(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến thật gần. Trong khi mọi nhà nô nức cùng nhau đi sắm Tết, thì một bộ phận lớn những công nhân đến từ nhiều vùng quê khác nhau vẫn âm thầm làm việc bởi Xuân này họ lại ăn Tết xa quê…
Gia Lai là nơi tập trung lượng lao động lớn đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó chủ yếu là người miền Bắc và miền Trung. Họ lên đây để làm công nhân trong khu công nghiệp hay làm thuê trong các công ty, nhà máy. Mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, chỉ một số ít có điều kiện trở về quê ăn Tết, còn lại rất nhiều người phải ăn Tết xa quê mà nguyên nhân chủ yếu vì kinh tế.
“Xuân này con lại không về”
Chị Lê Thị Thủy (trước) đang thực hiện công việc đóng giấy tại xưởng. Đây là năm thứ 4 chị cùng gia đình ở lại Gia Lai đón Tết. Ảnh: Quế Mai |
4 năm kể từ ngày vợ chồng anh Nguyễn Văn Thùy và chị Lê Thị Thủy rời quê Thanh Hóa vào Gia Lai tìm việc cũng là chừng ấy năm hai vợ chồng anh chị phải đón Tết ở miền đất mới. “Mỗi dịp Tết đến, thấy người ta mua sắm, chuẩn bị về quê chúng tôi cũng náo nức lắm nhưng hoàn cảnh không cho phép, hai vợ chồng lại lao vào làm việc cho vơi đi nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình”-anh Thùy chia sẻ.
Theo lời kể của anh Thùy, trước kia anh làm công nhân cầu đường, phải theo công trình đi nhiều nơi. Chị Thủy ở nhà làm ruộng cũng rất vất vả nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, trong khi đó con cái ngày một lớn. Vì muốn 2 con có điều kiện ăn học tốt hơn để tương lai không vất vả như bố mẹ, nên năm 2010, anh chị đành để lại 2 con nhờ ông bà chăm sóc, rời quê hương vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Giấy Gia Lai (đóng tại Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Sau 2 năm, khi con trai lớn bước chân vào đại học, anh chị đưa luôn bé gái đang học lớp 6 vào Gia Lai sinh sống. Tuy cũng buồn lòng vì đón Tết xa quê, song anh Thùy lại nhanh chóng phấn chấn: “Chúng tôi chỉ xa quê vài năm nữa thôi, khi các cháu học hành xong xuôi, tích góp được chút vốn, vợ chồng sẽ lại trở về quê hương, phụng dưỡng bố mẹ già”.
Không như vợ chồng anh Thùy, năm nay 27 tuổi, chưa có vợ con nhưng anh Lê Công Minh (quê Thanh Hóa) cũng đã có 3 năm ăn Tết xa quê. Anh Minh cho biết: Học hết cấp III là anh bắt đầu đi làm. Những năm trước anh làm công nhân theo công trình xây dựng, cứ hết Sài Gòn, Bình Dương rồi lại Hà Nội, Sơn La. Đầu năm 2014, anh xin vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Giấy Gia Lai. Ở đây công việc ổn định, có chỗ ăn ở tại Công ty nên hàng tháng trừ tiền tiêu vặt cũng tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng gửi về cho bố mẹ. Năm nay, anh sẽ ở lại đây ăn Tết, trực Công ty kiếm thêm chút ít tiền thưởng để dành. “Công nhân như chúng tôi chỉ được nghỉ Tết khoảng 1 tuần, tiền vé tàu xe dịp Tết rất cao, vì vậy dù rất buồn nhưng tôi sẽ ở lại đây để đỡ chi phí đi lại. Đồng thời, tranh thủ nhận trực, trông coi công ty, kiếm thêm chút tiền thưởng”-anh Minh tâm sự.
