Thế trận lòng dân ở Tây Nguyên - Bài 1: Những bài học đắt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ai muốn nhớ lại những sự kiện buồn từng xảy ra trên mảnh đất Tây Nguyên từ khoảng thời gian 20 năm trước (năm 2001 và 2004). Nhưng vì sự bình yên và phát triển vùng phên dậu phía tây Tổ quốc, chúng ta cần phải nhắc nhớ về các sự kiện này như một phần ký ức đáng phải suy nghĩ. Bài học thật thấm thía và không bao giờ cũ. Từ đó, cảm nhận sâu sắc hơn về những thành tựu to lớn, sự tiến bộ vượt bậc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên. Cũng từ đó, khẳng định về những thành công trong công tác xây dựng Ðảng, củng cố sức mạnh hệ thống chính trị, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc trên miền đất đại ngàn hùng vĩ.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Ðắk Nông về buôn làng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Ðắk Nông về buôn làng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Nguyên nhân dẫn đến hai sự kiện nói trên, trước hết là do âm mưu điên cuồng chống phá của các thế lực thù địch. Chúng đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận về sự chủ quan, mất cảnh giác của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các tỉnh trong khu vực vào thời điểm đó. Bài học sâu sắc năm ấy vẫn luôn thường trực trong mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên.
Một bộ phận đồng bào bị lôi kéo
Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển. Ðến nay, năm tỉnh Tây Nguyên có dân số khoảng 5,6 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 34%. Người dân Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết một lòng theo Ðảng, theo cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chung lòng chung sức cùng các dân tộc anh em đánh đuổi kẻ thù chung; vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, có thời điểm do lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, các thế lực thù địch và bọn Fulro phản động lưu vong đã lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào DTTS biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại thành quả cách mạng. Các điểm nóng xảy ra vào các năm 2001 và 2004 trên địa bàn Tây Nguyên là bài học đắt giá cần nhìn nhận một cách nghiêm túc để có những giải pháp phù hợp trong việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo sức mạnh và động lực giúp Tây Nguyên mãi mãi bình yên, phát triển bền vững.
Cầm đầu cả hai cuộc bạo loạn là Ksor Kơk, một phần tử khủng bố, kẻ từng là “chuẩn tướng” Fulro. Kơk và cái gọi là “Quỹ người Thượng” do y lập ra ở nước ngoài đã tiến hành nhiều hoạt động với mục đích ly khai, tiến tới thành lập một “Nhà nước Ðề Ga độc lập” ở vùng Tây Nguyên, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ðể thực hiện mưu đồ này, Ksor Kơk và đồng bọn đã xúi giục, ép buộc và tổ chức các hoạt động bạo loạn mang tính chất khủng bố tại Tây Nguyên. Các hoạt động này được che đậy dưới chiêu bài đòi đất, nhân quyền, tự do tôn giáo. Ksor Kơk lộ rõ tham vọng viển vông là biến Tây Nguyên thành một “quốc gia ly khai” để y được lên làm “tổng thống”…
Ðồng chí Y Luyện Niê Kđăm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk, nhớ lại: Vào thời điểm đầu tháng 2-2001 và tháng 4-2004, với sự móc nối của các thế lực thù địch lưu vong ở nước ngoài, các đối tượng theo Fulro đã xâm nhập các buôn làng kích động đồng bào ở 63 buôn, thôn thuộc 16 xã, phường, thị trấn của tỉnh Ðắk Lắk tham gia gây rối. Ðáng chú ý là, bọn chúng đã lừa ép một số lượng khá đông thanh niên, học sinh phổ thông tham gia. Chúng lập danh sách những học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, vừa mua chuộc vừa cưỡng bức, hứa hẹn nếu tích cực chống phá chính quyền và người Kinh sẽ được đưa đi Mỹ học. Không chỉ ở Ðắk Lắk, vào thời điểm nêu trên, bằng những thủ đoạn tương tự, bọn phản động đã lôi kéo một bộ phận đồng bào ở