(GLO)- Sau vòng thi tuyển theo chương trình tu nghiệp sinh tại Nhật Bản được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua tại Quảng Nam, Gia Lai được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao chỉ tiêu dự tuyển 60 nam đi tu nghiệp tại Nhật Bản. Theo đó, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh đã tuyển chọn được 50 nam và được chương trình tuyển chọn 45 em. Hiện các em đang được đào tạo tiếng Nhật tại Hà Nội để chuẩn bị sang Nhật học tập và làm việc vào cuối năm 2014.
Môi trường làm việc tốt, nhiều ưu đãi, lương cao
Ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, cho biết: Năm 2014, tỉnh ta có nhiều cơ hội cho lao động đi học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhu cầu tuyển dụng lao động sang Nhật với các ngành, như: xây dựng, cơ khí, may công nghiệp, điện tử, nông nghiệp... đang tăng. Đây là niềm vui cho những lao động nam có tuổi đời từ 20 đến 30, cao 1,6 mét, cân nặng 55 kg trở lên, có đủ sức khỏe theo quy định.
Tu nghiệp sinh Việt Nam tại xí nghiệp tỉnh Ishikawa Nhật Bản. |
Thị trường Nhật Bản được đánh giá là lương cao, môi trường làm việc tốt và nhiều ưu đãi sau khi về nước. Lao động phổ thông làm việc tại Nhật cũng có mức thu nhập trung bình từ 20 triệu đồng đến 26 triệu đồng/tháng; còn lao động qua đào tạo có tay nghề cao như: chuyên gia, kỹ sư, quản lý thì có mức thu nhập từ 40 triệu đồng đến 45 triệu đồng/tháng trở lên.
Thời gian vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang tiếp tục phối hợp với Tổ chức Phát triển Nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) thực hiện chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Trong thời gian làm việc 3 năm, người lao động được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng trong thời gian tu nghiệp năm thứ nhất; năm thứ 2 là 90.000 yên/tháng và năm thứ 3 là 100.000 yên/tháng (chưa tính phụ cấp làm thêm giờ). Cùng với đó, sau khi hoàn thành chương trình về nước đúng thời hạn sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 Yên/người để khởi nghiệp. Lao động còn được tham gia đầy đủ các chính sách, quyền lợi về bảo hiểm toàn bộ.
Lao động cần học giỏi tiếng Nhật và nâng cao trình độ tay nghề
Theo ông Hạnh, thời gian qua, Trung tâm đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước tìm đến để tuyển dụng các ứng viên sang Nhật học tập và làm việc, thời gian là 3 năm.
Những lao động có tuổi đời từ 20 đến 30 tuổi, tốt nghiệp THPT, thể lực sức khỏe tốt thì đến đăng ký với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh (50 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) để có cơ hội đi học tập và làm việc tại Nhật. Người lao động được tuyển chọn theo phân bổ chỉ tiêu hàng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đi theo chương trình tu nghiệp sinh đi Nhật Bản được tổ chức IM Japan tài trợ không phải đóng tiền thế chấp và phí quản lý, chỉ tốn chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, học ngoại ngữ và nâng cao trình độ tay nghề; hoặc người lao động có thể đi Nhật làm việc thông qua các doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì chi phí trước khi đi phải đóng khoảng 7.000 USD, trong đó 2.000 USD để đặt cọc chống trốn, sau khi về nước sẽ được doanh nghiệp trả lại.
Cũng để giúp lao động học được những phần giao tiếp cơ bản của tiếng Nhật, Trung tâm Giới thiệu Việc làm có giáo viên dạy tiếng Nhật đáp ứng nhu cầu cho lao động. Chị Nguyễn Thị Thu Loan-giáo viên tiếng Nhật, cho biết: “Lao động khi sang làm việc tại Nhật ngoài kỹ năng công việc, cần phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật để thực hiện đúng nội quy của công ty. Có như vậy, lao động mới được các công ty đánh giá cao.
Để thu hút lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, năm 2014, tỉnh ta ưu tiên cho lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh đã sử dụng đội ngũ cộng tác viên xuất khẩu lao động, thông qua sàn giao dịch việc làm để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, công tác xuất khẩu lao động đến với người dân để tìm hiểu những quy trình, thủ tục cần biết và những chính sách vay vốn đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khi tham gia xuất khẩu lao động.
Cơ hội sang Nhật học tập và làm việc đang rộng cửa đối với lao động trẻ ở tỉnh ta. Sau 3 năm sang Nhật, lao động sẽ tích lũy được vài trăm triệu đồng, được tiếp cận với máy móc, thiết bị công nghệ cao, biết ngoại ngữ, ý thức lao động tốt hơn. Đây là nền tảng để phát triển nghề nghiệp bền vững cho lao động trẻ ở tỉnh ta.
Đinh Yến