Chia sẻ với P.V, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lượng-chị Đặng Thị Thùy (quê Hà Tây-Hà Nội) cũng cho biết anh chị đã vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 2009. Sau gần 5 năm mưu sinh trên đất khách, chị Đặng Thị Thùy hiện là công nhân Công ty TNHH Ô Lam (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku), còn anh Nguyễn Văn Lượng là công nhân lái xe cho Công ty cổ phần Xây dựng Cầu đường Hoàng Anh Gia Lai. Chị Đặng Thị Thùy tâm sự: “Cứ cách một năm vợ chồng tôi lại về quê ăn Tết một lần. Năm trước về rồi, năm nay hai vợ chồng và cậu con trai 4 tuổi sẽ ở lại Phố núi đón Tết. Tết ai cũng muốn về vui vầy bên gia đình, người thân, nhưng vì cuộc sống, nỗi nhớ Tết quê cả hai vợ chồng đành gác lại”.
Tết trên miền đất mới
Nỗi buồn, nhớ gia đình, quê hương là điều chắc chắn đối với những người con xa quê vào dịp Tết. Tuy nhiên, vì đã xem Gia Lai là quê hương mới nên những công nhân xa quê vẫn tổ chức đón Tết thật ấm áp.
Ông Trần Quốc Vinh-Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Gia Lai: “Cảm thông cho những anh chị em phải đón Tết xa quê hương, Công ty chúng tôi cũng đã có những chính sách hỗ trợ để động viên, khuyến khích anh em công nhân để họ vơi đi nỗi nhớ nhà và yên tâm làm việc thật tốt. Những chính sách Công ty đưa ra là tăng tiền lương tháng cuối cùng của năm, tiền thưởng và trao một số phần quà cho anh em công nhân. Đối với những người làm lâu năm, nếu có nhu cầu Công ty sẽ cho ứng tiền để gửi về quê, sau đó trừ dần vào lương của năm sau. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí anh em ở lại kiêm luôn việc bảo vệ, trực Công ty và có chế độ thanh toán phù hợp…”. |
Chị Lê Thị Thủy kể: Tết ở khu nhà trọ hay nhà tập thể của anh em công nhân xa quê không được trang hoàng bởi hoa đào, hoa mai hay đủ các loại cây cảnh như người dân địa phương. Mọi thứ vẫn giản dị như thường ngày nhưng không kém phần ấm cúng. Theo đó, những người con xa quê sẽ thực hiện đón Tết theo phong tục và chuẩn bị những món ăn đặc trưng của quê hương. “Kiệu, hành được chuẩn bị từ trước Tết cả tuần để làm thành món củ kiệu muối thơm ngon. Ngày 29 tháng Chạp, mình làm thịt gà và nấu cho anh em một nồi thịt đông theo đúng phong tục của người Thanh Hóa. Vì mọi người vẫn phải làm việc đến ngày cận Tết, nên không có thời gian để gói bánh chưng, bánh tét, giò, nhưng mình vẫn tìm những địa điểm có tiếng ở đây để đặt mua, để mọi người dù xa quê nhưng vẫn cảm nhận được sự ấm áp, quen thuộc của quê hương trên miền đất mới”-chị Thủy hào hứng nói.
Trong khi đó, xác định ở lại Phố núi đón Tết, hai vợ chồng anh Thùy và chị Lượng đã nhờ người thân gửi một vài món mà dịp Tết đến người dân quê chị mới làm như: bánh gai, bánh lá, bánh đa nem, gạo nếp mẹ cấy… để sắp mâm cơm đầu năm. “Nỗi nhớ Tết quê sẽ vơi đi khi mình chế biến những món ăn mang hương vị quê nhà”-chị Thùy trải lòng. Rồi 3 ngày Tết, hai vợ chồng sẽ đến nhà người quen, bạn bè cùng quê hương để chúc Tết, cho con đến những điểm vui chơi để thưởng thức những ngày Tết thật ý nghĩa.
…Không khí Tết đang rộn rã khắp phố phường, len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm và cũng rạo rực trong lòng của những người con xa quê. Ước nguyện của họ trong năm mới là có thật nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn và năm sau sẽ lại được trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình thân yêu…
Quế Mai-Đinh Yến