nhiều buôn, làng thuộc các tỉnh Gia Lai, Ðắk Nông, Kon Tum tham gia biểu tình, bạo loạn. Những kẻ quá khích đã đập phá, cướp tài sản và dùng hung khí hành hung những người dân sống bên các quốc lộ, tỉnh lộ. Khi lực lượng bảo vệ trật tự, dân quân tự vệ, thanh niên đường phố vận động, giải thích thì chúng hành hung thô bạo, phá hủy phương tiện. Ðã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ tự vệ và dân thường bị thương; nhiều nhà cửa, xe cộ bị đập phá. Nguy hiểm hơn, chúng hô hào người dân xông vào chiếm các cơ quan công sở Nhà nước ở một số xã, huyện ở Ðắk Lắk, Gia Lai. Chúng bố trí người chụp ảnh, quay phim để gửi ra nước ngoài tuyên truyền, bôi nhọ, vu cáo Ðảng và Nhà nước; kể công với các thế lực phản động nước ngoài để nhận tiền thưởng…
Ðể tuyên truyền kích động, xúi giục người dân biểu tình, bọn phản động cũng lợi dụng vào những bất cập trong việc triển khai thực hiện các chính sách của Ðảng, Nhà nước ở khu vực Tây Nguyên. Chẳng hạn như Chương trình 135, thời điểm đó chúng ta chỉ đầu tư đến trung tâm cụm xã; thực tế, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa mới khó khăn, nhưng lại không đầu tư tới nơi, người dân ít được thụ hưởng. Các đối tượng chống phá còn lợi dụng đồng bào lúc cuộc sống gặp khó khăn, len lỏi vào các  buôn làng tác động đến người dân bằng những nguồn lợi vật chất nhỏ nhưng lại chọn đúng thời điểm nên họ đã nhẹ dạ nghe theo chúng. Anh Y Kim Kbuôr (buôn Pốc A, thị trấn Ea Pốc, Cư M’gar, Ðắk Lắk) là một trong những người “tích cực” tham gia bạo loạn, bị bắt và xử phạt bảy năm tù về tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”, kể lại: “Thời điểm đó, tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về kêu gọi tham gia biểu tình, bạo loạn để đòi lại đất cho đồng bào DTTS, đuổi người Kinh về miền xuôi. Sau này được cán bộ tuyên truyền, giải thích, tôi mới nhận ra bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, những việc làm của mình là sai trái”. Già làng Y Piăm ÊBan ở buôn Nui (Tâm Thắng, Cư Giút, Ðắk Nông), cũng nói: “Lúc đó đời sống bà con khó khăn lắm, thiếu đói quanh năm, nhà ở dột nát, con cháu thất học nhiều. Nhiều đứa trẻ người non dạ nên nghe theo lời xúi giục của đám người xấu. Già ra sức can ngăn nhưng tụi nó không nghe…”.
Những bài học sâu sắc
Ðồng chí Mai Văn Năm - nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phân tích: Sau vụ gây rối năm 2001, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên; chính sách tôn giáo, dân tộc được điều chỉnh phù hợp để ổn định tình hình. Nhưng ba năm sau, vụ việc tiếp tục lặp lại, thậm chí tổ chức còn chặt chẽ hơn, tính chất hung hãn hơn. Rõ ràng, hai vụ việc gây rối này là xuất phát từ ý đồ, mục đích chính trị, không phải là nguyên nhân đòi đất, nhân quyền, chính sách dân tộc, tôn giáo…
Cũng theo đồng chí Mai Văn Năm, sau hai cuộc gây rối nêu trên, chúng ta đã rút ra những bài học đắt giá. Bài học đầu tiên là sự chủ quan, mất cảnh giác. Thứ nhất là chúng ta đã để các phần tử xấu lợi dụng thời điểm khó khăn của người dân (thời điểm giáp hạt) để kích động, xúi giục. Thứ hai là, thời gian trước đó, công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ở Tây Nguyên, từ sau ngày đất nước thống nhất, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, hầu hết các buôn làng đều có sự khởi sắc, điều kiện sản xuất, đời sống, sinh hoạt từng bước được cải thiện... nhưng công tác thông tin, tuyên truyền thành tựu cho đồng bào lại rất hạn chế. Thứ ba cũng là vấn đề quan trọng nhất, là công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều yếu kém. Thời điểm đó, công tác phát triển đảng, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng còn nhiều bất cập, nhiều thôn, buôn “trắng” chi bộ, đảng viên. Theo số liệu của các tỉnh Tây Nguyên, đầu năm 2004, hai tỉnh Ðắk Lắk và Ðắk Nông có 2.734 thôn, buôn, tổ dân phố nhưng có đến 929 thôn, buôn chưa có chi bộ; 275 thôn, buôn chưa có đảng viên. Tỉnh Gia Lai có 178 trong số 1.840 thôn, buôn “trắng” đảng viên. Tỉnh Lâm Ðồng có 306 trong số 1.206 thôn, buôn chưa có tổ chức Ðảng và 65 thôn, buôn “trắng” đảng viên. Chất lượng cán bộ, đảng viên ở một số cơ sở bộc lộ nhiều yếu kém; nhiều người mới học hết tiểu học; chưa được bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và công tác vận động quần chúng, không biết tiếng dân tộc. Vì vậy, hoạt động lãnh đạo, điều hành của cán bộ cơ sở nhiều nơi còn lúng túng; không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân để chia sẻ; không nắm bắt được diễn biến tình hình để chủ động xử lý. Nhiều thôn, buôn đã có chi bộ nhưng chất lượng lãnh đạo và vai trò nòng cốt của đảng viên yếu kém. Thậm chí ở một số, nơi cán bộ cơ sở lại bị bọn phản động lôi kéo, khống chế, vô hiệu hóa. 
Nhiều đồng chí lãnh đạo ở Tây Nguyên cho rằng, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và sử dụng cán bộ ở cơ sở là một bài học quý báu cho các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh. Bởi đáng ra, trong tình hình như năm 2001 - 2004, các tỉnh phải cử cán bộ am hiểu về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước về cơ sở, để tuyên truyền cho đồng bào, đằng này lại đưa những cán bộ không liên quan gì đến công tác tuyên truyền vận động. Một bài học nữa là cấp trên đã quá tin vào báo cáo từ cơ sở, không có động tác kiểm tra, thẩm định.
Bí thư Ðảng ủy xã Tâm Thắng (Cư Giút, Ðắk Nông) Nguyễn Minh Tuấn, thừa nhận: “Ðịa phương chúng tôi là một điểm nóng vào thời điểm đó. Nguyên nhân dẫn đến biểu tình, bạo loạn một phần là do cán bộ cơ sở thiếu sâu sát, không kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Giai đoạn này đời sống của đồng bào rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nhiều gia đình thiếu đói. Mặt khác, các buôn DTTS ở xã không hề có đảng viên tại chỗ, không có chi bộ đảng, đa số là cử đảng viên trên xã xuống tăng cường không thường xuyên. Ðồng thời, mặt trận và các đoàn thể cũng yếu, không sâu sát, nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình. Ðó là những lỗ hổng để các thế lực thù địch dễ bề lôi kéo, kích động…”.
Ðồng chí Nguyễn Thanh Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (2001 - 2005) phân tích: “Vấn đề xảy ra biểu tình, bạo loạn trong thời kỳ đó là điều được báo trước, mà lẽ ra có thể tránh khỏi nếu những bất cập, mâu thuẫn, yếu kém được xem xét một cách nghiêm túc, cầu thị với các giải pháp đồng bộ cả về kinh tế, xã hội, môi trường, đặc biệt là kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, thật sự vì dân”. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Cao, ngoài nguyên nhân chính là âm mưu chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, còn sáu nguyên nhân nội tại khác: Một là, các tỉnh Tây Nguyên tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chất lượng thấp, tăng trưởng theo chiều rộng từ khai thác tài nguyên, chủ yếu là hàng hóa xuất thô giá trị thấp, dẫn đến kinh tế phát triển thiếu bền vững. Hai là, suy thoái tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, mất rừng, mai một đa dạng sinh học dẫn đến đất trống, đồi trọc, hạn hán, bão lũ. Ba là, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, xung đột xã hội có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Bốn là, bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên ngày càng bị mai một, không gian sống, không gian văn hóa của cộng đồng DTTS ngày càng bị thu hẹp. Năm là, sự mâu thuẫn và bất cập về chính sách, sự lệch pha giữa kế hoạch và chính sách dẫn đến kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Sáu là, hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở thời kỳ đó bộc lộ rất nhiều yếu kém…
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Nhóm PVTT Tây Nguyên (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.