh: Đức Nhật
Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh miền núi. Ảnh: Đức Nhật

"Trước đây em rất sợ nước, nhưng khi được giáo viên hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật bơi lội, cách xử lý tình huống em dần an tâm và thích thú. Em sẽ cố gắng học chăm chỉ để có thể bơi giỏi", Y Anh Thư chia sẻ.

Để tổ chức lớp, Huyện đoàn Đăk Glei đã mượn bể bơi của Trường tiểu học Kim Đồng. Các em khi đến lớp sẽ được hướng dẫn những kỹ năng bơi lội cơ bản, như: làm quen, tập nổi và thở dưới nước, các kỹ thuật bơi thông dụng… Bên cạnh đó, huấn luyện viên cũng hướng dẫn các em cách xử lý khi bị đuối nước do chuột rút, những tình huống nguy hiểm, bất ngờ để tránh tai nạn đuối nước cũng như kỹ năng cứu người bị đuối nước và bảo vệ bản thân.

Anh A Duy Khánh, Bí thư Huyện đoàn Đăk Glei, cho biết ngoài hoạt động dạy bơi miễn phí, đơn vị còn phối hợp với Trường ĐH Mở TP.HCM sơn sửa lại Trường TH-THCS xã Mường Hoong, làm sân chơi cho học sinh ở trường thôn Ngọc Nang với kinh phí hơn 31 triệu đồng. Đồng thời, tại điểm trường thôn Ngọc Nang chưa có thư viện nên các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 1.000 đầu sách.

LỚP VÕ MIỀN BIÊN VIỄN

Cách đó hơn 180 cây số, Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại huyện biên giới Ia H'Drai (Kon Tum) cũng đang diễn ra sôi nổi. Chiến dịch tại đây do Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp cùng Đoàn Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM phụ trách. Bên cạnh công tác xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, các tình nguyện viên còn tổ chức lớp dạy võ cho các em nhỏ.

Thanh niên tình nguyện tổ chức những lớp dạy võ miền biên viễn

Thanh niên tình nguyện tổ chức những lớp dạy võ miền biên viễn

Từ ngày 6.7, Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại 6 mặt trận cấp tỉnh. Theo đó, Đoàn Trường ĐH Mở TP.HCM cùng Huyện đoàn Đăk Glei đóng quân tại thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, H.Đăk Glei); Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum cùng Huyện đoàn Kon Plông đóng quân tại thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, H.Kon Plông); Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM cùng Huyện đoàn Ia H'Drai đóng quân tại Làng Thanh niên xã Ia Dal (H.Ia H'Drai); Trường ĐH Đà Nẵng cùng Huyện đoàn Đăk Hà đóng quân tại xã Đăk Pxi (H.Đăk Hà); Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum cùng Huyện đoàn Tu Mơ Rông đóng quân tại xã Đăk Rơ Ông (H.Tu Mơ Rông); Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Kon Tum cùng Huyện đoàn Kon Rẫy đóng quân tại xã Đăk Tơ Re (H.Kon Rẫy).

Như thường lệ, mỗi tuần 3 buổi, cứ đến 14 giờ, 25 võ sinh nhí xã Ia Dom (H. Ia H'Drai) đã có mặt đầy đủ. Lớp học hầu hết là trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số, có độ tuổi từ 5 - 11. Qua hàng chục buổi tập, những võ sinh nhí đã quen dần với những bộ tấn, những đòn đánh tự vệ được huấn luyện viên chỉ dẫn.

Chiều nào cũng vậy, em Ma Trương Quang Nhật (học sinh lớp 3, Trường tiểu học Bế Văn Đàn) đều có mặt đúng giờ để tập luyện võ. Quang Nhật cho biết vào ngày hè, cậu bé chỉ quanh quẩn ở nhà vì không có sân chơi. Do đó, khi được đi học võ em cảm thấy rất hào hứng, phấn khởi.

"Trước đây em chỉ biết đến võ thuật qua các bộ phim trên ti vi thôi. Hôm nghe có lớp dạy võ em thích lắm nên xin bố mẹ đăng ký đi học. Đến lớp học võ, em được các thầy cô dạy các thế đứng tấn, những bài võ để tự vệ và rèn luyện sức khỏe", Quang Nhật hào hứng nói.

Nguyễn Đức An, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, cho biết sinh viên của trường đã phối hợp với Đoàn xã Ia Dom (H.Ia H'Drai) tổ chức lớp học võ cho các em thiếu nhi trong xã với mục đích thúc đẩy tinh thần rèn luyện thể dục thể thao. Việc tiếp cận và tập luyện môn võ cổ truyền VN sẽ giúp các em hiểu và thấy yêu hơn môn võ của dân tộc.

"Qua việc dạy võ cho trẻ huyện biên giới giúp chúng mình có thêm nhiều trải nghiệm, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy. Đó cũng là một hành trang vô cùng quý giá, giúp chúng mình trưởng thành hơn trong chặng đường sinh viên", Đức An chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm