Thay vì dạy chữ sớm, hãy dạy con những 'kỹ năng suốt đời' này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều bậc cha mẹ có thể kỳ vọng con sẽ biết đọc hay biết viết ngay từ khi học mẫu giáo. Nhưng có nhiều kỹ năng khác quan trọng hơn nhiều mà con cần thành thạo trước khi học tập ở trường tiểu học.

Học và chơi cùng người khác sẽ giúp con học được kỹ năng làm việc nhóm. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM) cùng học cách làm những vật dụng từ rác thải - Ảnh: H.B.
Học và chơi cùng người khác sẽ giúp con học được kỹ năng làm việc nhóm. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM) cùng học cách làm những vật dụng từ rác thải - Ảnh: H.B.



Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Y tế công cộng của Mỹ chỉ ra rằng các kỹ năng xã hội trẻ được học trong trường mẫu giáo có mối tương quan đáng kể với cuộc sống hạnh phúc sau này.

Trong đó, những kỹ năng quan trọng nhất là: hợp tác, tự chủ, tự tin, độc lập, tò mò, đồng cảm và khả năng giao tiếp.

1. Khả năng hợp tác, hòa đồng

Chơi là chất xúc tác quan trọng mà trẻ cần có trong những năm đầu đời. Bằng việc chơi đùa cùng các bạn, trẻ sẽ được học cách đàm phán, giải quyết vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm. Hãy giúp trẻ xây dựng kỹ năng này bằng việc cho trẻ nhiều thời gian chơi cùng bạn bè.

Thông qua trò chơi, câu chuyện và những bài hát, con học được cách hợp tác và làm việc cùng người khác - một nhiệm vụ rất quan trọng trong độ tuổi này. Bởi đó cũng là cách con học được về sự đồng cảm và hòa đồng với người khác.

Trong quá trình chơi, con cũng học được kỹ năng làm việc nhóm. Một đứa trẻ sớm biết cách khi tham gia nhóm sẽ cư xử tốt hơn khi làm việc nhóm lúc trưởng thành.

2. Tự tin, tự nhận biết cảm xúc

Một trong những kỹ năng mà cha mẹ và đặc biệt các giáo viên mầm non cần tập trung vào đó là phát triển sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Nó giúp con nhận biết và cảm thấy hài lòng về bản thân, về cá nhân và cả trong các mối quan hệ với người khác. Nhờ sự tự tin, con cảm thấy mình có năng lực và phát triển tốt hơn khi bắt đầu đi học.

Bên cạnh đó, trẻ học cách gọi tên cảm xúc càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ có kỹ năng phân biệt và đánh giá cảm xúc xung quanh thường dễ hòa đồng hơn với những đứa trẻ khác. Bạn có thể bồi dưỡng kỹ năng này ở trẻ bằng cách gợi sự chú ý đến các tín hiệu cảm xúc và đặt tên cho những cảm xúc đó, từ những cảm xúc đơn giản nhất như vui, buồn, tức giận...

3. Kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý xung đột

Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng xã hội cần thiết cho tất cả mọi người, kể cả trẻ con, vì thế hãy để trẻ có thật nhiều cơ hội được thực hành những kỹ năng này. Nếu trẻ gặp rắc rối, hãy để trẻ tham gia vào quá trình tự giải quyết vấn đề của chính mình.

Khuyến khích trẻ mô tả chuyện gì đang diễn ra, khuyến khích trẻ động não và giúp trẻ thử những cách có thể để tự giải quyết vấn đề thay vì đứng ra giải quyết hộ trẻ.

Bên cạnh đó, quản lý xung đột là một phần quan trọng trong các kỹ năng xã hội. Khi trẻ biết cách đối phó với những xung đột bằng tinh thần xây dựng, con cũng có xu hướng cư xử như vậy khi trưởng thành.

4. Giúp đỡ, quan tâm tới người khác

Trẻ cần học cách từ bi với người xung quanh từ khi còn nhỏ. Nó là tiền đề chuẩn bị cho những mối quan hệ của con sau này. Con cần biết rằng cười khi ai đó đang đau đớn hoặc buồn là không thể chấp nhận được.

Trẻ biết giúp đỡ mọi người là khi trẻ đã có thể nhìn xa hơn để quan tâm đến mong muốn, nhu cầu của người khác chứ không chỉ của mình. Bằng cách chú ý và khen ngợi khi thấy trẻ giúp đỡ mọi người, bạn đã có thể khuyến khích trẻ tiếp tục làm việc tốt.

Hãy giúp trẻ thực hành kỹ năng giúp đỡ mọi người bằng cách cho trẻ tham gia làm việc nhà, ví dụ như cất hoa quả vào tủ, lấy tã sạch cho em, giúp em mặc quần áo...

5. Kỹ năng giao tiếp

Ở những giai đoạn khác nhau, trẻ cần có khả năng giao tiếp ở những cấp độ thích hợp. Chẳng hạn khi con 2-3 tuổi, một em bé cần biết cách giao tiếp bằng mắt với người nói chuyện với mình. Con cần được học rằng giao tiếp bằng mắt là lịch sự và là một cách lắng nghe. Con cũng cần biết cách chào hỏi người khác và chờ đợi khi nói chuyện.

Sự phức tạp trong kỹ năng giao tiếp sẽ tăng dần lên. Đến 5-6 tuổi, con cần biết xin phép, biết cảm ơn, xin lỗi. Và rất nhiều trẻ cần một thời gian dài trước khi những câu nói này trở thành phản xạ tự nhiên. Cha mẹ sẽ là tấm gương quan trọng và đóng vai trò tích cực trong giai đoạn này.

Mỗi em bé là một cá thể đặc biệt và duy nhất, bởi vậy sẽ có những cách để học các kỹ năng xã hội một cách độc đáo và riêng có. Điều quan trọng là cha mẹ hay thầy cô cần phải phân biệt và nhận biết được các nhu cầu của từng trẻ. Cách tiếp cận do đó cũng có thể khác nhau để con có thể phát triển được tốt những kỹ năng này.

Theo LINH PHAN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.